Sáng nay 6/5, tại buổi họp báo do UBND tỉnh Bình Dương tổ chức, Đại tá Trần Văn Chính - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương - đã thông tin nội dung liên quan vụ án liên quan tới bà Nguyễn Phương Hằng.
Theo ông Chính, từ ngày 6/10/2021 đến ngày 3/11/2021, Bộ Công an và Công an TP HCM đã tiếp nhận đơn của 7 cá nhân gồm: Bà Đinh Thị Lan; ông Huỳnh Minh Hưng; bà Đặng Thị Hàn Ni; ông Nguyễn Đức Hiển; bà Trần Thị Thủy Tiên; ông Đồng Quốc Nhạc; bà Nguyễn Thị Tố Trinh.
Những cá nhân kể trên tố giác bà Nguyễn Phương Hằng về hành vi sử dụng mạng xã hội để vu khống, làm nhục người khác.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương thụ lý với các lý do hoạt động phát trực tiếp qua Internet của bà Nguyễn Phương Hằng diễn ra tại địa bàn Bình Dương.
Tuy nhiên, trước khi Công an tỉnh Bình Dương khởi tố vụ án, ngày 24/3/2022, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Phương Hằng về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, quy định tại Điều 331 Bộ luật hình sự.
Phía Công an TP HCM cũng khởi tố bà Hằng về tội danh này nên đơn vị này đã có văn bản thống nhất với Công an TP HCM và Bộ Công an về việc chuyển hồ sơ vụ án cho Công an TP HCM tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Hôm 24/3, Công an TP HCM đã khởi tố bị can, tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự.
Công an TP HCM xác định khoảng 1 năm qua, bà Hằng thông qua các tài khoản YouTube, Facebook, TikTok để livestream, đưa thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân.
PTH (Nguoiduatin.vn)