Theo thông tin ban đầu, các đối tượng thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán xăng giả với các thủ đoạn hết sức tinh vi, sau mỗi lần bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý, bọn chúng lại thay đổi phương thức hoạt động để che giấu hành vi phạm tội.
Các đối tượng mua dung môi (Solmix, BMSol, White Ogasol....) đây là sản phẩm của quá trình chưng cất dầu mỏ, có chỉ số Octan từ 60 đến 87 RON với công dụng chính là sử dụng trong công nghiệp như pha sơn, tẩy rửa, thuộc da, chế biến gỗ... Sau đó các đối tượng dùng dung môi này pha với xăng A95 và chất tạo màu thành xăng A95 giả để bán ra thị trường.
Theo Ban chuyên án, đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố, hậu quả, tác hại gây ra cho xã hội là rất lớn. Các đối tượng thực hiện hành vi pha trộn dung môi tạo thành xăng giả và đã bán ra thị trường với số lượng lớn, thu lợi bất chính nhiều tỉ đồng.
Kết quả điều tra ban đầu và lời khai của các đối tượng cho thấy, lượng dung môi các đối tượng mua vào từ 1-1-2017 đến nay trị giá trên 3.000 tỉ đồng; hàng tháng sản xuất, đưa ra thị trường trung bình 6 triệu lít xăng giả.
Theo kết quả giám định, các mẫu không phù hợp với quy định tại QCVN 1:2015/BKHCN và sữa đổi 1:2017 QCVN 1:2015/BKHCN đối với xăng không chì RON 95 do có chỉ tiêu trị số octan (RON) không phù hợp quy định. Xăng không đạt chất lượng sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất động cơ và có thể gây hư hỏng động cơ.
Đến nay, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam thêm 15 đối tượng, nâng tổng số bị can của chuyên án là 24. Các bị can mới bị khởi tố gồm: Trịnh Sướng (SN 1967)- Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng; Ngô Dương Anh Tuấn (SN 1983), trú tại Phường 3, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng;
Trương Văn Thuận (SN 1984), trú tại phường Hưng Phú, Quận Cái Răng, Thành phố Cần Thơ; Trần Văn Phước (SN 1981), trú tại phường An Hội, Quận Ninh Kiều, Thành phố Cần Thơ; Nguyễn Thành Trung (SN 1979), trú tại xã Viên An, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng; Đinh Chí Dũng (SN 1969)- Giám đốc Công ty TNHH Đinh Chí Dũng; Nguyễn Thanh Tân (SN 1993), trú tại xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang; Vũ Xuân Ngọc (SN 1995), trú tại xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu;
Nguyễn Lê Minh Hưng (SN 1972), trú tại Phường 2, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh; Lê Văn Tâm (SN 1994), trú tại xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang; Lê Xướng Anh (SN 1995), trú tại xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh;
Nguyễn Ngọc Quan (SN 1970) – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hóa chất Tâm Quang; Lê Châu Phước Hưng (SN 1984), Nguyễn Minh Quân (SN 1983), cùng trú trú tại phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh và Nguyễn Thị Thu Hòa – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Phạm Sơn ở thành phố Cần Thơ.
Các quyết định và lệnh đã được Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn. Các bị can bị khởi tố để điều tra, làm rõ về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.
Vụ việc đang được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông tiếp tục điều tra, làm rõ.
Trung tá Nguyễn Văn Chuyên – Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông, thành viên Ban Chuyên án cho biết thêm, để có được thành công bước đầu trong việc triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả với quy mô lớn, bên cạnh sự chỉ đạo sát sao, thường xuyên, liên tục của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Công an tỉnh và Ban chuyên án, thì mỗi cán bộ, chiến sỹ tham gia chuyên án luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt khó.
Có nhiều đồng chí trinh sát phải xa gia đình, xa vợ con vượt hàng trăm cây số tới hiện trường mật phục, theo dõi hàng tháng trời dưới thời tiết khắc nghiệt, mưa, nắng thất thường.
Thậm chí có đồng chí phải nằm mật phục ròng rã 4 tháng trời, có đồng chí vợ mới sinh con lại phải lên đường tham gia chuyên án. Các mũi trinh sát thay phiên nhau cả ngày lẫn đêm để bám sát từng hoạt động của đối tượng để chờ thời cơ thích hợp đồng loạt bắt quả tang.
Các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động do đó các đồng chí Lãnh đạo Công an tỉnh cũng đã trực tiếp tham gia cùng với anh em trinh sát.
Nhiều cuộc họp, cuộc hội ý chớp nhoáng được tổ chức ngay tại địa bàn với nhiều ý kiến xác đáng đã được đưa ra, phân tích, đánh giá hồ sơ, tài liệu chứng cứ để làm rõ vụ án. Yêu cầu đặt ra đối với Ban chuyên án là phải tiến hành đồng loạt bắt quả tang hành vi pha trộn xăng giả của các đối tượng.
"Ban chuyên án đã phải cân nhắc, tính toán rất kỹ lưỡng mới quyết định được thời điểm phá án. Vất vả, khó khăn là thế song mỗi cán bộ, chiến sỹ tham gia chuyên án như chúng tôi luôn cảm thấy hạnh phúc vì mình đã góp phần làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng, đưa cái ác ra ánh sáng, tất cả vì sự bình yên, hành phúc của nhân dân" - Trung tá Nguyễn Văn Chuyên chia sẻ.
Hiện nay Cơ quan đang tiếp tục đấu tranh điều tra, làm rõ đường đi của xăng giả, việc nhập khẩu dung môi (một mặt hàng thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, được quản lý chặt chẽ) và sự liên quan của các tập thể, cá nhân có liên quan.
Được biết chỉ tính từ năm 2017 đến nay, đường dây này đã chi khoảng 3.000 tỷ đồng nhập khẩu dung môi về sản xuất xăng giả rồi tung ra thị trường.
Theo Minh Khuê (Bảo Vệ Pháp Luật)