Ông Nguyễn Đức Kiên: Thủ đoạn làm xăng giả của Trịnh Sướng rất tinh vi

12/06/2019 17:46:40

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Đức Kiên cho rằng việc các cơ quan nhà nước kiểm tra định kỳ và đột xuất mà không phát hiện xăng giả cho thấy thủ đoạn của doanh nghiệp Trịnh Sướng rất tinh vi

Ông Nguyễn Đức Kiên: Thủ đoạn làm xăng giả của Trịnh Sướng rất tinh vi
Ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng trong vụ việc xăng giả không được quy chụp rằng có “bảo kê”

Trước nghi vấn cho rằng có sự "bảo kê" của cơ quan quản lý nhà nước trước vụ bê bối xăng giả của "đại gia" Trịnh Sướng, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội (QH) ngày 12-6, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Đức Kiên (đại biểu QH đoàn Sóc Trăng) cho rằng sai phạm vừa được phanh phui không chỉ diễn ra trên địa phận của tỉnh Sóc Trăng mà ở nhiều tỉnh, thành phía Nam, có tổ chức, nên đây là vụ việc rất phức tạp.

"Không được chụp mũ. Không được tư duy là người ta có tội. Phải thực hiện suy đoán vô tội. Cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra định kỳ và đột xuất mà không phát hiện ra sai phạm có nghĩa là thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi" - ông Kiên nói.

Về việc lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng nhận trách nhiệm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH cho rằng lãnh đạo tỉnh nhận trách nhiệm là điều rõ ràng vì nó xảy ra trên địa bàn tỉnh. "Phó Chủ tịch Lê Văn Hiểu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhận khuyết điểm về mặt quản lý nhà nước. Khuyết điểm nằm ở công tác hậu kiểm, quản lý có vấn đề nên không phát hiện ra sai phạm xăng giả" - ông Nguyễn Đức Kiên nói.

Về vai trò của Bộ Công Thương, ông Nguyễn Đức Kiên nhận định cần nhìn lại việc nhập phụ gia làm xăng giả được quy định ở nghị định, thông tư nào. Theo luật, doanh nghiệp có quyền nhập phụ gia vì nó không phải hàng cấm, miễn là doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật. Việc nhập phụ gia về và sản xuất xăng giả là tình tiết tăng nặng trong quá trình xử phạt. "Người có chuyên môn sẽ dự báo được họ nhập phụ gia đó về làm được cái gì? Còn chúng ta, khâu hậu kiểm họ làm gì, bán cho ai... thì đang yếu vì chưa có bộ phận chuyên quản lý mặt hàng hóa chất" - ông Nguyễn Đức Kiên nhận định.

Đánh giá vai trò của lực lượng quản lý thị trường trong vụ việc này, theo ông Nguyễn Đức Kiên, quản lý thị trường không phải có toàn quyền vào khám xét doanh nghiệp mà phải có chứng cứ; phải phối hợp giữa bên thuế, cơ quan quản lý doanh nghiệp để nắm số hàng vào, hàng ra, phiếu nộp, phiếu xuất, có gì bất thường không. Khi Sở Khoa học - Công nghệ đi quản lý chất lượng xăng thì cũng phải có kế hoạch công khai.


"Hiện tại, khi cơ quan điều tra chưa có báo cáo thì chưa biết khâu nào trong chuỗi mắt xích quản lý nhà nước "có vấn đề" vì liên quan đến các ngành tài nguyên - môi trường, công thương, khoa học - công nghệ, thuế… Sau khi vụ án kết thúc, cần xem xét để cải tiến, chỉnh sửa khâu còn lỏng lẻo đó"- ông Nguyễn Đức Kiên nói.

Theo D.Thu (Nld.com.vn)

Nổi bật