Theo Bộ Công an, ông Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch HĐTV Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG), vừa bị bắt về tội đưa hối lộ. Cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và hai lãnh đạo Công ty MobiFone bị khởi tố tội nhận hối lộ.
Trong khi đó, ông Võ Văn Mạnh, nguyên giám đốc và ông Hoàng Duy Quang, nhân viên Công ty TNHH tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX, doanh nghiệp được MobiFone thuê thẩm định giá trị AVG, cũng bị khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 220 Bộ luật Hình sự năm 2015, vai trò đồng phạm.
Trong thương vụ này, những người có liên quan đã thổi giá AVG từ 629 tỷ đồng (theo sổ sách kế toán) lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng và cuối cùng giá chốt gần 8.900 tỷ đồng.
Như vậy, giá AVG đã được thổi lên 14 lần. Vì sao lại có thể làm được như vậy?
Rủi ro từ thực thi chính sách
Liên quan đến vấn đề này, TS. Ngô Trí Long cho rằng, trong thương vụ mua bán giữa AVG và Mobifone không có lỗ hổng nào trong việc định giá AVG mà thực chất vấn đề nằm ở câu chuyện lợi ích nhóm. Nhóm lợi ích ở đây bao gồm: Lãnh đạo AVG là ông Phạm Nhật Vũ, Cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và các lãnh đạo Công ty MobiFone có liên quan. Thậm chí, lãnh đạo công ty định giá cũng nằm trong nhóm lợi ích này.
Nhìn nhận về lợi ích nhóm, ông Long phân tích, “Trong thương vụ mua bán giữa AVG và Mobifone, bên bán là phía ông chủ AVG Phạm Nhật Vũ liên kết với những cá nhân, tổ chức có liên quan cố tình nâng giá trị của AVG cao hơn gấp 10 lần, thậm chí là 14 lần so với giá trị thực để thu lợi. Điều này đồng nghĩa với việc, Mobifone hay nói trực tiếp là chủ sở hữu của Mobifone hiện này là Nhà nước phải mua AVG với đắt hơn cả chục lần để phục vụ cho lợi ích của 1 nhóm cá nhân.”
Vị chuyên gia này cho rằng, cơ chế chính sách về định giá của chúng ta đã đầy đủ. Theo ông Long, không có phương pháp định giá nào là phương pháp định giá có lợi ích nhóm nhưng quan trọng vẫn là vấn đề thực thi như thế nào? Bởi từ trước đến nay, việc thực thi chính sách luôn là yếu điểm của Việt Nam và đó chính là rủi ro mà Việt Nam đang phải đối mặt”.
“Đối với cơ quan định giá, nguyên tắc là ảnh hưởng thu nhập từ dịch vụ anh làm. Có nghĩa rằng, tôi thuê anh 5 tỷ anh định giá doanh nghiệp này cho tôi. Thế nhưng, ở đây thay vì chỉ là mức 5 tỷ, tôi đưa anh 20 tỷ và yêu cầu anh phải định giá doanh nghiệp này với cái giá mà tôi đưa ra. Kiểu như một phương pháp hợp thức hóa con số.
Bên mua là Mobifone có biết rằng giá trị của AVG có bị nâng khống lên hay không? Các cựu Bộ trưởng có biết hay không? Họ biết nhưng họ vẫn làm vì họ đã nhận hối lộ từ chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ. Chính vì thế, nên khi ông Phạm Nhật Vũ bị bắt về tối hối lộ thì 2 cựu Bộ trưởng là Trần Bắc Sơn và Trương Minh Tuấn cũng bị khởi tố thêm tội nhận hối lộ”, ông Ngô Trí Long phân tích.
“Tất cả đã có ý đồ với nhau, không có chuyện là không biết nhưng vì lợi ích cá nhân mà hy sinh lợi ích quốc gia”, ông Long khẳng định thêm.
Chiêu bài quân xanh, quân đỏ
Trên thực tế, nếu xét về nguyên tắc, để mua bán tài sản của Nhà nước từ 100 triệu trở lên là các doanh nghiệp buộc phải thông qua đấu giá, đấu thầu.
Nắm được luật và tạo niềm tin cũng như sự minh bạch cho thương vụ này, trong quá trình mua bán cổ phần ở AVG, có tới 4 đơn vị tham gia tư vấn và thẩm định giá trị AVG. Theo đó, Mobifone thuê Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) làm đơn vị tư vấn và thuê Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thẩm định giá AMAX (AMAX) làm đơn vị thẩm định giá AVG.
Sau đó, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) thuê Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC (AASC) và Công ty TNHH Định giá Hà Nội - TP Hồ Chí Minh (Hanoi Value) xác định giá trị AVG theo dữ liệu đầu vào do AVG cung cấp.
