Chiêu rửa tiền của tội phạm trong các vụ đánh bạc qua mạng

13/03/2018 07:04:00

Để hợp thức hóa nguồn tiền thu bất chính từ đánh bạc qua mạng, tội phạm thường sử dụng doanh nghiệp để rửa tiền, chuyển hóa thành lợi nhuận kinh doanh.

Ngày 11/3, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Thanh Hóa (sinh năm 1958, nguyên Cục trưởng Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) về tội Tổ chức đánh bạc, quy định tại Khoản 2, Điều 249 (Bộ luật Hình sự năm 1999).

Trước đó, Công an tỉnh Phú Thọ đã điều tra, khởi tố vụ án Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Mua bán trái phép hóa đơn và Rửa tiền xảy ra tại tỉnh này và một số địa phương khác.

Nhận diện tội phạm rửa tiền

Chiêu rửa tiền của tội phạm trong các vụ đánh bạc qua mạng
Cảnh sát khám xét nơi ở của những người có liên quan trong đường dây cá độ nghìn tỷ ở miền Tây.

Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa, Đoàn luật sư Hà Nội) nêu dẫn chứng, trong vụ án Công an tỉnh Phú Thọ đang điều tra mở rộng, để rửa nguồn tiền thu lợi bất chính từ đánh bạc qua mạng, nhóm cầm đầu đã sử dụng một công ty kinh doanh trò chơi để chuyển hóa thành lợi nhuận kinh doanh, thu lợi bất chính.

Trong vụ án này, nhóm phạm tội đã sử dụng công nghệ cao để thu tiền. Sau đó, họ thành lập doanh nghiệp bình phong để đầu tư, kinh doanh nhưng thực chất là để sử dụng nguồn tiền này.

So với thế giới, ở Việt Nam hiện nay cũng đã hình thành gần như tất cả phương thức của tội phạm rửa tiền. Vụ án trên đây có thể được xem là vụ lớn nhất bị cơ quan chức năng triệt phá liên quan đến hành vi rửa tiền.

Ngoài hình thức đánh bạc qua mạng, tội phạm rửa tiền có thể ẩn náu qua các hoạt động kinh tế. Tiền "bẩn" thường được đổi hoặc gửi qua các hệ thống ngân hàng để biến thành tiền "sạch".

Liên quan vụ Công an Phú Thọ triệt phá đường dây đánh bạc xuyên quốc gia, cơ quan điều tra đã khởi tố 2 bị can cầm đầu, gồm Phan Sào Nam (nguyên Chủ tịch HĐQT VTC Online) và Nguyễn Văn Dương (trú tại Hà Nội). 

Theo Tuổi trẻ, qua điều tra ban đầu, xác định ông Nam và ông Dương đã thành lập một doanh nghiệp đăng ký kinh doanh nhập khẩu thiết bị công nghệ. Qua đó, 2 bị can tổ chức đánh bạc qua mạng thu lời bất chính hàng nghìn tỷ đồng.

Đánh bạc qua mạng thường liên kết với tội phạm rửa tiền

Theo luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc công ty luật Minh Bạch, Đoàn luật sư Hà Nội), người tổ chức đánh bạc qua mạng thường sử dụng Internet với cách thức tinh vi nhằm che giấu hành vi phạm tội, để dụ dỗ người chơi.

Do đó, số lượng người chơi bạc thường nhiều và khoản tiền thu lợi bất chính từ đánh bạc qua mạng lớn. Để hợp thức hóa nguồn lợi phi pháp này, tội phạm thường liên kết với nhau để rửa tiền.

Luật sư định nghĩa rửa tiền là một loại tội phạm riêng biệt, thường xuất hiện trong các vụ án đánh bạc qua mạng. Bởi lẽ, khi tổ chức các trò chơi cờ bạc trên mạng, người tổ chức phải tìm cách hợp thức hóa nguồn tiền đó.

Theo đó, rửa tiền là hành vi biến, chuyển hóa các đồng tiền phạm pháp thành nguồn tiền “sạch”, sử dụng vào việc đầu tư. Sau đó, tội phạm hạch toán phần lợi nhuận đó thành lợi kinh doanh nhằm che mắt cơ quan chức năng.

Trên thực tế, để hợp thức hóa nguồn tiền phi pháp trên mạng, tội phạm thường sử dụng một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực Internet để rửa tiền. Do đó, các trò chơi đánh bạc qua mạng thường tồn tại lâu.

Để duy trì đường dây phạm tội, những người liên quan phải có sự cấu kết chặt chẽ với nhau, phân cấp và vai vế rõ ràng.

Bộ luật Hình sự 1999 quy định, tội Rửa tiền có thể bị phạt tiền đến 3 lần số tiền hoặc giá trị tài sản phạm tội; hoặc bị phạt tù đến 15 năm. Hình phạt bổ sung gồm tịch thu một phần hay toàn bộ tài sản và cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề từ 1 đến 5 năm.

Điều 249 Bộ luật hình sự năm 1999: Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc

1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc với quy mô lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này và Điều 248 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Thu lợi bất chính lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn;

c) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo Hoàng Lam (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật