Tuy nhiên, nhân viên SCB đã không thực hiện đúng quy trình, người đến giao dịch hộ chỉ đưa chứng minh thư được cho của chị Phúc ra và giấy uỷ nhiệm chi theo mẫu của ngân hàng là đã được thực hiện lệnh chuyển tiền.
Khi phóng viên hỏi về vấn đề này, ông Văn đã thừa nhận đây là sai sót của nhân viên SCB. “Do khách hàng này là quen biết của ngân hàng, quan hệ lâu năm. Nên cái sai của ngân hàng là tin tưởng khách hàng quá, cho nên mới có giao dịch kiểu đó. Chứ còn bình thường không có chuyện đó đâu”, ông Văn giải thích.
Chỉ một lần đến giao dịch tại SCB Chi nhánh Kim Ngưu, chị Phúc đã trở thành khách hàng thân thiết và quen thuộc |
Nhưng khi phóng viên hỏi lại chị Phúc, thì chị cho biết chị chưa một lần nào tới giao dịch hoặc làm việc tại SCB chi nhánh Kim Ngưu cho đến khi mẹ chồng chị chuyển tiền mua nhà vào tài khoản ở ngân hàng này.
“Như vậy sao lại gọi là khách hàng quen biết và quan hệ lâu năm để bỏ qua các trình tự bắt buốc và chuyển khoản sai gây thất thoát một số tiền lớn như vậy của khách hàng? Phải chăng đây là cách mà SCB đưa ra nhằm đổ lỗi cho khách hàng của mình sau những sai sót mà chính ngân hàng gây ra?”, chị Phúc hỏi.
Chị Phúc cho biết thêm, số tiền hơn 4 tỷ đồng trong tài khoản của chị mới được mẹ chồng chuyển cho vào 12.8.2015 thì cũng khó có thể nói là khách hàng lâu năm hay khách VIP của ngân hàng.
Một chi tiết nữa, đó là đại diện SCB cho rằng, chính khách hàng đã thừa nhận mình trực tiếp ký vào tờ uỷ nhiệm chi trong đơn trình báo đầu tiên với ngân hàng và biên bản làm việc vào ngày 20.11.2015.
Cụ thể, SCB cho biết, ban đầu chị Phúc viết đơn trình bày nói: "Tại thời điểm xảy ra giao dịch, tôi bị ốm, đau đầu nên bên cạnh lúc nào cũng có người bạn thân tên là Nguyễn Thị Thanh Hằng thay mặt giúp đỡ mọi việc. Tôi nghi ngờ trong lúc ốm, ngủ thì bạn tôi đã dùng điện thoại để giao dịch trả lời việc chuyển khoản số tiền 4 tỷ đồng trên".
Tuy nhiên, khi trao đổi với Dân Việt, chị Phúc cho biết, không làm bất cứ lá đơn nào có nội dung như trên. “Biên bản làm việc vào ngày 20.11.2015 là nội dung do SCB soạn ra, có nhiều điểm có lợi cho ngân hàng, không phải là văn bản khách quan”.
Còn về tình tiết “chị Phúc nhờ SCB hỗ trợ đòi lại số tiền 4 tỷ đồng đã mất và kiện người bạn thân là Nguyễn Thị Thành Hằng”, chị Phúc xác nhận có kiện người bạn tên Hằng.
“Tôi đã làm đơn gửi cơ quan cảnh sát điều tra thành phố Hà Nội tố cáo bà Nguyễn Thị Thanh Hằng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt 4 tỷ đồng này vào tháng 20.11.2015 với nội dung, bà Phúc nghi ngờ bà Hằng có liên quan tới vụ việc mất 4 tỷ của mình”, chị Phúc xác nhận.
Chị Phúc cho biết, trước đó, chị đã ký cho Hằng 4 tờ giấy A4 để Hằng bán nhà hộ (một ngôi nhà của bố mẹ chồng bà Phúc). “Đó cũng là thời điểm tôi bị ốm, bà Hằng ở bên cạnh cả ngày để chăm sóc. Tôi nghi ngờ rằng bà Hằng đã lợi dụng thời điểm này dùng điện thoại của mình để giao dịch với ngân hàng và xóa những tin nhắn khi ngân hàng gửi về nhằm thông báo giao dịch”.
Chị Phúc nhấn mạnh, việc chị tố cáo bà Hằng về tội có hành vi lừa đảo là việc cá nhân, còn việc liên quan tới SCB là vấn đề khác, đó là quy trình của ngân hàng. “Nguyên tắc của ngân hàng khi thực hiện giao dịch chuyển tiền là phải có “Giấy uỷ quyền” hoặc “Hợp đồng uỷ quyền” chứ không phải là gọi điện xác minh qua điện thoại như vậy. Làm sao biết đấy là chủ nhân điện thoại đang nghe điện?”, chị Phúc trao đổi lại.
Theo Trần Giang (Dân Việt)