Trục lợi trong cả công trình nghiên cứu khoa học
Đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc và các nước trên thế giới, thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ Khoa học - Công nghệ (KH&CN) về việc chủ động nghiên cứu, phục vụ công tác phòng, chống dịch, Học viện Quân y đã ra chủ trương giao Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự (đơn vị trực thuộc Học viện Quân y) tiến hành nghiên cứu, chế tạo bộ sinh phẩm phát hiện vi rút Corona (viết tắt: Test xét nghiệm).
Ngày 21/1/2020, ông Hoàng Công Lương, Phó Giám đốc Học viện Quân y ký văn bản số 432/HVQY-VNCYD đề xuất Bộ KH&CN giao Học viện Quân y triển khai nhiệm vụ phát triển Test chẩn đoán viêm phổi do virus Corona (không đề cập đến Công ty Việt Á). Sau khi Học viện Quân y có văn bản, ông Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự gọi điện thông báo cho Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật Bộ KH&CN biết.
Do có quan hệ thân thiết từ trước với Phan Quốc Việt, để giúp Công ty Việt Á được tham gia nghiên cứu và sau đó sản xuất Test xét nghiệm Covid-19, bán ra thị trường, Trịnh Thanh Hùng đã gọi điện cho Hồ Anh Sơn yêu cầu trong đề xuất của Học viện Quân y phải đưa Công ty Việt Á là đơn vị tham gia phối hợp nghiên cứu với lý do trước đây Học viện Quân y đã hợp tác với Công ty Việt Á nghiên cứu, thương mại hóa Test xét nghiệm Lao phổi, và được Hồ Anh Sơn đồng ý.
Ngày 30/1/2020, Bộ KH&CN đã tổ chức hội thảo các nhà khoa học để xác định các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo 3 hướng: Nghiên cứu để có Test xét nghiệm phân biệt người có bệnh hay không có bệnh; Nghiên cứu về dịch tễ xem việc lây nhiễm như thế nào để hạn chế lây lan trong cộng đồng; Tìm hiểu trong và ngoài nước về việc phương pháp chữa trị về mặt lâm sàng, thuốc điều trị.
Hôm sau, Học viện Quân y có phiếu đề xuất đặt hàng, trong đó nêu Học viện Quân y là đơn vị chủ trì, Công ty Việt Á là đơn vị phối hợp thực hiện Đề tài nghiên cứu, chế tạo Test xét nghiệm.
Nhận được các văn bản trên của Học viện Quân y, Trịnh Thanh Hùng không chuyển cho Văn thư Bộ KH&CN như thông lệ mà làm Tờ trình báo cáo trực tiếp ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ KH&CN đề xuất thành lập Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ KH&CN độc lập cấp quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona và được Chu Ngọc Anh đồng ý.
Tại cuộc họp Hội đồng tư vấn ngày 2/2/2020, Học viện Quân y có báo cáo giải trình về đề xuất nhiệm vụ, giao Học viện Quân y là đơn vị chủ trì, Công ty Việt Á là đơn vị phối hợp thực hiện. Trịnh Thanh Hùng đồng ý đề xuất của Học viện Quân y và đề xuất gộp nhiệm vụ nghiên cứu với nhiệm vụ chế tạo 20.000 Test xét nghiệm (mục đích giúp Công ty Việt Á được tham gia Đề tài vì Học viện Quân y chỉ có chức năng nghiên cứu, không có chức năng sản xuất), được các thành viên Hội đồng tư vấn đồng ý.
Sau đó, ông Chu Ngọc Anh ký quyết định, giao nhiệm vụ “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng vi rút Corona mới 2019 (2019-nCoV)” cho Học viện Quân y chủ trì và Công ty Việt Á phối hợp.
Tiếp đó, ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN ký quyết định thành lập Hội đồng giao trực tiếp và Tổ thẩm định kinh phí gồm 14 thành viên thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đột xuất phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona.
Tổ thẩm định kinh phí do Trịnh Thanh Hùng làm Tổ trưởng có biên bản họp xác định kinh phí của Đề tài là 18,98 tỷ đồng (từ ngân sách sự nghiệp KH&CN trung ương) thời gian thực hiện 18 tháng.
Do biết Đề tài được Bộ KH&CN cấp kinh phí từ ngân sách, kết quả nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước, theo quy định pháp luật thì phải được bàn giao lại cho Bộ KH&CN, vì vậy, Việt đã thông đồng với Trịnh Thanh Hùng để Công ty Việt Á được sử dụng, khai thác kết quả nghiên cứu Đề tài.
