Vào những thập niên 90, chợ Long Biên là địa bàn "màu mỡ" khiến nhiều băng nhóm thèm thuồng. Sau những cuộc tranh đoạt của "thế giới ngầm", băng nhóm của trùm giang hồ Dương Văn Khánh (tức Khánh "Trắng"), đã thâu tóm đội bốc xếp và áp đặt sự bảo kê tại khu chợ này. Kể từ khi băng Khánh Trắng bị triệt xóa, hàng chục năm qua, bà con tiểu thương kinh doanh tại khu vực chợ Long Biên vẫn phải nộp tiền "bảo kê" cho các đối tượng giang hồ. Bởi băng nhóm này bị bắt, băng nhóm khác lại "mọc lên".
Gần đây nhất, cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội bắt giữ 7 đối tượng có hành vi "bảo kê", cưỡng đoạt tài sản tại khu vực chợ Long Biên (Ba Đình, Hà Nội). Theo tài liệu điều tra, 28 người bị hại là các tiểu thương, người lái xe chở hàng đến khu vực chợ Long Biên phải liên hệ với nhóm đối tượng trên và mất tiền để xin chỗ ngồi bán hàng.
Nhóm đối tượng này còn lập 1 khu vực riêng để thực hiện việc "bảo kê", lấn chiếm lòng đường Hồng Hà (Ba Đình, Hà Nội) tạo thành khu vực ngay bên ngoài cổng chợ. Nếu các tiểu thương không chấp nhận theo sự sắp xếp và nộp tiền sẽ không được bán hàng và đuổi khỏi chợ.
Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Hà Nội, trung bình mỗi ngày nhóm đối tượng thu từ 10-30 triệu đồng, hàng tháng thu từ 400-500 triệu đồng tương đương khoảng 5-6 tỷ đồng mỗi năm. Việc thu tiền không có hóa đơn, chứng từ.
Tổ trưởng bốc dỡ hàng kiêm "trùm bảo kê"
Năm 2018, tại chợ Long Biên cũng xảy ra vụ án "Cưỡng đoạt tài sản" liên quan đến nhóm "bảo kê" do Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng “kính”, SN 1963) - Tổ trưởng bốc dỡ hàng hóa số 2 tại chợ Long Biên cầm đầu. Nhóm bảo kê của Hưng "kính", gồm 5 đối tượng bị tố cáo cưỡng đoạt số tiền hơn 1 tỷ đồng của hộ kinh doanh tại chợ Long Biên.
Cụ thể, chỉ trong vòng 6 tháng, lợi dụng công việc của mình, nhóm Hưng "kính" thu của hộ kinh doanh trên số tiền trên 35 triệu đồng. Trong đó, chỉ có hơn 7,5 triệu đồng là tiền nhân viên tổ dịch vụ bốc dỡ số 2 tham gia bốc dỡ hàng hóa, còn lại hơn 28 triệu đồng là tiền “bãi”. Số tiền trên, các đối tượng chỉ nộp về Ban quản lý chợ hơn 10 triệu đồng.
Để gây sức ép, Hưng "kính" đã chỉ đạo các đồng phạm đuổi xe, đuổi nhân viên của tiểu thương không cho tự bốc dỡ. Bắt ép họ phải nộp tiền bốc dỡ hàng hóa mặc dù không bốc dỡ hàng và cản trở việc kinh doanh, thậm chí tăng tiền thu đối với dịch vụ bốc dỡ hàng hóa…
Cơ quan điều tra cũng xác định, Hưng "kính" là đối tượng chủ mưu cầm đầu. Các bị hại khai từ năm 2010 đến năm 2017 bị Hưng chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng, tuy nhiên Hưng không thừa nhận việc trên.
Giữa năm 2019, TAND TP Hà Nội tuyên án sơ thẩm vụ “Cưỡng đoạt tài sản” xảy ra tại chợ Long Biên (Hà Nội), HĐXX tuyên phạt Nguyễn Kim Hưng án 48 tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”; 4 bị cáo còn lại lĩnh từ 36-42 tháng tù.
Muốn yên ổn làm ăn thì phải nộp tiền
Không chỉ "bảo kê" việc buôn bán tại chợ, một hành vi vi phạm khác bị phát hiện tại chợ Long Biên cách đây nhiều năm là việc các chủ hàng, tài xế phải nộp số tiền lớn theo tháng cho các "anh chị xã hội" nếu muốn yên ổn làm ăn.
Vào tháng 8/2012, lợi dụng việc các xe chở hàng không được vào trong chợ, phải đỗ ở ngoài đường Hồng Hà (Hà Nội), Đỗ Thu Hằng (trú ở Hà Nội) lập tổ bốc xếp trái phép. Ngoài Hằng, có Trần Trung Chiến (quê tỉnh Tuyên Quang) quản lý nhóm bảo kê, thu tiền của các tiểu thương, chủ xe.
Do các xe chở hàng hoạt động vào buổi tối đến rạng sáng, nên từ 20h30 hôm trước đến 1h hôm sau, mặc dù các chủ hàng không thuê nhưng nhóm đối tượng vẫn đến các xe chở rau để bốc dỡ một ít rồi bỏ đi và đưa ra mức tiền 30.000 - 500.000 đồng/lượt.
Nếu các chủ hàng không làm theo yêu cầu, nhóm của Chiến sẽ gây sự, đập phá hàng hóa. Lo sợ bị cản trở việc làm ăn, buôn bán nhiều chủ hàng phải nộp số tiền từ 1,5 – 3 triệu đồng/tháng.
Cơ quan chức năng xác định, từ khi hoạt động đến lúc bị bắt, tổng số tiền nhóm này cưỡng đoạt của nhiều bị hại lên tới gần 200 triệu đồng.
TAND quận Ba Đình (Hà Nội) tuyên phạt Chiến 7 năm 6 tháng tù, Hằng 4 năm tù tội Cưỡng đoạt tài sản; 5 đồng phạm còn lại nhận từ 5 năm đến 6 năm 6 tháng.
Hàng chục năm qua, chuyện giang hồ hoạt động "bảo kê" ở chợ Long Biên chẳng phải chuyện lạ lẫm. Nhưng điều lạ là vì sao chưa thể xóa sổ hoàn toàn vấn nạn này. Nếu cơ quan chức năng không có giải pháp "quét sạch", triệt tận gốc thì hoạt động "bảo kê" vẫn là nỗi ám ảnh đối với các tiểu thương nơi đây.
Theo Thanh Hà (Tiền Phong)