Như tin tức đã đưa, lãnh đạo Công an huyện Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng) cho biết cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vĩnh Bảo vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giữ hình sự Nguyễn Văn Lại (xã Liên Am, huyện Vĩnh Bảo) về hành vi hiếp dâm người dưới 13 tuổi, khiến nạn nhân có thai.
Đối tượng đã từng 2 lần phạm tội Hiếp dâm trẻ em
Theo tài liệu điều tra ban đầu, ngày 12/3, Công an huyện Vĩnh Bảo nhận được tin báo của gia đình cháu Đ.T.T (SN 2007, ở xã Liên Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) tố cáo Đỗ Văn Lại (SN 1976, ở cùng địa chỉ trên), có hành vi quan hệ tình dục với T., khiến bé gái có thai, hiện đã 14 tuần tuổi. Đáng chú ý, Đỗ Văn Lại là chú ruột của nạn nhân.
Khẩn trương vào cuộc xác minh điều tra, thu thập tài liệu, Công an huyện Vĩnh Bảo đã triệu tập Đỗ Văn Lại.
Tại cơ quan công an bước đầu, Đỗ Văn Lại thừa nhận hành vi quan hệ tình dục với cháu T.. Theo lời khai, Lại đã 5 lần giở trò đồi bại với cháu T., trong đó có 2 lần quan hệ khi T. dưới 13 tuổi.
Hiện tại, Đỗ Văn Lại đã bị khởi tố bị can và tạm giam về hành vi hiếp dâm người dưới 13 tuổi.
Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên nghi phạm thực hiện hành vi hiếp dâm trẻ em. Trước đó, Đỗ Văn Lại từng nhận án tù vì tội hiếp dâm trẻ em vào năm 1999 và ra tù trước thời hạn vào năm 2015.
Vụ việc trên khiến dư luận bức xúc, bởi hành vi táng tận lương tâm của đối tượng gây ra cho chính cháu ruột dẫn đến những hậu quả nặng nề khi cháu bé không chỉ bị tổn thương về thể chất, mà còn bị ảnh hưởng đến tinh thần. Hơn nữa, đối tượng này đã từng phải chịu án về tội hiếp dâm nhưng không hối cải vẫn gây ra hành vi với chính cháu ruột của mình.
Đối tượng có thể đối mặt với mức án cao nhất: 20 năm tù
Về vấn đề pháp lý trong vụ việc trên, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi của đối tượng không chỉ vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn vi phạm đạo đức xã hội đến mức phải lên án mạnh mẽ, nhất là khi nạn nhân là cháu gái ruột của đối tượng, tuổi đời cháu còn nhỏ.
Luật sư Cường nhấn mạnh, hiện nay, tội hiếp dâm trẻ em theo BLHS năm 1999 mà đối tượng từng bị kết án đã sửa đổi thành tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 tại điều 142.
Trong vụ việc nêu trên, hành vi của đối tượng không chỉ vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn vi phạm đạo đức xã hội đến mức phải lên án mạnh mẽ bởi mối quan hệ giữa đối tượng này và nạn nhân là quan hệ chú cháu ruột
Luật sư Cường cho rằng, trong vụ việc trên, đối tượng đã thực hiện hành vi quan hệ tình dục với người dưới 13 tuổi và cũng có thể thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn. Bởi thông tin ban đầu từ cơ quan chức năng cho thấy, đến nay, nạn nhân mới 14 tuổi mà đối tượng đã thực hiện nhiều lần hành vi quan hệ tình dục khiến nạn nhân có thai 14 tuần tuổi. Bởi vậy, những lần quan hệ tình dục đầu có thể nạn nhân chưa đủ 13 tuổi.
Với hành vi "phạm tội 2 lần trở lên" và "làm nạn nhân có thai" là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự theo điểm b và điểm đ khoản 2, điều 142 bộ luật hình sự năm 2015, đối tượng phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
Đồng thời với nhân thân xấu, đã từng có tiền án về tội danh này và phạm tội với cháu ruột nên đối tượng này sẽ phải chịu mức án nghiêm khắc có thể là mức án cao nhất đến 20 năm tù.
