Băng áo trắng - Những tên cướp công tử con nhà giàu

28/02/2017 16:13:00

Khi hỏi những người trong đội SBC (săn bắt cướp) huyền thoại: Đâu là băng cướp mà họ nhớ nhất? Hầu hết đều trả lời: Băng áo trắng của Đỗ Hồng Lê.

Khi hỏi những người trong đội SBC (săn bắt cướp) huyền thoại: Đâu là băng cướp mà họ nhớ nhất? Hầu hết đều trả lời: Băng áo trắng của Đỗ Hồng Lê.

Những học sinh con nhà giàu có, đi cướp để vừa có tiền tiêu xài vừa như là một cách giải trí do Đỗ Hồng Lê (SN 1973, quê gốc Tây Ninh) cầm đầu gây chấn động cả xã hội lúc đó và ai cũng đặt câu hỏi: Vì sao như vậy?

Băng áo trắng - những tên cướp công tử con nhà giàu
Ảnh minh họa.

Đỗ Hồng Lê là con trai cưng của một cán bộ Tổng công ty lương thực miền Nam, hắn từng học ở một trường danh giá là trường Lê Quý Đôn.

Có một khoảng trống thông tin về Đỗ Hồng Lê ở giai đoạn này cho đến khi Lê tập tành ăn chơi, kết  bạn với Nguyễn Long Giang cũng là quý tử trong gia đình giàu có mà sau này trở thành thủ lĩnh một băng cướp có tiếng khác.

Đỗ Hồng Lê nghiện hút. Ban đầu Lê tổ chức và cầm đầu băng Hòa Hưng, tụ tập của một số học sinh con nhà giàu để đi chơi với nhau. Lê là kẻ lên kế hoạch đi cướp để đủ tiền bao ăn chơi cho cả băng .

Đến năm 16 tuổi, khi còn đang học, Đỗ Hồng Lê bị Công an Lâm Đồng bắt giữ để điều tra trong một vụ mua bán xe có nguồn gốc bất hợp pháp.

Tuy nhiên, với vị thế của người bố, ngay sau đó Lê được cứu thoát, không phải dính vòng lao lý. Càng ngày, Đỗ Hồng Lê càng coi trời bằng vung. 

Giữa năm 1990, Đỗ Hồng Lê dẫn đàn em trong băng Hòa Hưng gia nhập băng nhóm có tên Bùi Diện của Trương Văn Thượng (thường gọi là Trùm) để từ đó hình thành nên một băng nhóm mới, là băng cướp "áo trắng".

Mỗi đêm băng cướp của Đỗ Hồng Lê chia thành các nhóm từ 2 - 6 người sử dụng xe máy để tìm mục tiêu. Phát hiện phụ nữ đi trên đường có mang theo túi xách, nữ trang… lập tức chúng ép xe, cướp giật rồi phóng mất dạng.

Sau này, khi bị bắt giữ, Đỗ Hồng Lê và đồng bọn khai nhận, chỉ trong vài tháng (từ tháng 7 đến tháng 10 năm 1990) băng cướp học trò gây ra tổng cộng 43 vụ cướp giật.

Đỗ Hồng Lê tuy có vai trò thủ lĩnh, ít khi ra tay trực tiếp, nhưng công an xác định tướng cướp này đã có mặt trong 15 vụ.

Cuối tháng 10 năm đó tất cả băng cướp "áo trắng" sa lưới trong một trận vây ráp quy mô của phòng Cảnh sát Hình sự, công an TP.HCM.

Đáng nói là những thành viên băng cướp "áo trắng" được xác định đều thuộc thành phần con nhà "quý tộc".

Băng áo trắng - những tên cướp công tử con nhà giàu - Ảnh 1.
Bài báo viết về mức án mà Đỗ Hồng Lê chịu về những tội lỗi mà mình gây ra. (Ảnh: Hoàng Linh)
 

Điển hình như H.Đ.H có bố là Phó Giám đốc công ty xe du lịch TP.HCM, mẹ là cán bộ sở Giao thông công chính; T.Ng.Đ có cha mẹ đều là bác sĩ…

Bị bắt rồi, có tên còn "vô tư" khoe, đi cướp giật vì ham thích tốc độ. Sau khi sa lưới, đa số các thành viên băng cướp "áo trắng" đều được gia đình bảo lãnh cho tại ngoại.

Từ Áo trắng lên Tốc độ - bước leo thang nguy hiểm

Tết năm 1991, gia đình Lê sắm cho con chiếc mô tô hiệu CB bạc 125 để đi chơi Tết và thưởng cho Lê sợi dây chuyền vàng 1 lượng để không thua kém bạn bè.

