Ngày 2.5, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Hà Văn Thắm và các đồng phạm trong "đại án" tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) tiếp tục với phần tranh luận. Trình bày bản tự bào chữa trước tòa, bị cáo Hà Văn Thắm nêu các tình tiết mới đối với tội mà Thắm đang bị kết án 20 năm và tù chung thân, trong đó có 6 tình tiết giảm nhẹ chưa trình bày tại phiên tòa sơ thẩm hoặc chưa được tòa sơ thẩm xem xét. Một trong những tình tiết giảm nhẹ đáng chú ý là quá trình điều tra, bị cáo đã chủ động kê khai và đề nghị cơ quan điều tra niêm phong toàn bộ tài sản để phục vụ việc khắc phục hậu quả nếu bị cáo bị phán quyết bồi thường dân sự. “Xin HĐXX và Viện KSND xem xét đây là tinh thần tự nguyện khắc phục hậu quả của bị cáo để được giảm nhẹ tội”, bị cáo nói.
Bị cáo Thắm cho rằng bản án sơ thẩm buộc bị cáo có động cơ, mục đích vụ lợi là để thu hút tiền gửi từ Tập đoàn dầu khí quốc gia VN (PVN) vào OceanBank, do bị cáo là cổ đông chi phối và là chủ tịch HĐQT, nên đã chi lãi suất ngoài hợp đồng cho PVN qua bị cáo Nguyễn Xuân Sơn. Động cơ và mục đích này của bị cáo đã bị quy buộc nhiều tội danh, song lại thể hiện sự mâu thuẫn. Cụ thể, cáo buộc bị cáo gây thiệt hại cho OceanBank khi chi tiền ngoài hợp đồng cho khách hàng đã mâu thuẫn với động cơ “vụ lợi”. Tương tự, việc cáo buộc bị cáo đồng phạm, giúp sức Nguyễn Xuân Sơn tham ô, chiếm đoạt tài sản cũng mâu thuẫn với động cơ “vụ lợi” vì nếu Sơn chiếm đoạt thì sẽ làm hại OceanBank, đồng thời làm hại cho bị cáo.
Ngoài ra, Hà Văn Thắm cho rằng bản án sơ thẩm chỉ tuyên một cổ đông được hưởng đền bù 49 tỉ là PVN trong khi hơn 1.000 cổ đông còn lại, trong đó có những cổ đông nắm 20% giống PVN, là “rất không công bằng”.
Đề nghị tách phần dân sự để đảm bảo công bằng
Bào chữa cho bị cáo Hà Văn Thắm, luật sư (LS) Nguyễn Xuân Anh nêu hàng loạt vấn đề trong vụ án “cần được HĐXX phúc thẩm xem xét thấu đáo”, đặc biệt là con số thiệt hại trong vụ án. Theo LS Xuân Anh, tại phiên phúc thẩm, bị cáo Thắm đã có cách nhìn thay đổi về khoản thiệt hại, cho rằng khoản chi lãi ngoài 1.576 tỉ đồng không phải là thiệt hại OceanBank phải gánh chịu mà là chi phí phục vụ trong quá trình kinh doanh của ngân hàng. Thiệt hại nếu có trong vụ việc này là thiệt hại phi vật chất, là thiệt hại cho chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, thiệt hại này không tính được bằng tiền. Mặt khác, từ ngày 24.4, Hà Văn Thắm đã có 1 bản giải trình chi tiết số tiền 1.576 tỉ đồng chia thành 9 khoản cụ thể. Tuy nhiên, trong số này có nhiều khoản đang bị điều tra (Vinashin, PVoil, Lọc hóa dầu Bình Sơn và Liên doanh Vietso Petro), chưa rõ kết quả. Do đó, nếu xác định ngay tổng số tiền bị thiệt hại trong bản án phúc thẩm sẽ thiếu căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn và có thể gây các mâu thuẫn giữa bản án trong vụ án này với các bản án trong vụ án khác.
LS Xuân Anh cũng nêu quan điểm đối với số tiền lãi ngoài, xét dưới góc độ trái pháp luật, có 2 cách đánh giá. Về dân sự, nếu khẳng định việc chi lãi vượt trần là vi phạm điều cấm của pháp luật thì giao dịch dân sự vô hiệu. Khi đó, bên nhận hoàn trả lại cho bên giao. Ở góc độ hình sự, nếu số tiền này là khoản tiền được chi ra trái pháp luật thì các tổ chức, cá nhân đang giữ khoản tiền đó có hành vi chiếm giữ tài sản một cách trái phép và phải hoàn trả cho chủ sở hữu. Hồ sơ vụ án thể hiện cơ quan điều tra đã tổng hợp được số lượng hơn 51.000 cá nhân và gần 400 tổ chức nhận số tiền chi lãi ngoài của OceanBank. Tuy nhiên, tòa án sơ thẩm đã tuyên buộc bị cáo Thắm và các bị cáo khác phải bồi thường mà không buộc những người chiếm hưởng tiền trái pháp luật hoàn trả là chưa thấu đáo. Chưa kể, sau khi các vụ án đã được khởi tố và có thể sẽ tiếp tục được khởi tố mà diễn biến mới nhất là khởi tố bị can, bắt tạm giam Vũ Mạnh Tùng, Phó giám đốc Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, thì “Trường hợp đã buộc bị cáo Thắm và các bị cáo khác phải bồi thường trong vụ án này mà trong các vụ án sau xác định được các cá nhân, tổ chức phải bồi thường nữa thì trả cho ai? Ai sẽ là người được hưởng các khoản bồi thường đó?”, LS đặt câu hỏi và đề nghị HĐXX tách toàn bộ phần dân sự của vụ án này để giải quyết trong giai đoạn sau khi các vụ án kia đã kết thúc để đảm bảo tính tuân thủ, nghiêm minh và công bằng của pháp luật.
Đề nghị triệu tập đại diện cơ quan CSĐT đến tòa
Trong ngày xét xử hôm qua 2.5, đại diện Viện KSND đề nghị HĐXX cho điểm danh các bị cáo có mặt tại phiên tòa, bởi ngoài các bị cáo đã có đơn xin được xét xử vắng mặt trước khi mở phiên tòa, vụ án này có 22 bị cáo, nhưng ngày 2.5 chỉ có 10 bị cáo có mặt tại tòa; đồng thời đề nghị đại diện Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C46) cho biết quan điểm về 7 kiến nghị của HĐXX sơ thẩm để Viện KSND có cơ sở tranh luận.
Đại diện tổ thư ký sau đó cho hay, trước khi nghỉ lễ, một số bị cáo xin phép được xét xử vắng mặt vì điều kiện ở xa không thể tham dự phiên tòa. Các bị cáo này xin được vắng mặt trong thời gian xét xử còn lại, kể cả khi HĐXX tuyên án. Chủ tọa phiên tòa sau đó giao tổ thư ký liên hệ với đại diện C46, yêu cầu 8 giờ sáng 3.5 có mặt tại phiên tòa, phát biểu để Viện KSND nắm được những công việc của cơ quan điều tra liên quan đến 7 kiến nghị của HĐXX sơ thẩm.
Cũng trong ngày 2.5, căn cứ lời khai của một số bị cáo trong vụ án, HĐXX đã cho triệu tập ông Trần Thanh Quang, cựu Phó tổng giám đốc OceanBank, để làm rõ có hay không việc ông này chỉ đạo cấp dưới chi lãi ngoài. Tại tòa, ông Quang một mực phủ nhận lời khai của các bị cáo nêu trên.
Theo Thái Sơn (Thanh Niên Online)