Vụ oan sai 40 năm ở Tây Ninh: Chưa chốt được giá bồi thường

25/07/2020 15:11:03

Dù đã có quyết định bồi thường của cơ quan chức năng đối với 6 người trong vụ án oan sai 40 năm ở Tây Ninh, VKSND tỉnh vẫn chưa chốt được mức bồi thường.

Ngày 24/7, ông Nguyễn Công Trung (người đại diện theo ủy quyền cho những người liên quan đến vụ oan sai 40 năm ở Tây Ninh) cho biết tháng 10/2019, VKSND tỉnh Tây Ninh đã tổ chức buổi xin lỗi công khai và thoả thuận bồi thường, dự kiến mức bồi thường thiệt hại cho mỗi người 800 triệu đến 1 tỷ 44 triệu đồng.

Vụ oan sai 40 năm ở Tây Ninh: Chưa chốt được giá bồi thường
Mặc dù được minh oan nhưng đến nay người dân vẫn chưa nhận được tiền bồi thường.

Mới đây, ông Trung nhận được thông báo của VKSND tỉnh Tây Ninh mời làm việc liên quan đến việc xin rút lại một số khoản tiền mức bồi thường cho 6 người bị oan sai.

Theo biên bản làm việc ngày 20/7, của VKSND tỉnh Tây Ninh với ông Trung về việc tính lại số tiền bồi thường thì VKS đã tính thiệt hại về tinh thần theo Điều 27 của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nên không thể tính thêm khoản thiệt hại do danh dự, nhân phẩm uy tín bị xâm phạm. Vì vậy VKS xin rút lại mỗi người số tiền 14,9 triệu đồng. Ngoài ra, VKS cho rằng tiền công lao động thực tế 300.000 đồng/ngày là quá cao, đề nghị xin giảm xuống 250.000 đồng/ngày. Như vậy mỗi người bị rút lại số tiền 34,5 triệu đồng.

Tuy nhiên, ông Trung không đồng ý việc VKS rút lại 2 phần tiền này, lý do trước đây khi giải quyết bồi thường cho ông Nguyễn Văn Dũng (trong vụ án này) đã được xem xét giải quyết bồi thường phần thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm nên những người còn lại phải được xem xét giải quyết.

Theo ông Trung, những người vốn bị thiệt hại trong oan sai 40 năm, có đáng phải bị gây thêm nỗi ức chế khi phải làm việc để thương lượng, điều chỉnh lại quyết định thỏa thuận bồi thường trong khi quyết định đã ban hành có hiệu lực?

Theo nội dung vụ án, tối ngày 26/7/1979, tại một nhà máy xay lúa ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh xảy ra một vụ cướp.

Sau đó, 8 người trong một gia đình bị bắt để điều tra, gồm: Ông Nguyễn Thành Nghị (sinh năm 1918, đã mất), bà Võ Thị Thương (sinh năm 1925), ông Hồ Long Chánh (sinh năm 1952), bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (sinh năm 1944), ông Nguyễn Văn Chiến (sinh năm 1953), bà Nguyễn Thị Lan (sinh năm 1953), ông Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1958, Dũng lớn) và Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1961, Dũng nhỏ).

Hơn 3 năm 9 tháng 14 ngày bị giam giữ nhưng cơ quan điều tra không chứng minh được hành vi phạm tội nên quyết định trả tự do cho họ. Sau đó, ông Dũng lớn được VKSND tỉnh Tây Ninh công khai xin lỗi và bồi thường 615 triệu đồng. Đến ngày 4/4/2019, VKSND tỉnh Tây Ninh mới trao quyết định đình chỉ điều tra cho 7 người còn lại.

Theo Nhật Huy (Tiền Phong)