3 điểm nghẽn ở phiên xử Vũ 'nhôm' trong đại án Đông Á

22/04/2019 06:23:35

Vũ 'nhôm' vẫy tay chào sau khi lĩnh thêm 17 năm tù

Vũ "nhôm" kêu oan, tòa kiến nghị điều tra Trần Phương Bình mua giúp Vũ 13,4 triệu USD, kiến nghị làm rõ trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước là điểm nghẽn ở tòa sơ thẩm trước đó.

Phan Văn Anh Vũ, Trần Phương Bình cùng 17 bị cáo tiếp tục hầu tòa phúc thẩm trong đại án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB), khiến ngân hàng này thiệt hại hơn 3.608 tỷ đồng.

Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm tháng 12/2018, Vũ "nhôm" bị tuyên phạt 17 năm tù về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, Vũ kháng cáo kêu oan. Cùng Zing.vn điểm lại những diễn biến chính trong phiên sơ thẩm hơn 4 tháng trước.

Vũ "nhôm" kêu oan

Trong vụ án này, Vũ bị cáo buộc phạm tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cụ thể là cấu kết với Trần Phương Bình chiếm đoạt hơn 203 tỷ đồng của DAB (gốc 200 tỷ, lãi hơn 3 tỷ). Tuy nhiên, tại cơ quan điều tra cũng như ở tòa sơ thẩm, Vũ cho rằng mình bị truy tố oan.

Về số tiền 203 tỷ này, Vũ "nhôm" một mực khẳng định là quan hệ dân sự giữa mình và ông Bình chứ không liên quan gì đến tiền của DAB.

Vũ "nhôm" quen với Trần Phương Bình năm 2006, quan hệ giữa Vũ và cựu sếp DAB rất tốt đẹp. Ông Bình rất nhiều lần giúp đỡ kinh tế cho Vũ. Về việc mua cổ phần, Vũ cho rằng mình không hề đề xuất để mua mà chính ông Bình gặp Vũ và gợi ý.

Nguồn tiền để mua gồm 400 tỷ do Vũ thế chấp 220 lô đất ở Đà Nẵng cho DAB. 200 tỷ còn lại, Vũ cho biết lúc này công ty của bị cáo này không còn tài sản để thế chấp. Khi Vũ định mua cổ phần trong 400 tỷ theo thực lực tài chính công ty thì ông Bình nói: "Anh sẽ cho mày vay 200 tỷ tiền cá nhân của anh", Vũ trình bày.

3 điểm nghẽn ở phiên xử Vũ 'nhôm' trong đại án Đông Á
Vũ "nhôm" kháng cáo vì cho rằng bị oan. Ảnh: Lê Quân.

Vũ liên tục nhắc lại nội dung buổi gặp ngày 17/1/2014 tại phòng làm việc của ông Bình. Đó là Bình gọi điện Vũ đến DAB hội sở làm việc. Vũ nói khi đến DAB không hề biết Bình lo 200 tỷ thế nào, chỉ biết tới đó để ký giấy nộp tiền cho kịp thời gian mua cổ phần theo lời Bình dặn.

Tại đây, Vũ khai có nghe Bình trao đổi điện thoại với ai đó chỉ đạo là hạch toán bán 10 triệu USD lấy tiền đưa cho Vũ chứ không hề biết việc ứng quỹ 200 tỷ của DAB. Ông Bình gọi Nguyễn Đức Vinh (nguyên Trưởng phòng ngân quỹ Hội sở DAB) lên phòng, hướng dẫn cho Vũ ghi 2 tờ giấy: 1 là bản kê tiền mặt, 2 là tờ ghi tiền nộp vào tài khoản đã có sẵn nội dung. Vũ viết theo và ký tên. Rồi 200 tỷ được chuyển vào tài khoản công ty của Vũ.

Sau đó, việc tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ không thành, Bình chuyển trả 600 tỷ (cộng với hơn 9,5 tỷ tiền lãi) về cho Công ty Bắc Nam 79. Vậy là Vũ chỉ nộp vào DAB 400 tỷ từ tiền thế chấp 220 lô đất nhưng DAB lại chuyển trả về 600 tỷ nên bị cáo buộc chiếm đoạt của 203 tỷ đồng (gồm lãi).

Điều tra 13,4 triệu USD Vũ "nhôm" nhờ mua

Tòa xác định Trần Phương Bình với vai trò là Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTD DAB, đã chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi sai nguyên tắc 497,8 tỷ đồng, để mua 13,9 triệu USD.

Theo đó, từ ngày 11/10/2012 đến 12/3/2015, Trần Phương Bình đã chỉ đạo Đỗ Thanh Hùng (nguyên Thủ quỹ Hội sở DAB) xuất quỹ chi 12 khoản, với tổng số tiền 294 tỷ đồng để mua 13,9 triệu USD cho Bình.

Sau khi mua được 13,9 triệu USD, Trần Phương Bình chỉ đạo chuyển 13,4 triệu USD cho Phan Văn Anh Vũ sử dụng.

Tuy nhiên tại tòa, Vũ khẳng định đó là quan hệ dân sự giữa cá nhân với nhau, xảy ra trước khi việc Vũ vay 200 tỷ từ Bình. Vũ cho rằng đây là việc làm bình thường, uy tín giữa hai người. Về mục đích sử dụng 13,4 triệu USD, Vũ nói là việc cá nhân, Vũ xin tòa không trả lời câu hỏi này.

