Tránh "ăn quả đắng" khi mua ôtô cũ

12/08/2015 08:10:47

Những năm gần đây, thị trường ôtô cũ rất sôi động nhờ nhu cầu tăng cao từ phía người dân, tuy nhiên phần lớn là người mua xe lần đầu, nên không phải ai cũng có kinh nghiệm.

Những năm gần đây, thị trường ôtô cũ rất sôi động nhờ nhu cầu tăng cao từ phía người dân, tuy nhiên phần lớn là người mua xe lần đầu, nên không phải ai cũng có kinh nghiệm.

Nhiều mánh khóe

“Thực tế, xe mới 100% một khi đã lăn bánh thì giá bán cũng đã giảm cả chục %”, anh Hồng - chủ một salon xe ở Mỹ Đình - Hà Nội cho biết. Thế nên, với những chiếc xe đời cũ cách đây 5-7 năm về trước thì thậm chí giá chỉ còn chưa đến một nửa. Đó chính là lý do tại sao thị trường ôtô cũ phát triển, thu hút được rất nhiều người khi lần đầu sắm xe, muốn sở hữu xe giá rẻ. Theo một số chủ cửa hàng xe cũ, yếu tố quan trọng nhất quyết định đến giá trị của chiếc xe cũ chính là “tiểu sử” của xe, điều mà người mua nào cũng quan tâm thì thông tin lại khá “mờ mịt”.

Trong vai một người mua xe cũ, tôi đến một cửa hàng bán xe cũ trên đường Nguyễn Xiển - Hà Nội. Gian hàng bày bán đủ các loại xe từ rẻ tiền như Kia Morning, Matiz, Lanos… cho đến những chiếc xe đắt tiền hơn như Ford, Toyota, BMW, Mercedes, Lexus… Anh Mạnh, nhân viên kinh doanh tại cửa hàng này mạnh miệng nói: “Nguồn hàng bên anh là hàng đảm bảo, tuyệt đối không phải là xe tai nạn hay hàng dựng lại”. Tuy nhiên, khi tôi yêu cầu giải thích về cách thức làm thế nào để phát hiện chiếc xe đã mắc tai nạn hay chưa thì anh này lại trả lời khá vòng vo và lái sang chuyện giá trị chủ yếu của chiếc xe là nằm ở “máy”. “Máy và khung gầm của xe là hàng chính hãng, chưa từng thay thế, em cứ yên tâm”, anh Mạnh vừa nói vừa mở nắp ca pô chiếc Lanos lên cho tôi kiểm chứng.

Người mua cần xem xét thận trọng trước khi chọn mua xe cũ.

Thực ra, kiểm tra máy và gầm là một công đoạn rất phức tạp nên không phải ai cũng có đủ kinh nghiệm để đánh giá. Hơn thế nữa, với những loại xe gầm thấp như Sedan thì để nhìn rõ các chi tiết trong gầm xe đã là khó, huống hồ là kiểm tra kỹ. Thế nên, với những người tiêu dùng bình thường, không phải “thợ xe”, đi xem xe theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” thì thật khó biết đâu là xe tốt, đâu là xe dựng lại. Công đoạn tiếp theo trong việc chọn xe mà tôi cũng rất quan tâm đó là việc lái thử. Tuy nhiên, do địa hình hạn chế của cửa hàng nên tôi cũng khó có cơ hội để thực hiện thao tác này một cách đầy đủ. Hơn nữa, quãng đường đi lại ngắn và bằng phẳng nên rất khó phát hiện được một đặc trưng thường thấy ở xe bị tai nạn nặng. Đó là tình trạng nhao lái, nghĩa là xe không đi thẳng mà có xu hướng lạng sang trái hay sang phải khi buông vô lăng. Khi tôi yêu cầu được đi trên đoạn đường xóc và gồ ghề hơn để kiểm chứng, thì nhân viên của cửa hàng lại khéo léo từ chối vì lý do “bất tiện”.

Đến một đại lý xe cũ khác trên phố Lê Văn Lương, tôi vẫn tiếp tục tỏ vẻ lo lắng khi đề cập đến độ tin cậy về “tiểu sử” của chiếc xe. Nhân viên bán hàng tại đây cũng thao thao nói: “Máy móc, nội thất trong xe toàn là hàng chính hãng, không bao giờ salon em thay thế hàng chợ, không rõ nguồn gốc”. Rồi anh này kéo tay tôi đến để giới thiệu một chiếc Yaris cũ, xuất xưởng cách đây 4 năm nhưng mới chạy được hơn 3 vạn km và khẳng định đây là hàng nguyên bản từ thân vỏ, nội thất cho tới máy móc bên trong. Tuy vậy, tôi vẫn thấy một vài chi tiết của chiếc xe này không giống với hàng chính hãng.

