Ngày 10-6, Công an TP Hà Nội thông tin gần đây tại Việt Nam, Forex là một trong những hình thức đầu tư được rất nhiều người chú ý. Tuy nhiên, Ngân hàng nhà nước Việt Nam khẳng định chưa cấp phép cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào kinh doanh hình thức sàn giao dịch vàng, ngoại hối - Forex.
Theo Công an TP Hà Nội Forex là viết tắt của cụm từ Foreign Exchange, nghĩa là trao đổi tiền tệ quốc tế. Trong đó, thị trường Forex hay thị trường ngoại hối là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi tiền tệ của các quốc gia thông qua hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng.
Hoạt động kinh doanh trao đổi tiền tệ trong thị trường Forex được thực hiện bằng cách mua, bán, trao đổi loại tiền tệ này với loại tiền tệ khác với. Lợi nhuận của giao dịch sẽ tính theo phần chênh lệch giữa việc mua vào, bán ra.
Tại khoản 20 Điều 4 Pháp lệnh Ngoại hối 2005, bổ sung bởi Điều 1 Pháp lệnh Ngoại hối sửa đổi năm 2013 quy định: Kinh doanh ngoại hối là hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng được phép nhằm mục tiêu lợi nhuận, phòng ngừa rủi ro và bảo đảm an toàn, thanh khoản cho hoạt động của chính tổ chức tín dụng đó. Trong đó, theo khoản 11 Điều 4: Tổ chức tín dụng được phép là các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối theo quy định tại Pháp lệnh này.
Như vậy, hiện nay Nhà nước chỉ cho phép các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh ngoại hối tại Việt Nam. Cùng với đó, mọi hành vi kinh doanh ngoại tệ của cá nhân, tổ chức khác đều là vi phạm pháp luật.
Theo thống kê của Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao Công an Hà Nội, hiện nay, thị trường Việt Nam có khoảng 300 sàn giao dịch ngoại hối trái phép, thu hút nhiều người tham gia đầu tư và tự gọi là "chơi Forex". Phương thức hoạt động của các sàn Forex là cho các nhân viên môi giới mời chào lôi kéo, thu hút người chơi qua hình thức telesales (chào mời đầu tư qua điện thoại), liên hệ qua mạng xã hội Zalo, Facebook, tư vấn người chơi "đánh lệnh".
Ban đầu thường cho nhà đầu tư đánh thắng để nạp thêm nhiều tiền vào tài khoản. Sau đó, tư vấn đánh các lệnh lớn, thu mức phí lớn và không rõ ràng dẫn đến mất hết tiền trong tài khoản của nhà đầu tư. Khi đã thua hết tiền, các đối tượng sẽ giới thiệu nhà đầu tư sang một sàn Forex mới, với cam kết nếu nạp tiền vào sẽ chơi thắng lại được số tiền đã thua.
Theo lời của nhân viên tư vấn, các dự án, mô hình hệ thống này đều được giới thiệu có nguồn gốc từ nước ngoài, là các hệ thống kỹ thuật giúp thực hiện các giao dịch nhanh chóng, chính xác, được liên kết với các nền tảng giao dịch tiền điện tử lớn trên thế giới, lãi suất cao bất thường, từ 15-30%/tháng, trên số tiền đầu tư.
Cùng với đó, các sàn Forex được các đối tượng quản trị thiết kế với các chức năng can thiệp vào tài khoản của các khách hàng. Quản trị có thể tự đặt lệnh vào tài khoản khách hàng, thay đổi số dư tiền trên tài khoản; can thiệp vào quá trình đặt lệnh như kéo dài độ trễ của lệnh, kéo giãn khoảng giá mua và bán, "đánh cháy" tài khoản của khách hàng (làm hết tiền trong tài khoản khách hàng). Đồng thời, các sàn Forex này không có tính năng kết nối với các sàn Forex trên thế giới.
Đáng chú ý, nhà đầu tư trên sàn giao dịch Forex thực chất là chơi với chủ sàn, toàn bộ tiền đánh thua là chủ sàn được hưởng (đã có nhiều người dân bị thua số tiền rất lớn lên đến cả chục tỷ đồng). Trường hợp nhà đầu tư thắng nhiều, chủ sàn sẽ can thiệp kỹ thuật như: chặn quyền truy cập tài khoản, tự đặt lệnh khống, dẫn đến cháy tài khoản và không thể rút được tiền. Cuối cùng, khi đã chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư, các đối tượng đánh sập sàn giao dịch để tránh sự truy vết của cơ quan công an và nhà đầu tư không thể đi đòi tiền...
Cũng theo Công an Hà Nội, người tham gia giao dịch vừa vi phạm pháp luật về hoạt động ngoại hối, vừa không được pháp luật bảo vệ nếu có tranh chấp, xung đột xảy ra. Cụ thể, theo Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, người có hành vi vi phạm về hoạt động ngoại hối có thể bị xử lý hành chính.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương từng đưa ra cảnh báo: việc quảng cáo, kêu gọi đầu tư thông qua các sàn đầu tư tài chính, đặc biệt là hình thức đầu tư thị trường ngoại hối Forex tại Việt Nam có dấu hiệu của việc kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép. Cụ thể, các công ty tài chính, các sàn Forex trái phép này thường lôi kéo người tham gia bằng hình thức trả thưởng, "hoa hồng" cho môi giới sau khi họ mời thêm thành viên; đồng thời, xây dựng hệ thống kinh doanh nhiều cấp, nhiều nhánh.
Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật, hành vi kinh doanh, môi giới Forex trái phép có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể: Căn cứ khoản 8 Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, hoạt động kinh doanh, môi giới ngoại hối khi không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép quy định hoạt động sẽ bị phạt hành chính từ 200 - 250 triệu đồng. Trường hợp nhân viên môi giới hay sàn Forex sử dụng các chiêu trò gian dối, khiến nhà đầu tư thua lỗ, mất tiền có thể bị xử lý hình sự về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản" tại Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015.
Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân: Bản chất của việc giao dịch ngoại hối là sự tương tác giữa người đầu tư và chủ sàn diễn ra hoàn toàn trên không gian mạng nên tiềm ẩn rủi ro rất lớn về tài chính cho người tham gia. Người dân, việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán tại Việt Nam là bất hợp pháp, do đó tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân khi thực hiện đầu tư bằng hình thức tiền ảo.
Đặc biệt, tuyệt đối không chuyển tiền, tham gia các hội nhóm liên quan đến sàn giao dịch tiền ảo, Forex do nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tự lập để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại về tài sản cho người tham gia, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.
Theo Nguyễn Hưởng (Nld.com.vn)