Công an TP Yên Bái đã tiếp nhận đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự từ gia đình em Bùi Đoàn Quang Huy (15 tuổi, học sinh Trường tiểu học và THCS Âu Lâu, TP Yên Bái).
Anh Xuân bên bàn thờ con trai - Ảnh: ĐỨC BÌNH |
Như đã thông tin, em Bùi Đoàn Quang Huy đã treo cổ tự tử sau khi bị chặn đánh, bắt quỳ lạy xin tha trước cổng trường và tung clip vụ việc lên mạng.
Ngay sau vụ việc xảy ra, Công an TP Yên Bái đã tiến hành các biện pháp nghiệp vụ thụ lý vụ án và cử cán bộ đến nhà hướng dẫn gia đình làm ủy quyền để giải quyết vụ việc.
“Con mất rồi, biết làm sao...”
Trao đổi với PV, chị Trần Thị Nga (mẹ em Huy) nói vợ chồng chị không nghĩ sự việc lại đến nông nỗi này.
“Cái hôm Huy can ngăn bạn trên lớp, về Huy cũng không kể gì. Đến khi bị đánh, đi viện, Huy mới nói mình chỉ lôi bạn ra rồi về lớp học bình thường” - chị Nga kể.
Theo lời chị Nga, trong quá trình điều trị tại bệnh viện, ngày nào Huy cũng nói mình rất xấu hổ với thầy cô, các bạn và mọi người xung quanh vì bị đánh và bắt quỳ ở cổng trường. Huy tâm sự với mẹ những người đánh em còn quay video và đưa lên mạng khiến em rất xấu hổ.
Em nói khi ra viện sẽ không đi học nữa. Chị Nga động viên con cứ yên tâm, bố mẹ đã báo công an và chính quyền địa phương rồi, họ sẽ làm việc để đòi lại công bằng cho con.
Trong đám tang, rất đông thầy cô và bạn bè đến chia buồn và đưa tiễn Huy. “Cũng có những người đã đánh Huy đến thắp nhang, nói rằng bận làm ăn nên chỉ đến viếng. Họ không nói gì về việc bồi thường hoặc nhận trách nhiệm liên quan” - anh Bùi Văn Xuân, bố em Huy, nói.
Anh Xuân cho biết đã liên hệ một luật sư ở Hà Nội. “Luật sư bảo chúng tôi phải lên Hà Nội để giải quyết sự việc, trong khi ở nhà còn thằng bé em của Huy nữa. Con mất rồi, biết làm sao...” - anh Xuân ngập ngừng.
Đã xác định người đánh và tung clip
Ngày 8-10, trung tá Lê Quang Minh - đội trưởng đội điều tra tổng hợp Công an TP Yên Bái - cho biết nguyên nhân dẫn đến vụ việc bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa em Huy với học sinh T.V.Đ. (học sinh lớp 7 cùng trường) vào ngày 17-9.
Đến ngày 19-9, bà N.T.H. (mẹ Đ.) cùng T.V.D. (23 tuổi, anh họ Đ.) chặn đường đánh Huy vì trước đó Đ. đã kể lại mâu thuẫn với Huy cho mẹ biết.
Công an TP Yên Bái cũng đã lấy lời khai những người liên quan và mời một học sinh lớp 8 đến để làm rõ vì quay clip và đăng tải trên mạng. Ngay sau đó học sinh này đã xóa clip trên trang Facebook.
Theo chị Nga, sau khi sự việc xảy ra, phụ huynh em Đ. và người nhà thanh niên đánh con trai chị trong clip đã đi cùng công an đến gia đình thắp nhang cho con chị. Tuy nhiên vẫn chưa nhận lỗi đã đánh Huy dẫn đến chấn động não, chấn thương phần mềm.
“Không chỉ đánh mà họ còn bắt con tôi quỳ gối, làm nhục trước mặt bao nhiêu học sinh khiến cháu không dám đi học rồi uất ức tự tử. Nếu không nhận được thông tin chính thức, thỏa đáng từ phía cơ quan công an, gia đình tôi sẽ mời luật sư vào cuộc đòi lại công bằng cho con tôi” - chị Nga cho biết.
Trách nhiệm nhà trường tới đâu?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Âu Lâu (xã Âu Lâu, TP Yên Bái), cho biết nguyên nhân vụ việc bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa học sinh trong trường với nhau. Sau đó người nhà của một học sinh lớp 7A chặn đường đạp ngã, đánh và bắt Huy quỳ xin lỗi...
“Việc xảy ra ngoài nhà trường và khi xảy ra vụ việc, giáo viên không hề hay biết. Thời điểm đó có một giáo viên nhà trường đi qua và yêu cầu các em giải tán. Cô giáo này còn dọa sẽ gọi điện báo công an. Khi thấy học sinh và phụ huynh đi khỏi thì cô giáo này cũng đi về” - cô Huyền kể.
Theo cô Huyền, ngay chiều 19-9 gia đình Huy có báo với giáo viên chủ nhiệm về vụ việc. Cô giáo chủ nhiệm nói gia đình nên báo cả chính quyền, công an xã.
Sáng 20-9, khi cô Huyền đi công tác thì được tin công an xã đến nhà trường để ghi nhận. Tiếp đó, sau khi em Huy tự tử thì ngày 27-9, Công an TP Yên Bái tiếp tục đến trường làm việc.
Khi gia đình báo sự việc Huy bị đánh thì nhà trường đã yêu cầu các em liên quan làm bản tường trình, bản kiểm điểm.
“Chúng tôi dự định chờ khi Huy đi học trở lại sẽ trực tiếp hỏi, tìm hiểu kỹ hơn nguyên do của vụ việc. Nhưng không ngờ lại xảy ra vụ việc xấu như thế. Lúc Huy nằm viện, giáo viên chủ nhiệm cũng đến thăm hỏi.
Khi Huy mất, nhà trường cùng giáo viên, bạn bè Huy luôn bên cạnh để động viên, chia sẻ mất mát với gia đình. Gia đình cũng ghi nhận và có lời cảm ơn nhà trường. Hội đồng nhà trường đã có quyết định hạ bậc hạnh kiểm các học sinh liên quan” - cô Huyền nói.
Theo thạc sĩ Nguyễn Minh Sơn - Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, hành vi làm nhục người khác xảy ra ngày càng nhiều nhưng việc xử lý của cơ quan chức năng dường như còn hạn chế. Trong trường hợp này, hành vi làm nhục em Huy đã gây hậu quả rất nghiêm trọng nhưng tình tiết “phạm tội đối với trẻ em” và “phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” đều là tình tiết tăng nặng. |
Theo Y.Trinh - Đ.Bình - Q.Thế (Tuổi Trẻ)