Chẳng hạn như, trang bị ban đầu với dòng xe này là ghế nỉ cao cấp nhưng đã được bọc lại bằng một lớp giả da, bên ghế phụ đã bị bong tróc và xuất hiện một vài lỗ rách nhỏ ở hàng ghế sau. Dấu hiệu đặc biệt nhất là các vết hàn nhỏ trên mặt trong tiếp xúc giữa thân vỏ và nắp capô. Trong khi các phần ráp thân vỏ xe nguyên bản được nhà sản xuất hàn đính điểm bằng công nghệ cao, thì các gara sửa chữa chủ yếu vẫn hàn hơi hoặc sử dụng que hàn nên có thể để lộ rõ vết kim loại nóng chảy, cho dù được gọt rũa cẩn thận cũng không thể như mới 100%.

Vậy nên, dù không dám chắc chiếc xe này đã trải qua “biến cố” lớn gì hay chưa, nhưng tôi chắc chắn chiếc xe không còn nguyên bản. Khi thấy tôi chỉ ra những khiếm khuyết của xe, anh nhân viên đánh trống lảng: “Tất nhiên, cũng có một vài trục trặc nhỏ thì chủ xe mới phải nhờ qua đại lý rao bán, còn việc ‘mông má’ cho nuột xe trước khi bán đối với bọn em là chuyện đương nhiên. Đại lý nào cũng làm như vậy hết”. Anh ta còn hứa nếu tôi quyết mua ngay thì sẽ giúp tôi làm dịch vụ miễn phí nộp thuế trước bạ, sang tên đổi chủ, đăng kiểm…

Cần có kinh nghiệm

Anh Hải – chủ một gara ở Mỹ Đình, người đã có thâm niên nhiều năm trong nghề cho biết: “Việc người mua tìm hiểu được chính xác tiểu sử của một chiếc xe là rất khó, thậm chí khi vào chính hãng kiểm tra nhiều khi vẫn còn nhầm”. Theo tìm hiểu của phóng viên, các đại lý bán xe cũ vẫn gửi các xe tai nạn, móp méo, ngập nước, chập nguồn điện vào gara để “mông” lại. Số lượng những xe này không nhiều, nhưng được các đại lý buôn xe cũ rất quan tâm, vì đối với các xe bị tai nạn tan nát, bẹp rúm thì chủ xe cũng thường chỉ bán được xe với giá rất thấp. Sau khi được “phù phép”, mông má các đại lý thường rao bán chiếc xe với giá gấp đôi, gấp ba. Do lợi nhuận cao như vậy nên các đại lý thường không bỏ qua cơ hội khi trà trộn những chiếc xe này bên cạnh những chiếc còn nguyên vẹn mỗi khi rao bán.

Chiếc xe đang trong quá trình “mông má”trong một gara trước khi đến tay người tiêu dung.

Nhưng điều mà người mua hay bị đánh lừa nhất khi sở hữu xe cũ, lại là số công tơ mét, có rất nhiều xe xuất cách đây 5-7 năm nhưng đồng hồ công tơ mét vẫn dừng lại ở mốc trên dưới 5 vạn km. Theo lời anh Hải: Hiện nay việc “tua” công tơ mét được hầu hết các cửa hàng bán xe cũ áp dụng. Những chiếc xe này thường là dòng xe taxi, đi nhiều nên rất nhanh hại máy. Việc chỉnh sửa đồng hồ cơ hết sức đơn giản. Chỉ cần một phần mềm khá rẻ, cộng với vài thiết bị, chỉ số trên bảng đồng hồ có thể hạ xuống mức nào tùy thích. Với loại đồng hồ điện tử, thao tác xử lý sẽ phức tạp hơn, song kiểu gian lận trên đồng hồ điện tử khó bị phát hiện hơn”.

Anh Thành - thành viên trên một diễn đàn ôtô nổi tiếng cho biết, anh đã từng mua xe ở salon ôtô cũ và hoàn toàn thất vọng về chất lượng xe cũng như chất lượng phục vụ. “Họ cũng chỉ là đi mua xe bán lại thôi, khi gặp trục trặc rồi mới biết là họ giải thích ra sao. Còn giá cả thì trên trời”. Anh Hùng cùng trên diễn đàn ôtô này đưa ra lời khuyên: “Mua xe cũ không đơn giản vì tất cả xe vào salon đều được khắc phục sử chữa những khiếm khuyết. Người mua không dễ gì nhận biết được, chỉ những người thật sự có kinh nghiệm trong ngành xe mới kiểm tra được”.

Một số người rành về xe cho hay khi mua xe cũ hãy tìm đến những salon có uy tín hoặc đi kèm với những người thợ giỏi xem xe để đánh giá được một cách toàn diện về giá trị của chiếc xe. Người mua không nên vội vàng mua mà hãy tìm hiểu cho kỹ về nguồn gốc chiếc xe để tìm cho mình một chiếc xe với giá thành hợp lý, tránh “ăn quả đắng”.
 
>>Xe cũ, giá “bèo” đáng mua nhất 2015
 
 
Theo H.Anh (Báo Hải Quan)

Nổi bật