Theo đó, kết quả định giá của các đơn vị trên có sự chênh lệch rất lớn, từ 16.565 - 33.299,48 tỷ đồng.
Đáng chú ý là năm 2015, AVG báo lỗ 2.644 tỷ đồng, năm 2016 tiếp tục lỗ 113 tỷ đồng, nhưng năm 2017, AVG đặt kế hoạch lãi 271 tỷ đồng, đến năm 2018 đặt kế hoạch lãi tới 1.389 tỷ đồng. Các năm 2019, 2020, kế hoạch lợi nhuận của AVG lần lượt là 3.091 tỷ đồng và 5.396 tỷ đồng. Các số liệu lãi khủng được dự kiến cho các năm tiếp theo đã đẩy kết quả tính toán theo phương pháp chiết khấu dòng tiền lên tới hơn 33.000 tỷ đồng.
Thấp hơn so với kết quả định giá của 2 doanh nghiệp trên, AMAX chỉ định giá AVG trên 16.000 tỷ đồng; trong đó riêng giá trị tài sản vô hình được xác định là hơn 13.000 tỷ đồng. Mobifone đã lấy kết quả định giá của AMAX làm kết quả chính thức, có điều chỉnh, để đi đàm phán với AVG.
“Có tới 3 công ty định giá, nhưng AVG đã được bán cho Mobifone dựa trên giá thẩm định của AMAX, đó cũng là mức giá thấp nhất trong 3 mức giá các công ty thẩm định đưa ra. Như vậy, thương vụ này nếu xét về mặt hình thức là hoàn toàn phù hợp. Tôi có chọn lọc, tôi có đấu thầu, tôi có cạnh tranh nhưng thực chất đó chỉ là cách làm trò với nhau. Các công ty định giá đưa ra để làm bình phong cho các cá nhân này thực hiện việc bòn rút tiền từ ngân sách Nhà nước. Trong đó, 2 công ty định giá do VCBS thuê chỉ là quân xanh, quân đỏ”, TS. Ngô Trí Long nhìn nhận.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm trong thương vụ này?
Ông Ngô Trí Long cho rằng, cơ quan định giá không có tính pháp lý nhưng cơ quan này sẽ phải chịu trách nhiệm trước kết quả định giá của mình nếu như kết quả đó gây hậu quả không chỉ cho Nhà nước mà cho bất cứ cá nhân hay tổ chức nào.
Đối với thương vụ mua bán AVG và Mobifone, giá trị của AVG chỉ khoảng 2.000 tỷ, trong khi đó AVG còn đang âm vốn. Giá trị thực của tài sản chỉ vài trăm tỷ nhưng công ty định giá lại có thể đưa ra những con số lên tới hàng chục nghìn tỷ, theo ông Long như thế hoàn toàn phi lý. Rõ ràng, doanh nghiệp định giá có sai trái trong nghiệp vụ của mình.
“Anh định giá sai, anh phải chịu trách nhiệm. Bây giờ, cần làm rõ xem việc định giá sai đó là do đâu, có chịu tác động của bên nào hay không? Ngoài những cá nhân đã bị khởi tố, đằng sau thương vụ này có ai khác chống lưng hay giật dây hay không? Khi làm rõ được tất cả những vấn đề đó thì mới có thể quy tội được”, ông Long cho hay.
“Cũng không thể loại trừ vai trò, trách nhiệm của người môi giới trong thương vụ AVG và Mobifone. Tôi lấy ví dụ, ai môi giới cho Mobifone thuê AMAX định giá? Ngoài tiền giới thiệu (nếu có), trong gần 9.000 tỷ kia, người môi giới có được hưởng % hay không. Nếu chứng minh được người môi giới hưởng lợi từ số tiền đó thì người môi giới cũng phải đi tù”, vị này nhận định.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh thêm, ngoài trách nhiệm của Phạm Nhật Vũ, dàn lãnh đạo Mobifone, cựu Bộ trưởng Trần Bắc Son và Trương Minh Tuấn còn có sự “đồng lõa” của các cơ quan chức năng có liên quan.
“Đáng lẽ ra khi Mobifone quyết định mua AVG với giá 8.900 tỷ, cơ quan chức năng có liên quan phải xác định xem Mobifone mua AVG với giá như thế này có hợp lý hay không? Cơ quan chức năng phải xem tất cả các căn cứ để có mức giá đó. Nếu nghi ngờ, cơ quan này phải cho một doanh nghiệp định giá khác vào thực hiện. Đằng này, mức giá khống lên tới hơn chục lần mà ông bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hay văn phòng Chính phủ đều đồng ý. Chúng ta đóng thuế rồi để cho những đối tượng này làm ăn phi pháp là không thể chấp nhận được”, ông Long bức xúc.
Theo L.T (Dân Việt)