Giữa tháng 2/2020, Công ty Việt Á đã nhập nguyên liệu và mua vật liệu để phục vụ sản xuất thử nghiệm 20.000 Test xét nghiệm và được đánh giá là thành công. Phan Quốc Việt trao đổi, thống nhất với Trịnh Thanh Hùng và Hồ Anh Sơn để Công ty Việt Á lập hồ sơ xin cấp số đăng ký lưu hành Test xét nghiệm gửi Bộ Y tế.
Mặc dù theo quy định của pháp luật chỉ nghiệm thu khi kết thúc đề tài, nhưng thời điểm này, Trịnh Thanh Hùng đã yêu cầu và ngày 2/3/2020, ông Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y ký công văn đề nghị nghiệm thu giai đoạn 1 “xây dựng và hoàn thiện quy trình chế tạo Test xét nghiệm”.
Ngay khi nhận được văn bản của Học viện Quân y, cùng ngày, Trịnh Thanh Hùng đề nghị và Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN ký quyết định thành lập Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu cấp quốc gia họp, nghiệm thu kết quả giai đoạn 1 của Đề tài.
Và mặc dù Hội đồng chỉ đề nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng cho Test xét nghiệm mà không đề nghị cấp phép sử dụng cho Công ty Việt Á, nhưng nhờ có “người anh nương tựa” Trịnh Thanh Hùng, Phan Quốc Việt đã sử dụng biên bản nghiệm thu này để Công ty Việt Á lập hồ sơ đề nghị đăng ký, được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành Test xét nghiệm không đúng đối tượng, trái quy định pháp luật.
Quảng cáo rùm beng, đánh bóng tên tuổi
Sau khi Bộ Y tế có quyết định cấp số đăng ký tạm thời Test xét nghiệm cho Công ty Việt Á, Chu Ngọc Anh và Phạm Công Tạc đã chỉ đạo để Bộ KH&CN tổ chức họp báo ngày 5/3/2020 công bố kết quả nghiên cứu Đề tài và ra thông cáo báo chí thể hiện Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng Test xét nghiệm cho Công ty Việt Á và năng lực sản xuất Test xét nghiệm của Công ty Việt Á.
Sau đó, ông Chu Ngọc Anh ký quyết định tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN, ký Tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ khen thưởng cho Công ty Việt Á và Phan Quốc Việt, các thành viên thuộc nhóm nghiên cứu Công ty Việt Á về thành tích trong nghiên cứu, chế tạo thành công Test xét nghiệm.
Không chỉ vậy, suốt quá trình Công ty Việt Á phối hợp với Học viện Quân y nghiên cứu Đề tài và tổ chức sản xuất, tiêu thụ Test xét nghiệm, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và đẩy nhanh quá trình cấp số đăng ký lưu hành sản phẩm Test xét nghiệm cho Công ty Việt Á, Trịnh Thanh Hùng cùng Phan Quốc Việt đã cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí để tuyên truyền sản phẩm Test xét nghiệm của Công ty Việt Á.
Đồng thời, để khẳng định thương hiệu sản phẩm và được xuất khẩu ra nước ngoài, Trịnh Thanh Hùng đã bàn bạc và cùng Phan Quốc Việt làm các thủ tục, gửi hồ sơ đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới WHO chứng nhận sản phẩm Test xét nghiệm cho Công ty Việt Á.
Mặc dù văn bản của Tổ chức Y tế Thế giới WHO chưa cấp chứng nhận Test xét nghiệm đạt chất lượng nhưng Trịnh Thanh Hùng đã cung cấp để đăng văn bản này lên cổng thông tin điện tử của Bộ KH&CN và đăng nhiều bài báo thể hiện thông tin sai sự thật “Sản phẩm Test xét nghiệm của Công ty Việt Á đã được WHO cấp chứng nhận”.
Việc khen thưởng, thông tin, tuyên truyền nêu trên góp phần đánh bóng hình ảnh, thương hiệu Test xét nghiệm và Công ty Việt Á.
Còn Bộ trưởng Chu Ngọc Anh thì được Phan Quốc Việt “cảm ơn” 4,6 tỷ đồng, Thứ trưởng Phan Công Tạc gần 1,15 tỷ đồng. Trịnh Thanh Hùng thông đồng, giúp Công ty Việt Á từ những công đoạn đầu tiên nên được Phan Quốc Việt thoả thuận ăn chia % doanh thu từ việc tiêu thụ Test xét nghiệm, tổng cộng hơn 8 tỷ đồng.
Theo Thanh Hòa (Công An TPHCM)