Tính chất nghiêm trọng của vụ án Văn Kính Dương (38 tuổi, quê Hà Nội) và đồng phạm (sản xuất ma túy tổng hợp lớn nhất từ trước đến nay) buộc các cơ quan tố tụng tại TP HCM cẩn trọng khi điều tra, xử lý. Trước khi vụ án được đưa ra xét xử, TAND TP HCM từng trả hồ sơ cho cơ quan điều tra. Đến hôm 14/5, sau nhiều ngày làm việc, tòa vẫn chưa thể tuyên án, tiếp tục yêu cầu điều tra bổ sung 7 vấn đề.
Tòa cho rằng cần làm rõ dấu hiệu hành vi che giấu tội phạm của ông Văn Trọng Thái (cha Dương). Quá trình xét xử trùm sản xuất thuốc lắc, HĐXX nhiều lần chất vấn ông Thái về việc từng liên hệ và đưa hơn 4 tỷ đồng lúc con trai trốn truy nã. Khi bắt Dương, cảnh sát thu giữ gần 2,6 tỷ, điều tra đây là tiền anh ta thu lợi bất chính từ hoạt động phạm pháp.
Ông Thái cho biết, trong thời gian đó Dương vài lần gọi điện thoại về cho ông thông qua "người này người kia". Nghe con trai làm ăn buôn bán bên Campuchia và TP HCM, ông tin Dương "làm ăn đàng hoàng" nên gửi hai lần tiền. Trong đó có lần cuối năm 2016 ông vào Sài Gòn trực tiếp đưa cho con mở quán cà phê. Vì là cha con nên ông không có giấy tờ chứng minh việc đưa tiền.
Lúc khác ông nói gửi tiền cho con trai nhờ mua căn hộ để chuyển vào TP HCM sống. Đây là số tiền ông tích góp cả đời. Hiện ông không có nhà, sống nhờ người bạn ngoài Hà Nội nên xin tòa nhận lại số tiền cơ quan điều tra đã thu giữ của Dương. Nội dung này khớp với lời khai của Văn Kính Dương trong quá trình điều tra và tại tòa.
Giải thích về việc biết con trốn truy nã nhưng không báo công an, ông Thái nói: "Tôi không biết nó bị tội gì. Hơn nữa Dương là con một, vì tình phụ tử nên tôi không nỡ".
Theo quy định, những người che giấu tội phạm là cha mẹ của người phạm tội sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia, hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng.
Nhằm làm rõ hành vi Vũ Hoàng Anh Ngọc (Ngọc Miu, người tình Dương) bị cáo buộc tàng trữ trái phép 3.500 viên ma túy tổng hợp, HĐXX yêu cầu điều tra bổ sung căn cứ buộc tội, do còn nhiều tình tiết mâu thuẫn.
Tại tòa, Ngọc khẳng định không biết việc Dương và các bị cáo khác mua bán ma túy. "Thời gian chung sống với Dương bị cáo không biết anh ấy mua bán ma túy vì mỗi người đều có công việc riêng. Bị cáo làm quảng cáo, hay quay MV cho ca sĩ", cô nói. Cô cũng cho rằng không biết các gói hàng Dương cất ở nhà mình là thuốc lắc. "Trước khi bị bắt, bị cáo chưa từng nhìn thấy bên trong túi đó là cái gì. Bị cáo chưa từng được công an mở ra cho xem", cô khai.
Quá trình thẩm vấn, HĐXX nhiều lần công bố lời khai của Ngọc và các bị cáo khác tại cơ quan điều tra thể hiện Ngọc biết Dương mua bán ma túy. Trong đó, bị cáo Lê Hương Giang từng khai: "Có lần Ngọc hỏi có phải Dương đang mua bán ma túy không? Tôi không nói. Ngọc bảo chị đừng giấu em, em hỏi mọi người, biết hết rồi". Cô cũng khai nhận: "biết ma túy Nguyễn Thu Huyền để trong phòng Giang nhưng số lượng bao nhiêu thì không rõ".
Bào chữa cho Ngọc, các luật sư cho rằng chưa đủ cơ sở buộc thân chủ tội tàng trữ ma túy, đề nghị HĐXX đổi tội danh cho thân chủ sang tội Không tố giác tội phạm theo Điều 390 BLHS 2015, mức án cao nhất 3 năm tù.
Nghi vấn vụ án có khả năng bỏ lọt tội phạm, HĐXX yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ hành vi hàng loạt người tham gia sản xuất, mua bán ma tuý đã bỏ trốn, hoặc chưa bị xử lý. Trong đó, Nguyễn Kỳ Anh (37 tuổi, Hà Nội), Nguyễn Thị Thái Hằng (còn gọi là Bà U) từng bị Công an TP HCM đề nghị VKS cùng cấp phê chuẩn lệnh khởi tố, bắt tạm giam nhưng Viện không chấp thuận.
Ngoài ra, nhiều người khác tham gia vận chuyển, mua bán hóa chất cho Dương sản xuất ma túy chưa được làm rõ; có những người đã xuất cảnh hoặc bỏ trốn khỏi địa phương.
Quá trình điều tra, công an thu giữ một số hóa chất tại nhà và xưởng của các bị cáo. Tuy nhiên, tại tòa các bị cáo khai không sử dụng hóa chất này để sản xuất ma túy mà chỉ để ngụy trang hoặc sản xuất nước tẩy rửa.
Ngoài 4 vấn đề lớn trên, HĐXX yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ: các bị cáo sử dụng hóa chất này làm gì; các hóa chất thu giữ có giá trị như thế nào, còn sử dụng được hay không; số tiền thu lợi bất chính của từng bị cáo để truy thu nộp ngân sách.
Từ tháng 6/2016 đến tháng 4/2017, Dương và đồng phạm bị cáo buộc sản xuất 120 kg ma túy (500.000 viên), đã tiêu thụ 18 kg. Số còn lại bị cơ quan điều tra thu giữ khi khám xét tại nhiều nơi.
Hôm 9/5, VKS đề nghị tòa xử phạt Văn Kính Dương mức án tử hình về tội Sản xuất trái phép chất ma túy; tử hình về tội Mua bán trái phép chất ma túy; 10-13 năm tù đối với ba tội danh khác; nộp phạt bổ sung 100 triệu đồng. Tổng hợp hình phạt, Dương bị đề nghị án tử hình.
Cũng bị đề nghị mức án cao nhất là Lê Văn Mang, Phạm Bảo Quân, Nguyễn Đức Kỳ Nam (anh họ Dương), Nguyễn Đắc Huy. Các bị cáo Nguyễn Thu Huyền, Nguyễn Bá Thành, Phạm Thị Thu Huyền bị đề nghị tù chung thân. Riêng Ngọc Miu bị đề nghị 20 năm tù.
Chiều 15/5, sau nhiều ngày nghị án, TAND TP HCM trả hồ sơ để làm rõ nhiều nội dung quan trọng.
Theo Hải Duyên (VnExpress.net)