Theo cáo trạng, từ năm 2005 đến 2008, bà Hồ Thị Hiệp (SN 1945, ngụ quận 1, TP HCM, đã mất năm 2016) vay của Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn khoảng 72 tỷ đồng. Tài sản thế chấp khi vay gồm 20 ha đất, nhà xưởng, định giá tài sản vào khoảng 80 tỷ đồng. Đến năm 2008, do không có khả năng trả nợ nên phía ngân hàng đưa vào danh mục nợ xấu. Sau đó, bà Hiệp phải bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Khi đó, các bị cáo Hùng và Lộc đã giao tài sản thế chấp lại cho bà Hiệp tự bán, người mua là Khanh và thành viên gia đình. Khi giao tài sản đảm bảo cho bà Hiệp để bán, không có văn bản thỏa thuận. Đồng thời, ông Hùng và ông Lộc thống nhất để bà Hiệp nhận một khoản tiền mặt từ bán tài sản đảm bảo không đưa vào trả nợ cho ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Từ năm 2012 đến năm 2015, ông Khanh và bà Hiệp (thông qua ông Hùng, ông Lộc) đã làm hợp đồng mua bán tài sản thế chấp 4 lần. Tổng cộng ông Khanh mua được hơn 18 ha đất mà bà Hiệp cầm cố tại BIDV. Cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Dương cho rằng, vụ mua bán này là sai quy định, quy trình xử lý tài sản thế chấp. Ngoài ra, ông Hùng và ông Lộc còn lỏng lẻo trong quản lý tài sản thế chấp để sót diện tích 1.689m2 đất trị giá 748 triệu đồng của bà Nguyễn Hiệp Hảo thế chấp cho BIDV Tây Sài Gòn để cho ông Khanh quản lý, sử dụng. Các bị cáo Linh, Luân, Tâm, Thọ biết hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích 1.689m2 kê khai không đúng với nguồn gốc đất thực tế nhưng vẫn thực hiện các thủ tục và ký xác nhận vào hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo cơ quan tố tụng, hơn 18ha đất mà bà Hiệp thế chấp trị giá hơn 45 tỷ đồng nhưng sau khi bán cho ông Khanh, ngân hàng chỉ thu về được hơn 10 tỷ đồng, nhà nước lỗ hơn 35 tỷ đồng. Từ đó, ông Khanh và cán bộ ngân hàng bị truy tố tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí.
Dự kiến, phiên tòa sơ thẩm sẽ kéo dài từ ngày 4 đến 7/11.
Theo Lam Hồng (Đại Đoàn Kết)