Dưới đây là những biển báo như vậy. Độc giả click vào từng biển báo để xem ý nghĩa và nơi đặt biển.
Biển P.106c dùng để báo đường cấm các xe chở hàng nguy hiểm
Biển số P.127a áp dụng cho một số trường hợp qua khu đông dân cư vào ban đêm nhằm mục đích nâng cao tốc độ vận hành khi đường ít xe chạy. Biển này hiệu lực từ vị trí đặt biển tới khi có biển "Hết đoạn đường qua khu đông dân cư".
Ví dụ đoạn đường đông dân cư theo quy định được chạy tối đa cho phép 60 km/h, nhưng ban đêm ít xe nên sẽ có thêm biển này. Tuy nhiên nếu trên đoạn đường này có biển hạn chế tốc độ ví dụ 50 km/h thì tài xế phải tuân theo biển 50 km/h.
Đây là biển W.201, còn có một biển tương tự với chiều mũi tên quay bên phải. Hầu như ở Việt Nam không đặt loại biển này mà chỉ đặt biển đường cua đảo chiều liên tục.
Biển W.213, sắp đến cầu được sử dụng tạm thời cho xe cộ qua lại.
Biển để báo trước tới đường ngầm (đường tràn) và nguy cơ lũ quét. Nếu không có dấu chấm than đen, biển trở thành "sắp tới đường ngầm". Dấu chấm than thể hiện cho nguy cơ lũ quét.
Biển W.232 để báo trước sắp tới đoạn đường thường có gió ngang thổi mạnh nguy hiểm. Người lái xe đề phòng chạy tốc độ hợp lý, tránh gió thổi lật xe.
Biển W.241 để báo đoạn đường thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Ở Việt Nam không cần biển báo này vì hầu như thành phố thường xuyên tắc đường.
I.405 là biển báo hiệu một đường nhánh rẽ là đường cụt với dấu gạch màu đỏ. Biển đặt trên đường chính trước khi đến nơi giao nhau. Tùy thuộc thực tế mà biển được vẽ theo những hướng khác nhau.
Biển I.429 chỉ sắp đến nơi rửa xe. Nếu không có chữ "Trạm rửa xe" ở dưới, rất khó để hiểu đây là trạm rửa xe vì hình ảnh giống chiếc đèn hắt sáng từ trên xuống.
Nếu có đặt biển I.433 "Nơi nghỉ mát" mà không có dòng chữ giải thích cũng rất khó cho tài xế vì hình ảnh phía trên nhìn giống cây bị nghiêng vì gió hơn là bóng mát.
Biển đầu tiên là nơi cắm trại, biển giữa là nhà nghỉ lưu động và biển cuối là có cả nơi cắm trại và nhà nghỉ lưu động.
Biển số I.448 đường tách đặt thành từng nơi để chỉ sắp đến chỗ có đường thoát nạn (màu đỏ carô). Cách 2 km, cách 1 km và cách 300 m đến chỗ cứu nạn phải đặt biển này. Thực tế tại Việt Nam, trên các đường đèo, cơ quan chức năng đặt biển viết rõ "đường tránh nạn 1 km".
Theo Minh Hy (VnExpress.net)