Ông Thanh lý giải, sau 2 năm điều tra và xét xử các cấp sơ thẩm đến phúc thẩm, ngày 30.11, Ủy ban Thẩm phán của TAND Cấp cao đã chấp nhận kháng nghị, tuyên hủy các bản án để điều tra, truy tố, xét xử lại từ đầu.
Chánh án TAND Tối cao cũng có quan điểm cho rằng chưa thể xác định được người điều khiển xe đầu kéo có lỗi hay không có lỗi.
Theo luật sư bào chữa cho tài xế xe container, quá trình điều tra xét xử từ sơ thẩm đến phúc thẩm, Chánh án TAND tối cao vẫn chưa xác định được Hoàng có lỗi hay không.
Theo Điều 119 Luật Tố tụng hình sự 2015, các trường hợp áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam như: Bị can, bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội; bị can, bị cáo bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã; bị can, bị cáo phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ cho rằng nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia....
Hiện, điều kiện được tại ngoại đối với bị can, bị cáo không quy định cụ thể. Tuy nhiên, trong một số trường hợp có thể đưa ra những cơ sở nhằm xem xét cho phép bị can tại ngoại.
Thứ nhất, đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
Thứ hai, người phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và có nơi cư trú rõ ràng, không có dấu hiệu bỏ trốn.
Theo luật sư Giang Hồng Thanh, tài xế Hoàng có các điều kiện như: Có nơi cư trú ổn định, lý lịch rõ ràng, nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự. Anh là lao động chính trong gia đình, trước khi bị bắt đang phải nuôi hai con nhỏ và bố mẹ già.
Hoàng cũng không có dấu hiệu bỏ trốn hoặc có dấu hiệu phạm tội khác. Trong quá trình xét xử, tài xế xe container được TAND tỉnh Thái Nguyên đánh giá thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.
Tính đến thời điểm hiện nay, tài xế xe container Lê Ngọc Hoàng đã bị tạm giam 22 tháng. Trong quá trình đó, Hoàng đã có lần tự tử bằng cách lao đầu vào tường nhà tạm giữ vì cho rằng bị oan. Vụ việc đã được cơ quan chức năng phát hiện nên được cứu sống kịp thời.
"Việc đồng ý hay không đồng ý thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với Lê Ngọc Hoàng tại giai đoạn này thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, Hoàng cũng không có lý do gì để gây khó khăn cho quá trình điều tra lại nữa. Vì mọi lời khai của Hoàng đã được cung cấp trong quá trình điều tra, xét xử.
Hơn nữa Hoàng lại là lao động chính trong gia đình, từ khi Hoàng bị bắt gia đình rơi vào cảnh kiệt quệ, mọi chi tiêu đều trông chờ vào đồng lương công nhân ít ỏi của vợ Hoàng và sự giúp đỡ của mọi người.
Tôi hy vọng rằng các cơ quan pháp luật của tỉnh Thái Nguyên sẽ xem xét một cách khách quan, thận trọng, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam để quyết định cho phép Hoàng được tại ngoại" - luật sư Thanh bày tỏ.
Theo Yến Linh (Dân Việt)