Thông tin đến PV Báo Gia đình & Xã hội tối 20/9, luật sư Vũ Thị Nga - Trưởng Văn phòng luật sư Công Lý Việt cho biết: TAND tỉnh Điện Biên vừa mở lại phiên xét xử sơ thẩm vụ án dân sự về việc "Yêu cầu bồi thường thiệt hại trong quá trình tố tụng hình sự" đối với gia đình cụ Đặng Thị Nga (sinh năm 1937, trú tại khối Sơn Thủy, thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo).
Cụ Nga và hai con trai là những người từng phải mang tiếng oan giết hại chồng, cha của mình suốt 28 năm và đã được công khai xin lỗi vào cuối năm 2017.
Sau khi thương lượng lần 6 trực tiếp, TAND tỉnh Điện Biên và gia đình cụ Đặng Thị Nga đã lập biên bản thống nhất tổng số tiền bồi thường là hơn 5,7 tỷ đồng. Trong đó bồi thường cho cụ Đặng Thị Nga gần 2,5 tỷ đồng; ông Trịnh Công Hiến 939 triệu đồng; ông Trịnh Huy Dương hơn 2,2 tỷ đồng; bồi thường cho các ông Trịnh Việt Dũng, bà Trịnh Thị Ngọc, ông Trịnh Việt Vương tổng số tiền hơn 44 triệu đồng.
Việc chi trả bồi thường thiệt hại được thực hiện theo phương thức chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng.
Tại phiên tòa, nguyên đơn cũng đã nêu rõ những bất cập trong việc bồi thường như, kéo dài thời gian, bất cập trong các quy định giải quyết bồi thường, những thiệt hại thực tế chưa được xem xét đến. Tuy nhiên, khi đại diện của nguyên đơn cho rằng mẹ mình đến thời điểm này đã rất yếu, mọi kết quả bồi thường không còn ý nghĩa nữa nên không có ý kiến gì thêm, yêu cầu chấm dứt mọi việc ngay tại phiên tòa này.
"Sau phiên toà ngày hôm nay (20/9) kết thúc, phần việc còn lại của TAND tỉnh Điện Biên báo cáo TAND tối cao và Bộ Tài chính để làm thủ tục và ra quyết định chi trả bồi thường. Dự kiến khoảng 1-2 tháng nữa gia đình cụ Đặng Thị Nga sẽ nhận được tiền", luật sư Nga thông tin.
Cũng theo luật sư Nga, hiện tại sức khoẻ cụ Đặng Thị Nga đã rất yếu. Cụ vừa bị đột quỵ và đang phải điều trị tại bệnh viện. Bản thân cụ và những người thân trong gia đình cũng không còn sức lực để đi khiếu kiện, kinh tế kiệt quệ nên đành miễn cưỡng đồng thuận với mức tiền bồi thường trên.
Trước đó, trải qua nhiều lần thương lượng, gia đình cụ Đặng Thị Nga yêu cầu tòa án xem xét bồi thường thỏa đáng theo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước với số tiền gần 13 tỷ đồng.
Trong đơn yêu cầu bồi thường, cụ Nga nhắc lại những ngày tháng đau khổ đến cùng cực khi phải mang tội giết chồng, 2 con trai bà mang tội giết cha.
Lúc cụ và hai con trai bị bắt thì 3 người con còn lại vẫn thơ dại, chưa đến tuổi thành niên. Cụ băn khoăn do bị ảnh hưởng bởi những vụ án oan mà nay một người con trai của bà mắc bệnh trầm cảm.
"Vụ án này xảy ra với tôi và gia đình là một mất mát vô cùng lớn không gì bù đắp nổi. Việc cả gia đình bao gồm tất cả những người trưởng thành và chưa trưởng thành đều bị điều tra, truy tố xét xử oan sai làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín không chỉ tới tôi mà còn tới cả gia đình, họ tộc, dân làng, bị xã hội lên án. Chúng tôi không những chỉ bị suy sụp về tinh thần mà còn bị suy sụp nghiêm trọng về thể chất.
Các con tôi gồm Trịnh Thị Ngọc, Trịnh Huy Dũng, Trịnh Việt Vương vất vưởng không nơi nương tựa, thất học, đứa thì điên dại mất hết lý trí, đứa thì không có hạnh phúc riêng tư", cụ Nga viết trong đơn.
Theo nội dung vụ án, năm 1989, thi thể ông Trịnh Huy Tùng (chồng bà Nga) được tìm thấy dưới giếng. Cơ quan Công an huyện Tuần Giáo đã khởi tố, bắt giam 3 mẹ con bà Nga để điều tra về tội Giết người.
Năm 1990, TAND tỉnh Lai Châu cũ (nay là Điện Biên) mở phiên xử sơ thẩm và phạt bà Đặng Thị Nga 36 tháng tù treo về tội che giấu tội phạm. Hai con trai của bà Nga là Trịnh Công Hiến và Trịnh Huy Dương bị tòa buộc tội đã giết ông Tùng, tuyên án lần lượt 18 năm tù và 12 năm tù.
"Được" hưởng án treo, bà Nga lặn lội đến khắp các cơ quan trung ương kêu oan cho mình và hai con. Sau đó, tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Tháng 1/1992, trong quá trình điều tra lại, VKSND tỉnh Lai Châu cũ có quyết định hủy bỏ việc tạm giam với anh Hiến và anh Dương sau 28 tháng tạm giam.
Tuy nhiên, cũng kể từ đó vụ án bị treo lơ lửng gần 30 năm mà không có bất cứ kết luận nào dù gia đình bà Nga liên tục gửi đơn kêu oan. Ba mẹ con dù được "tự do" bên ngoài nhưng tội danh giết người và che giấu tội phạm vẫn ngày ngày bám theo.
Năm 2016, cơ quan tố tụng liên ngành tỉnh Điện Biên vào cuộc để giải quyết đơn kêu oan của bà Nga và con trai.
Tháng 9/2017, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã đề nghị cơ quan tố tụng liên ngành sớm giải quyết vụ án dưới chân đèo Pha Đin.
Tháng 10/2017, cơ quan tố tụng liên ngành đã quyết định đình chỉ bị can, tuyên bố bà Nga và hai con trai không phạm tội giết người và che giấu tội phạm.
Một điều đau đớn trong vụ án này là anh Trịnh Công Hiến đã qua đời trước khi được minh oan. Theo lời kể gia đình, khi còn trong trại giam, anh xăm lên mình ba chữ "đời oan trái", nói khi nào được minh oan sẽ tự tay xóa đi. Thế nhưng vì áp lực từ tiếng xấu của kẻ giết cha quá nặng nề, anh suy sụp, có lần tự sát rồi qua đời vào năm 2004. Án chưa kịp minh oan, vết xăm chưa kịp xóa thì anh đã mất do bệnh tật.
Theo Nhật Tân (Giadinh.net.vn)