500 công nhân ký đơn xin giảm tội cho nữ phó giám đốc

09/12/2015 18:28:43

Một trong hai bị cáo được cho là giúp sức để đại gia thủy sản lừa đảo có đến 4 luật sư bào chữa. Họ cho rằng, Phượng có công rất lớn trong việc tái cơ cấu Công ty Phương Nam.

Một trong hai bị cáo được cho là giúp sức để đại gia thủy sản lừa đảo có đến 4 luật sư bào chữa. Họ cho rằng, Phượng có công rất lớn trong việc tái cơ cấu Công ty Phương Nam.

Ngày 9/12, phiên tòa xét xử "đại án" Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Công ty Phương Nam (Sóc Trăng) nóng lên với phần tranh luận của các luật sư bảo vệ cho hơn 20 bị cáo.

Bốn luật sư bào chữa miễn phí cho Trịnh Thị Hồng Phượng. Ảnh: Việt Tường.


Trong đó, bà Trịnh Thị Hồng Phượng (35 tuổi, Phó giám đốc Công ty Phương Nam) có đến 4 luật sư bào chữa miễn phí là Ngô Huỳnh Phương Thảo, Phạm Hoài Nam (Đoàn Luật sư TP HCM), Nguyễn Văn Quynh (Hà Nội) và Nguyễn Khánh Trang (Sóc Trăng).

Theo các luật sư, bị cáo Phượng là người làm công ăn lương tại Công ty Phương Nam và thực hiện theo mệnh lệnh của chủ doanh nghiệp. Trong vụ án này, cựu Chủ tịch HĐQT của Phượng Nam là ông Lâm Ngọc Khuân đã chủ mưu lừa đảo, ép buộc các thuộc cấp phải ký một số giấy tờ khống nên Phượng không phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản như bản án sơ thẩm đã tuyên.

"Nếu có lỗi thì đây là lỗi vô ý của Phượng vì thân chủ của tôi quá tự tin. Tôi đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại", luật sư Thảo bào chữa.

Trịnh Thị Hồng Phượng đồng ý với bào chữa của các luật sư. Ảnh: Việt Tường.


Còn theo luật sư Nguyễn Văn Quynh, thân chủ của ông có nhiều tình tiết giảm nhẹ như Phượng đang mang thai, có nhiều đóng góp tích cực trong quá trình tái cơ cấu lại doanh nghiệp lúc ông chủ bỏ trốn… Sau khi tái cơ cấu, Phượng tiếp tục làm Phó giám đốc công ty, góp phần ổn định tình hình sản xuất, tạo công ăn việc làm cho gần 1.000 lao động.

"Tôi nộp cho HĐXX đơn xin giảm trách nhiệm hình sự cho Phượng, có chữ ký của trên 500 công nhân tại Công ty Phương Nam. Ông Khuân chủ mưu mà chưa bị bắt nhưng án sơ thẩm cho rằng Phượng là đồng phạm giúp sức cho ông này thì rất khiêng cưỡng", luật sư Quynh nêu quan điểm.

Theo ông Quynh, nếu Phượng có lỗi thì chỉ là Vô ý gây thiệt hại đến tài sản chứ không phải Lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên đề nghị HĐXX tuyên nữ bị cáo này không phải chịu trách nhiệm về số tiền mà các ngân hàng bị thiệt hại.
 
Tự bào chữa cho mình, ông Nguyễn Thế Thắng, nguyên Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh Sóc Trăng cho rằng, đại diện VKSND cấp cao đề nghị HĐXX kiến nghị giám đốc thẩm bản án sơ thẩm để xử lại theo hướng tăng án đối với ông là không phù hợp.

Ông Nguyễn Thế Thắng, nguyên Giám đốc VDB Sóc Trăng. Ảnh: Việt Tường.


Bị cáo này cho rằng, trong sổ tay nghiệp vụ của VDB thì giám đốc chi nhánh như ông chỉ có thể làm một số việc chứ không phải là người trực tiếp kiểm tra hàng tồn kho hay thẩm định hồ sơ tín dụng.

"Án sơ thẩm tuyên bị cáo 7 năm tù là nặng nhưng bị cáo không kháng cáo. Tôi mong HĐXX không chấp nhận yêu cầu của đại diện VKS", ông Thắng nói.

Ngày 10/12, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận lại của đại diện VKSND.

Theo hồ sơ tố tụng, Công ty Phương Nam có vốn điều lệ 295 tỷ đồng do ông Lâm Ngọc Khuân làm Chủ tịch HĐQT. Phó giám đốc công ty là Trịnh Thị Hồng Phượng (35 tuổi), Lâm Minh Mẫn (35 tuổi) là Kế toán trưởng.

Từ khi thành lập đến tháng 9/2012, Công ty Phương Nam kinh doanh thua lỗ trên 996 tỷ đồng. Để đủ điều kiện vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp đã lập 19 báo cáo tài chính gian dối về kết quả kinh doanh với nội dung năm nào cũng có lãi.

Từ những hồ sơ này, khi quan hệ tín dụng với 8 ngân hàng, Phương Nam đã vay từ năm 2008 đến 2012 lên đến trên 16.169 tỷ đồng. Ngày 30/11/2011, ông Khuân và vợ xuất cảnh sang Mỹ với lý do trị bệnh nhằm bỏ trốn. Lâm Ngọc Hân (con ông Khuân, Việt kiều Mỹ) thay cha làm giám đốc công ty và xuất cảnh trở lại Mỹ ngày 11/7/2012. Lúc này, dư nợ của Phương Nam tại các ngân hàng lên đến 1.679 tỷ đồng.

Theo cơ quan công tố, biết công ty kinh doanh thua lỗ nhưng Mẫn và Phượng vẫn lập hồ sơ khống theo chỉ đạo của Khuân. Trong 19 báo cáo tài chính thể hiện kết quả kinh doanh có lãi do Mẫn trình, ông Khuân ký duyệt 13 bản, Hân 4 bản, Phượng 2 bản.

Trong vụ án này có 25 bị cáo là cán bộ của 5 ngân hàng có chi nhánh tại Bạc Liêu, Sóc Trăng và Hậu Giang. Họ bị cho là bỏ qua hàng loạt các quy định trong việc cho vay khi giao dịch với Phương Nam, khiến các ngân hàng bị thiệt hại trên 784 tỷ đồng.

Bốn tháng trước, TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên Mẫn 14 năm tù, Phượng 12 năm tù vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 25 bị cáo còn lại mỗi người lĩnh 2 đến 7 năm tù vì tội Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

>> VKS đề nghị tăng án 22 bị cáo trong vụ lừa 639 tỷ ở miền Tây
>> Xử phúc thẩm "đại án" tại Thủy sản Phương Nam
>> Đại gia thủy sản vỡ nợ 1.700 tỉ, nhóm cán bộ ngân hàng hầu tòa
>> Xử “đại án tham nhũng Phương Nam”: Phó GĐ và kế toán trưởng bị đề nghị 15-17 năm tù

Theo Việt Tường (Zing.vn)

Nổi bật