Trong số 54 bị cáo sẽ bị TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử trong vụ “chuyến bay giải cứu” hôm 11/7 tới, ông Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế) bị đưa ra xét xử về tội Nhận hối lộ.
Cáo trạng của VKSND Tối cao cho rằng, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, có 25 cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao, nhận hối lộ hơn 164 tỷ đồng. Người nhận hối lộ nhiều nhất là bị can Phạm Trung Kiên.
Theo cáo buộc, Bộ Y tế giao Cục Y tế Dự phòng tiếp nhận, đề xuất, xem xét, cho ý kiến việc phê duyệt kế hoạch tổ chức các chuyến bay theo đề xuất của Bộ Ngoại giao; chấp thuận cho các đoàn khách lẻ được về nước theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Khi nhận được văn bản của cơ quan chức năng xin ý kiến về chuyến bay, ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế phân công Cục Y tế dự phòng, trong đó, Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm là đơn vị nghiên cứu đề xuất.
Khi có kết quả xử lý văn bản, Cục Y tế dự phòng duyệt dự thảo văn bản trả lời Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các đơn vị chức năng thông qua ông Phạm Trung Kiên trình ông Đỗ Xuân Tuyên duyệt, ký văn bản trả lời.
Kết quả điều tra xác định, khi thực hiện nhiệm vụ, ông Kiên đã yêu cầu đại diện các doanh nghiệp, cá nhân chi tiền từ 50- 200 triệu đồng/chuyến bay, hoặc từ 500 nghìn đến 2 triệu đồng/khách đối với chuyến bay combo và từ 7- 15 triệu đồng/khách lẻ.
Quá trình giải quyết cấp phép các chuyến bay, từ tháng 2 - 12/2021, ông Kiên đã nhận hối lộ 253 lần của 18 cá nhân và 62 đoàn khách lẻ khác với tổng số tiền hơn 42 tỷ đồng.
Một trong số các chủ doanh nghiệp đã tìm đến ông Kiên vào hồi tháng 7/2021 phải kể đến bị can Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó TGĐ Công ty Blue Sky. Bà Hằng được ông Kiên đồng ý giúp trình ký duyệt cấp phép các chuyến bay với yêu cầu phải chi 150 triệu đồng/chuyến.
Tháng 9/2021, khi gặp bị can Lê Hồng Sơn, TGĐ Công ty Blue Sky, ông Kiên cũng đưa ra yêu cầu tương tự. Ông Kiên đã nhận 7 lần, tổng số tiền 6 tỷ đồng của 2 bị can Hằng và Sơn để trình ký cấp phép 40 chuyến bay.
Một doanh nghiệp khác đã tìm đến ông Kiên vào tháng 8/2021 là bị can Đào Minh Dương, Giám đốc Công ty CP Vijasun. Ông Dương đến liên hệ, nhờ và được ông Kiên đồng ý trình giải quyết cấp phép chuyến bay cho Công ty CP Vijasun, kèm theo yêu cầu phải chi 150 triệu đồng/chuyến bay.
Khi đó, Dương thỏa thuận xin bớt và được ông Kiên đồng ý giảm còn 100 triệu đồng/chuyến bay. Trong quá trình giải quyết cấp phép các chuyến bay, bị can Kiên đã nhận hối lộ 3 lần, tổng cộng 1,1 tỷ đồng của ông Dương.
Sau khi vụ án được khởi tố, ông Kiên đã chuyển khoản trả lại cho các cá nhân đại diện các doanh nghiệp, tổng số hơn 12 tỷ đồng và số tiền này được nộp lại Cơ quan ANĐT Bộ Công an.
Trong số các bị can, ông Kiên là người nhận hối lộ nhiều nhất, nhưng trong cáo trạng của VKSND Tối cao mới chỉ ghi nhận việc ông Kiên “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”, “có thành tích xuất sắc trong công tác”, chưa nộp tiền khắc phục hậu quả.
Theo T.Nhung (VietNamNet)