Sáng nay (26-4), đại diện viện kiểm sát (VKS) đã phát biểu quan điểm giải quyết vụ án.
Theo đó, cơ quan giữ quyền công tố tại tòa đề nghị hội đồng xét xử (HĐXX) bác kháng cáo của Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn và hầu hết các bị cáo khác, chỉ chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của 6 bị cáo.
Nhiều vi phạm
Theo đại diện VKS, quá tình hoạt động, từ 2008-2014 Oceanbank đã xảy ra nhiều vi phạm pháp luật chi lãi ngoài hợp đồng, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, tham ô… dẫn đến nợ xấu năm 2014 lên hơn 14 nghìn tỉ đồng, gây thiệt hại cho ngân hàng và các tổ chức cá nhân góp vốn.
Nguyên nhân là do hành vi vi phạm của bị cáo Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn và nhiều bị cáo nguyên là giám đốc khối, chi nhánh, phòng giao dịch Oceanbank.
Xét kháng cáo kêu oan của bị cáo Thắm, Sơn về tội tham ô và kháng cáo kêu oan của họ cùng bị cáo Nguyễn Minh Thu và Nguyễn Văn Hoàn về tội lạm dụng. Như vụ án đã thể hiện, PVN là cổ đông góp vốn ở Oceanbank, từ 2008 đến 2011, PVN đã góp đủ 800 tỉ đồng, Nguyễn Xuân Sơn là đại diện phần vốn góp của PVN tại Oceanbank trong một giai đoạn.
Lợi dụng vị thế của PVN tại Oceanbank, bị cáo Sơn đã trao đổi, yêu cầu Hà Văn Thắm chi lãi ngoài đối với nhóm khách hàng PVN tại Oceanbank, từ đó dẫn đến việc thu chênh lệch giá qua Công ty BSC.
Bên cạnh đó, còn chỉ đạo Nguyễn Minh Thu, Nguyễn Văn Hoàn thực hiện triển khai thu tiền chênh lệch trên toàn hệ thống thông qua BSC, chiếm đoạt 69 tỉ.
Việc các bị cáo cho rằng không phạm tội này là không đúng vì theo lời khai của các bị cáo tại tòa cũng như lời khai của các khách hàng tại giai đoạn điều tra. Do đó, cấp sơ thẩm tuyên các bị cáo tội lạm dụng là dúng căn cứ pháp luật.
Đủ căn cứ quy kết tội tham ô
Theo đại diện VKS, Nguyễn Xuân Sơn là người có chức vụ quyền hạn và là người có quyền quyết định rất lớn tại Oceanbank. Như vậy, bị cáo Sơn đã lợi dụng chức vụ của mình buộc Hà Văn Thắm chi lãi.
Hành vi của bị cáo Thắm, Sơn đã phạm vào 2 tội tham ô và lợi dụng chức vụ. Trong đó, tham ô 49 tỉ đồng là của nhà nước vì PVN là sở hữu của nhà nước. Như vậy việc cấp sơ thẩm quy kết là có căn cứ.
Đối với các bị cáo nguyên là giám đốc khối, chi nhánh, phòng giao dịch đã vi phạm pháp luật về trần lãi suất tối đa, vi phạm hạch toán kế toán… Sự vi phạm của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, toàn bộ số tiền hơn 1.500 tỉ chi trái quy định, không thu hồi được.
Việc này tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức cá nhân, dẫn tới nợ xấu của Oceanbank, âm vốn chủ sở hữu, dẫn đến việc Ngân hàng nhà nước phải mua bắt buộc 0 đồng.
Việc xét hỏi điều tra tại tòa cho thấy ngoài việc chi lãi ngoài hợp đồng cho cá nhân còn chi cho các tổ chức kinh tế có vốn nhà nước. Do đó, các bị cáo giúp sức, đồng phạm phải chịu trách nhiệm về số tiền đã chi lãi ngoài.
Quá trình điều tra và tại tòa các bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, nhân thân tốt, tòa sơ thẩm xem xét vai trò, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Tại tòa hôm nay, mặc dù hậu quả của các bị cáo gây ra cùng đồng phạm cấp trên nhưng xét tính chất, vai trò, các bị cáo hầu hết là người làm công, hưởng lợi. Một số bị cáo đã khắc phục hậu quả, nhiều bị cáo khắc phục được một phần hậu qủa… xét thấy có căn cứ chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ của các bị cáo về nội dung này nhưng không có căn cứ xin miễn trách nhiệm hình phạt của các bị cáo.
Đối với bị cáo Hứa Thị Phấn và Phạm Công Danh kháng cáo xin xem xét lại hành vi liên khoản vay 500 tỉ đồng. Theo đại diện VKS, hành vi của bị cáo Thắm, Hoàn cho công ty Trung Dung vay là không đúng mục đích vay trong hợp đồng nhưng vẫn cho vay; cho vay vượt quá tỷ lệ cho vay của Oceanbank; không đăng ký giao dịch đảm bảo tài sản phát sinh và sau giải ngân không chỉ đạo cấp dưới kiểm tra, giám sát để Phạm Công Danh rút tiền ra gửi tiết kiệm và sử dụng trả nợ cho bà Phấn, đến nay không thu hồi được.
Hành vi nêu trên của bị cáo Hà Văn Thắm, Nguyễn Văn Hoàn, Phạm Công Danh và Hứa Thị Phấn, cấp sơ thẩm tuyên phạm tội vi phạm quy định về cho vay là có căn cứ pháp luật. Tòa án sơ thẩm đã xem xét trách nhiệm hình sự với từng bị cáo, xử phạt họ mức án là phù hợp, đúng pháp luật…
Vì các lẽ trên, VKS đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Thắm, Sơn, Hoàn, Danh, Phấn…, không chấp nhận kháng cáo của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Đề nghị tòa chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ của 6 bị cáo: Nguyễn Thị Loan, Trần Anh Thiết, Nguyễn Phan Trung Kiên, Vũ Thị Thùy Dương, Đỗ Đại Khôi Trang và Nguyễn Hoài Nam.
Sau đó, vị đại diện VKS còn lại bổ sung, khẳng định 4 quan điểm: thứ nhất, theo quan điểm VKS, tòa sơ thẩm áp dụng pháp luật xử phạt các bị cáo 4 tội danh là có căn cứ pháp luật, không oan, không sai.
Về hình phạt, tòa sơ thẩm áp dụng các hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến tử hình, không áp dụng miễn trách nhiệm hình sự là có căn cứ. Do đó VKS đề nghị không thay đổi hình phạt với các bị cáo.
Thứ 3 là đến thời điểm kết luận vụ án, VKS thấy không có thêm tình tiết mới. Nếu có tình tiết mới, VKS sẽ có quan điểm.
Cuối cùng về dân sự, VKS không có thay đổi, sửa đổi, bổ sung gì về quyết định của tòa sơ thẩm về kê biên tài sản… vì tòa sơ thẩm kết luận như thế là đúng quy định.
Theo Diệp Thanh (Tuổi Trẻ)