3 điểm nghẽn ở phiên xử Vũ 'nhôm' trong đại án Đông Á - 1
Trần Phương Bình mua giúp Vũ "nhôm" 13,4 triệu USD. Ảnh: Lê Quân.

Tòa nhận thấy 13,4 triệu USD từ hành vi chiếm đoạt của bị cáo Bình, xem xét là vật chứng vụ án nên theo quy định cần buộc phải thu hồi để khắc phục thiệt hại cho ngân hàng.

Đồng thời, qua quá trình thẩm vấn công khai tại tòa và chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thì số tiền 13,4 triệu USD mà ông Bình chuyển cho Vũ thì chưa biết Vũ sử dụng vào mục đích gì. HĐXX nhận thấy quan hệ pháp luật liên quan đến 13,4 triệu USD này có dấu hiệu của một tội phạm khác. Số tiền này đến nay chưa xác định được bị cáo Vũ sử dụng vào mục đích gì.

Do đó, HĐXX sơ thẩm xét thấy cần kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục điều tra làm rõ, nếu có căn cứ thì xử lý theo quy định của pháp luật hình sự để đảm bảo tính công bằng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm.

5 kiến nghị

Thứ nhất, tòa kiến nghị tiếp tục điều tra làm rõ vai trò của một số cá nhân. Với Võ Thị Kim Anh (nguyên Trưởng phòng Kế toán Hội sở DAB), theo lời khai của Trần Phương Bình và người này thì trong quá trình làm việc tại DAB, Kim Anh có được Bình chỉ đọa thu khống và che giấu việc âm quỹ bằng việc điều chuyển vốn từ chi nhánh về Hội sở. Khi có kiểm tra, Kim Anh có phản đối nhưng khi ông Bình báo sẽ thu xếp được thì người này chấp nhận để Bình tiếp tục thực hiện. Hành vi này có dấu hiệu tội Thiếu Trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Trần Huy Nam (nguyên Giám đốc DAB chi nhánh Nam Định) là người được Trần Phương Bình ủy quyền đàm phán với Phạm Văn Phước trong việc Công ty CP lương thực Nam Định chuyển nhượng hơn 462 m2 đất cho DAB chi nhánh Nam Định. Theo quy định, việc bán tài sản phải qua đấu giá. Sau khi đấu giá, DAB Nam Định trúng giá nhưng Phước yêu cầu DAB phải trả tiền cho mình nếu không sẽ hủy bỏ việc mua bán.

Phước đã chiếm đoạt tiền của DAB và Nam là người trực tiếp ký kết thỏa thuận giao tiền cho Phước, tạo điều kiện giúp sức cho Phước chiếm đoạt tiền. Hành vi của Nam có dấu hiệu tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

3 điểm nghẽn ở phiên xử Vũ 'nhôm' trong đại án Đông Á - 2
Ngoài Vũ, Trần Phương Bình, 17 bị cáo khác kháng cáo bản án sơ thẩm. Ảnh: Lê Quân.

Thứ hai, Tòa kiến nghị làm rõ trách nhiệm, nếu có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân tại Ngân hàng Nhà nước - NHNN, trong việc nhiều lần chấp thuận cho DAB tăng vốn điều lệ từ 800 tỷ đồng (2007) đến 5.000 tỷ đồng (2014) mà không biết Bình đã dùng thủ đoạn lập chứng từ thu khống, lập các hợp đồng tín dụng khống, thực chất là công ty sân sau. Sau đó tất toán không số tiền chiếm đoạt 1.160 tỷ của DAB mua hơn 74 triệu cổ phần cho Bình và người thân.

Thứ 3, HĐXX kiến nghị làm rõ vai trò trách nhiệm đối với các cá nhân tại cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN chi nhánh TP.HCM trong việc đã 13 lần thanh tra, kiểm tra nhưng không phát hiện Trần Phương Bình chỉ đạo nhân viên lập các chứng từ, hợp đồng cho các cá nhân vay khống tiền, vàng, hạch toán mua bán vàng khống; chi lãi ngoài; lập chứng từ điều vốn khống từ chi nhánh về Hội sở và thu lãi. Sau khi thanh tra, kiểm tra xong vẫn để ông Bình chiếm đoạt và gây thiệt hại 3.608 tỷ của DAB.

Thứ 4, kiến nghị làm rõ vai trò của các công ty kiểm toán, các cá nhân liên quan trong việc kiểm toán, kiểm quỹ nhưng không phát hiện Trần Phương Bình chỉ đạp cấp dưới lập chứng từ, điều vốn khống từ chi nhánh về Hội sở và ngược lại sau mỗi kỳ báo cáo tài chính để từng bước chiếm đoạt và gây thiệt hại cho DAB.

Thứ 5, HĐXX cũng kiến nghị cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Viện KSND Tối cao làm rõ điều tra, nếu có căn cứ thì xử lý đối với các cá nhân tại NHNN, cơ quan Thanh tra giám sát NHNN. Bởi trải qua rất 13 lần thanh tra nhưng không phát hiện sai phạm tại DAB, để mặc các bị cáo hạch toán khống chứ không có nguồn tiền thực chất.

3 điểm nghẽn ở phiên xử Vũ 'nhôm' trong đại án Đông Á - 3

Theo Hoài Thanh (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật