Ngày 29/7, hình ảnh đôi trai gái quan hệ tình dục trong rạp chiếu phim CGV bị phát tán trên mạng. Sự việc đã được CGV Việt Nam xác nhận. Đơn vị này nhận trách nhiệm xử lý nhân viên phát tán hình ảnh.
"Sau sự cố, chúng tôi đã kiểm điểm nghiêm khắc nhân viên liên quan bằng việc tạm thời đình chỉ công việc. Đồng thời, chúng tôi sẽ mở cuộc họp để đưa ra quyết định cụ thể đối với hành vi kể trên”, đại diện CGV cho biết.
Xung quanh sự việc này, có ý kiến cho rằng hành vi tung ảnh không phải là sai phạm của công ty CGV trong quá trình làm việc, mà chỉ là hành vi chủ quan của nhân viên, không nhân danh công việc, nên CGV không có nghĩa vụ bồi thường hành vi do nhân viên của mình gây ra.
Vậy pháp luật quy định như thế nào về trường hợp này? CGV có phải chịu trách nhiệm hay không?
CGV có phải bồi thường?
Trao đổi với Zing.vn, luật sư Trần Thu Nam (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng CGV có quyền gắn camera để giám sát các hoạt động tại rạp như ăn uống, sử dụng điện thoại, livestream trái phép. Tuy nhiên, việc sử dụng hình ảnh cá nhân phát tán lên mạng đã xâm phạm bí mật đời tư của khách hàng.
Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh. Theo đó, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được chính người đó đồng ý. Khi sử dụng hình ảnh vi phạm thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp này, luật sư Nguyễn Văn Dũ (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng CGV hẳn phải có quy định về bảo mật thông tin, hình ảnh của khách. Tuy nhiên, dù có hay không thì CGV vẫn phải đứng ra bồi thường.
"Nhân viên của CGV gây thiệt hại thì CGV phải trực tiếp bồi thường cho người bị xâm hại. Sau đó, CGV có quyền yêu cầu nhân viên hoàn trả theo quy định của pháp luật dân sự", luật sư Dũ nhận định.
Đồng quan điểm, luật sư Trần Thu Nam cho biết thêm, vé xem phim giống như 1 hợp đồng giữa người mua sản phẩm/dịch vụ với đơn vị cung cấp chứ không phải giữa người mua với nhân viên của đơn vị đó. Do vậy, việc vận hành, quản lý dữ liệu, nhân viên trong quy trình cung cấp dịch vụ do đơn vị đó chịu trách nhiệm.
"Nếu xử phạt vi phạm hành chính hoặc đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì cá nhân nào thực hiện thì cá nhân đó chịu trách nhiệm. Còn về trách nhiệm dân sự, thoả thuận mua bán sản phẩm, dịch vụ giữa cá nhân với tổ chức thì tổ chức đó phải bồi thường", luật sư Nam nói.
Theo các luật sư, đây là quy định của pháp luật, tổ chức cung cấp sản phẩm/dịch vụ, không thể đổ lỗi cho nhân viên trong tổ chức đó để thoái thác trách nhiệm được.
Nhân viên phát tán hình ảnh bị xử lý thế nào?
Về trách nhiệm của cá nhân nhân viên, luật sư Dũ cho rằng cần điều tra xem xét mối quan hệ của người chụp lại màn hình camera với đôi nam nữ, cũng như động cơ tung ảnh của người này và hậu quả để lại cho đôi nam nữ, để xác định mức độ vi phạm.
Nếu đủ yếu tố và có đơn yêu cầu của người bị hại, theo luật sư, sẽ xử lý nhân viên tội Làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, với mức phạt có thể lên tới 2 năm tù. Hoặc người bị tung ảnh có quyền khởi kiện, yêu cầu khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại.
"Chưa biết mức độ của các hình ảnh kia như thế nào, nếu được các cơ quan chuyên môn xác định là thuộc danh mục văn hóa phẩm đồi trụy, thỏa mãn dấu hiệu tội phạm thì nhân viên kia có thể bị xử lý về tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015", luật sư Thu Nam bày tỏ.
Theo các luật sư, hành vi của đôi nam nữ tuy không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của Việt Nam nhưng hiện nay, không có quy định cấm cũng như không có chế tài để xử lý.
"Trước đây, theo Nghị định (NĐ) 73/2010 thì hành vi đó bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, NĐ 167/2013 đã thay thế NĐ 73 và không xử phạt hành vi này nữa", luật sư Dũ nói thêm.
Theo Hoài Thanh (Tri Thức Trực Tuyến)