Thua bạc, bay đứt sợi dây chuyền vàng, Lê liền tụ tập thêm khoảng 30 chiến hữu khác, đều là con nhà quý tộc, cán bộ để hình thành một băng cướp mới, gọi là băng cướp "tốc độ". 

Lần tái xuất hiện này, Lê và đồng bọn có mức độ gây án kinh hoàng hơn, dùng xe mô tô phân khối lớn và sử dụng các loại súng như: AK, K54, K59…

Đặc điểm của băng "tốc độ" là tàn bạo. Đang trên đường, hễ hứng chí là Lê và đồng bọn tổ chức ép xe người khác, gí súng vào đầu để cướp xe và các loại tài sản. 

Hàng chục vụ cướp như thế đã làm cho không khí Sài Gòn một thời hoang mang cực độ. Có vụ Đỗ Hồng Lê trực tiếp xả súng AK làm cho nạn nhân gục xuống đường.

Cuối cùng, sau hai tháng hoạt động, băng "tốc độ" cũng bị Phòng Cảnh sát hình sự giăng lưới bắt gọn trong một chuyên án. 21 thành viên bị bắt giữ, hàng chục thanh thiếu niên có liên quan khác ra đầu thú.

Dù Đỗ Hồng Lê và đồng bọn đã sa lưới nhưng người dân Sài Gòn lúc đó không thể thở phào được, vì những đàn em còn lại của Đỗ Hồng Lê như Nguyễn Long Giang, Trần Văn Việt… sau này còn tụ tập, thảnh lập băng nhóm mới để tiếp tục đi cướp.

Ra toà cuối tháng 7/1992 về tội "cướp giật tài sản" trong vụ băng cướp "áo trắng", Đỗ Hồng Lê nhận án 9 năm tù, các đồng bọn khác lãnh án từ 3 đến 13 năm. 

Chưa đầy một tháng sau, Đỗ Hồng Lê và các thành viên băng cướp "tốc độ" phải hầu tòa, đối mặt với hàng loạt tội danh khác như: giết người, cướp tài sản, tàng trữ và sử dụng trái phép vũ khí quân dụng…

Tổng hợp hình phạt trong 2 vụ án nói trên, Đỗ Hồng Lê phải trá giá bằng bản án chung thân.

Đáng nói trong nhiều ngày xử Đỗ Hồng Lê và đồng bọn, hàng chục thanh thiếu niên đi xe phân khối lớn, ăn mặc sành điệu đến để cổ vũ, động viên tinh thần cho đại ca và đồng bọn.

Thậm chí, khi xe áp giải bị cáo về trại giam, hàng loạt mô tô khủng theo đuôi hò hét, náo loạn đường phố. Bất chấp pháp luật chúng còn ném đá làm 2 cán bộ công an bị thương.

Với ông bố, đứa con "tướng cướp" vẫn là "ngoan nhất trên đời"

Khi Đỗ Hồng Lê và băng cướp áo trắng sa lưới pháp luật, ông ĐLH đã đề nghị gặp báo chí để trình bày "một số việc có liên quan", theo cách nói quen thuộc của một cán bộ quyền cao chức trọng như ông.

Tại căn nhà ở cư xá Bắc Hải, ông ĐLH khoe mấy con chim mà ông mới bắt đầu học chăm sóc khi Đỗ Hồng Lê bị bắt và nói rằng ông sẵn sàng bỏ hết các chức vụ để con nhẹ tội hoặc ở tù thay con ông cũng cam lòng.

Ông cảm thấy mình có lỗi vì mãi mê công việc mà không gần gũi con. Nhưng có một chuyện mà ông không nói ra là ông xem việc cung cấp tiền bạc không hạn chế như là một hình thức bù đắp và chính điều này đã dẫn tới bi kịch.

Suốt buổi, ông chỉ nói về đứa con ngoan nhất trên đời là Đỗ Hồng Lê và hỏi có cách nào cho con mình nhẹ tội không?

Cuối buổi gặp gỡ, ông ĐLH nói: Tôi sẽ xin nghỉ hưu sớm, làm nhà cạnh trại giam để chăm sóc con, bằng tình thương con tôi sẽ hối cải.

Ông ĐLH đã làm đúng như vậy nhưng đứa con yêu nhất trên đời của ông không có gì thay đổi. Sau 20 năm chấp hành án tù, Đỗ Hồng Lê tiếp tục đi cướp và bị bắt.

Tiếp xúc với những người trong các gia đình khác của băng cướp áo trắng, kết quả cũng tương tự.

Chính tình thương quá đà, sự yêu chiều vô độ về tiền bạc, vật chất và sự thiếu gần gũi đã giúp "nảy mầm" băng cướp áo trắng tai hoạ này.

Theo Hoàng Linh (Trí Thức Trẻ)

Nổi bật