Chiều 25-3, Công an TP HCM cho biết đang lấy lời khai bà Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam), đồng thời mở rộng điều tra vụ án. Trong những buổi livestream của bà Hằng có rất nhiều người, đội ngũ kỹ thuật tham gia giúp sức khi bà Hằng "lên sóng".
"Chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ ai là tiếp tay, ai là người cung cấp tài liệu cho bà Nguyễn Phương Hằng, ai là đạo diễn, kịch bản truyền thông. Ngoài ra, sẽ làm rõ những người xây dựng vai phụ, vai chính, đóng vai nào trong những buổi phát sóng. Trong các buổi livestream này đều có ban bệ biên soạn, chỉ đạo kịch bản cho bà Nguyễn Phương Hằng có tư liệu để nói", một nguồn tin nói.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng vấn đề trách nhiệm pháp lý đối với đội ngũ ê-kip của nữ doanh nhân này cũng được đặt ra và việc làm rõ vai trò những người này là cần thiết.
Theo luật sư Võ Đan Mạch, việc chửi bới, xúc phạm, phát ngôn không đúng sự thật không chỉ do một mình bà Hằng thực hiện mà còn nhận được sự hỗ trợ từ ê-kip của bà. Do vậy, để có cơ sở đánh giá, xem xét, xác định rõ về hành vi phạm tội (nếu có) của từng cá nhân liên quan, cơ quan có thẩm quyền sẽ yêu cầu, triệu tập lên làm việc để lấy lời khai, đối chất, xác định rõ mục đích, động cơ, vai trò, ý thức thực hiện hành vi, qua đó xác định có hay không hành vi phạm tội của những người này.
Trong trường hợp đáp ứng đầy đủ dấu hiệu cấu thành của tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" thì ê-kip của bà Hằng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm.
Điều 17 Bộ Luật Hình sự quy định đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm. Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm. Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
Khi đó, tùy vào vai trò, vị trí trong vụ án, tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm mà những cá nhân, tổ chức là ê-kip của bà Nguyễn Phương Hằng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với những mức hình phạt tương ứng.
Cụ thể hơn, luật sư Võ Đan Mạch cho rằng ê-kip tham gia hỗ trợ bà Hằng livestream có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm như những người tìm kiếm thông tin, tài liệu liên quan, chuẩn bị hồ sơ để bà Hằng livestream; đội ngũ kỹ thuật phụ trách hỗ trợ phần ánh sáng, âm thanh, trình chiếu; đội ngũ truyền thông, viết bài, chia sẻ...
Ngoài ra, nếu có dấu hiệu đánh cắp thông tin cá nhân, bí mật đời tư của người khác bằng các thủ đoạn hack Facebook, tài khoản mạng xã hội khác của cá nhân để phục vụ mục đích bôi nhọ danh dự nhân phẩm, đả kích,... thì những người này còn có thể bị xem xét, xử lý thêm về tội "Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác" quy định tại Điều 288 Bộ Luật Hình sự.
Về phía luật sư – những người tham gia tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho bà Hằng - có thể bị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm như đã phân tích. Bên cạnh đó, những người này còn có thể bị xem xét, kỷ luật và xử lý trong nội bộ đơn vị mà những luật sư này công tác.
Cụ thể, nếu việc xuất hiện ở những buổi livestream của bà Hằng và không thực hiện đúng vai trò, chức trách của luật sư; thực hiện dịch vụ pháp lý, cung cấp ý kiến tư vấn pháp lý cho khách hàng (bà Hằng) mà không dựa trên việc đánh giá đầy đủ, rõ ràng về tính hợp pháp, hợp lệ của những nguồn thông tin, tài liệu bà Hằng có được. Nếu có sự xúi giục, hùa theo, để đưa ra những phát ngôn không có căn cứ khi cùng livestream với bà Hằng, làm người dân, khán giả lầm tưởng về tính xác của những phát ngôn mà bà Hằng đưa ra. Đây có thể xem như là vi phạm các quy định về chuẩn mực, đạo đức, điều cấm của người hành nghề luật sư.
Theo Phạm Dũng (Nld.com.vn)