"Trong vụ án này, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ nguyên nhân động cơ phạm tội, làm rõ đối tượng này có bệnh lý về tình dục hay không để thực hiện tốt công tác phòng ngừa và để việc cải tạo giáo dục đạt hiệu quả tốt hơn", luật sư Cường nhận định.
Đấu tranh với tội phạm xâm hại tình dục: Chỉ bỏ tù là chưa giải quyết triệt để được vấn đề
Theo luật sư Đặng Văn Cường, Việt Nam cần bổ sung biện pháp hành chính là thiến hóa học để đấu tranh với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
Hiện nay ở nhiều quốc gia trên thế giới thì đối với các đối tượng xâm hại tình dục sẽ được chia làm hai nhóm: Một nhóm là do bệnh lý, nhóm thứ hai là do nhân cách thấp kém.
Với nhóm do bệnh lý thì sẽ can thiệp bằng y học, trong đó có biện pháp thiến hóa học, tiêm hóa chất để làm ổn định khả năng và nhu cầu tình dục, kiểm soát hoạt động tình dục bằng cách chữa bệnh để trở lại trạng thái bình thường.
Còn đối với những người không bị bệnh lý dẫn đến việc thực hiện hành vi xâm hại tình dục thì nguyên nhân là bởi đạo đức nhân cách thấp kém, ý thức coi thường pháp luật, coi thường danh dự nhân phẩm, sức khỏe của người khác. Với những đối tượng này thì sẽ phải chịu chế tài của pháp luật, thường sẽ là chế tài phạt tù.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng hình phạt thiến hóa học đối với tội phạm xâm hại trẻ em, như bang California, Georgia, Montana, Florida của Mỹ. Indonesia và Hàn Quốc là 2 quốc gia tiên phong của châu Á áp dụng luật thiến hóa học.
Hiện nay, thiến hóa học được sử dụng trên thế giới là cho người thiến uống hoặc bằng đường tiêm thêm nhiều hormone kháng hormone sinh dục nam testosterone, khiến nồng độ testosteron trong cơ thể giảm xuống mức thấp, từ đó làm giảm tới mức thấp nhất nhu cầu ham muốn về tình dục, thậm chí cả suy nghĩ về tình dục cũng biến mất. Hoặc có thể tiêm hormone sinh dục nữ để giảm hormone sinh dục nam testosterone.
Ở Việt Nam, hành vi xâm hại tình dục đến mức xử lý hình sự thì chỉ áp dụng chế tài hình sự chứ không có những can thiệp bằng biện pháp y tế. Trước đây khi sửa đổi bộ luật hình sự thì cũng nhiều ý kiến đưa ra là cần phải phân loại, với những đối tượng phạm tội do yếu tố bệnh lý tình dục thì cần phải áp dụng biện pháp hành chính là bắt buộc chữa bệnh, cần có can thiệp bằng y tế để giảm nhu cầu tình dục của đối tượng có bệnh lý. Tuy nhiên ý kiến này vẫn chưa được thống nhất nên chưa đưa vào luật.
Thực tiễn cho thấy những đối tượng phạm tội xâm hại tình dục thường có xu hướng tái phạm do yếu tố bệnh lý hoặc/và đạo đức nhân cách thấp kém. Bởi vậy, nếu là do bệnh lý thì dù có giam cầm bao lâu, khi trở về với đời sống xã hội thì người đó vẫn có nguy cơ xâm hại tình dục rất cao so với những người khác. Khi ham muốn bản năng quá lớn và lấn áp lý trí, đạo đức đến mức độ bị bệnh thì rất khó kiểm soát hành vi và rất dễ tái phạm.
Bởi vậy, luật sư Cường cho rằng, về lâu dài thì Việt Nam cũng cần nghiên cứu để áp dụng biện pháp hành chính là thiến hoá học để kiểm soát nguyên nhân điều kiện phạm tội giảm nguy cơ xâm hại tình dục ở những người có bệnh lý về tình dục mới đảm bảo an toàn cho xã hội.
Theo Minh Khôi (Pháp Luật và Bạn Đọc)