Honda SH và nhiều mẫu xe máy đứng trước nguy cơ dừng bán

09/05/2025 09:49:00

Từ năm 2030, tất cả xe máy bán ra tại Việt Nam sẽ phải đạt mức tiêu thụ nhiên liệu tối đa 2,3 lít/100km theo "Biện pháp E17" của Bộ Xây dựng. Điều này khiến hàng loạt mẫu xe tay ga và xe thể thao hiện hành đứng trước nguy cơ bị dừng bán do không đạt chuẩn tiết kiệm nhiên liệu.

Ngày 30/9/2024, Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng) đã ban hành Quyết định số 1191/QĐ-BGTVT, phê duyệt Kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông vận tải đến năm 2030.

Theo tính toán, nếu không có biện pháp kiểm soát, lượng khí nhà kính từ ngành giao thông vận tải sẽ tăng trung bình 6 - 7% mỗi năm, dự kiến đạt gần 90 triệu tấn CO₂ vào năm 2030. Mục tiêu đặt ra là giảm phát thải khoảng 45,62 triệu tấn CO₂ trong cùng giai đoạn.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ Xây dựng đã xây dựng “Biện pháp E17” – quy định giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới. Đáng chú ý, chính sách yêu cầu 100% xe máy bán ra thị trường từ năm 2030 phải đạt mức tiêu thụ tối đa 2,3 lít/100km.

Nếu tiêu chuẩn này chính thức được áp dụng, nhiều mẫu xe máy phổ biến tại Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ bị dừng bán do không đáp ứng được yêu cầu về mức tiêu thụ nhiên liệu.

Honda SH và nhiều mẫu xe máy đứng trước nguy cơ dừng bán
Mẫu xe tay ga được nhiều người ưa chuộng Honda SH đứng trước nguy cơ ngừng bán. Ảnh: TS

Honda SH 125i và SH 160i – hai mẫu xe tay ga được người Việt ưa chuộng – hiện có mức tiêu thụ trong khoảng 2,37 đến 2,52 lít/100km, vượt quá giới hạn mới. Các mẫu xe thể thao của Honda như Rebel 300, CB150R và NX500 cũng không đạt tiêu chuẩn. Đặc biệt, mẫu CBR1000RR tiêu thụ tới 5,7 lít/100km, gấp nhiều lần mức quy định.

Các dòng xe của Piaggio cũng rơi vào tình trạng tương tự. Mẫu Zip tiêu thụ khoảng 2,83 lít/100km, Liberty 125 i-Get là 2,74 lít/100km, Liberty 3V ie 125 ở mức 2,54 lít/100km, Medley 125 ABS tiêu hao 2,34 lít/100km và Medley 150 ABS vừa chạm ngưỡng 2,30 lít/100km.

Vespa Sprint – mẫu xe tay ga thời trang đến từ Italy – cũng không ngoại lệ. Phiên bản sử dụng động cơ 125cc có mức tiêu thụ trung bình 2,63 lít/100km, trong khi bản 150cc tiêu hao 2,71 lít/100km.

Tương tự, nhiều mẫu xe tay ga và xe thể thao của Yamaha hiện có mức tiêu hao nhiên liệu cao hơn mức quy định. Điển hình như XSR900 với 4,85 lít/100km, MT-03 với 3,62 lít/100km và YSR-R7 với 4,2 lít/100km.

Ngoài ra, nhiều mẫu xe đến từ các thương hiệu lớn như BMW Motorrad và Ducati cũng đều có mức tiêu thụ nhiên liệu vượt quá mức 2,3 lít/100km.

Biện pháp E17 được kỳ vọng sẽ giúp ngành giao thông vận tải Việt Nam cắt giảm đáng kể lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, đồng thời buộc các nhà sản xuất xe phải cải tiến công nghệ, phát triển những phương tiện tiết kiệm nhiên liệu hơn. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ làm thay đổi đáng kể thói quen tiêu dùng, khi người dân phải chia tay nhiều mẫu xe quen thuộc nếu chúng không được nâng cấp để phù hợp với quy định mới.

Việc áp dụng giới hạn tiêu thụ nhiên liệu theo Biện pháp E17 chắc chắn sẽ tạo ra những tác động to lớn và sâu rộng tới thị trường xe máy tại Việt Nam, nơi tiêu thụ hơn 2,5 triệu xe mỗi năm. Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và phân phối xe máy sẽ buộc phải đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, nhằm đưa ra các dòng xe tiết kiệm nhiên liệu hoặc chuyển hướng sang xe điện, xe hybrid.

Từ phía người tiêu dùng, chính sách mới có thể tạo ra sự xáo trộn nhất định về lựa chọn phương tiện di chuyển. Nhiều mẫu xe quen thuộc, đặc biệt là các dòng xe tay ga cao cấp hoặc xe thể thao phân khối lớn, sẽ dần biến mất khỏi thị trường nếu không được cải tiến để đáp ứng yêu cầu mới. Trong bối cảnh đó, người dùng sẽ phải cân nhắc kỹ hơn giữa yếu tố hiệu suất, thiết kế và khả năng tiết kiệm nhiên liệu khi chọn mua xe.

Ngoài ra, các thương hiệu xe điện nội địa và quốc tế có thể tận dụng thời điểm này để gia tăng hiện diện, mở rộng thị phần. Với lợi thế không phát thải CO₂ trong quá trình sử dụng, xe điện sẽ trở thành lựa chọn tất yếu trong lộ trình phát triển bền vững của ngành giao thông.

Dù vậy, để chính sách đi vào thực tiễn một cách hiệu quả, nhiều chuyên gia cho rằng cần có lộ trình rõ ràng, minh bạch và đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cùng với đó là các cơ chế hỗ trợ về thuế, tín dụng, cũng như đầu tư hạ tầng phù hợp nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi một cách bền vững và ổn định.

Theo Thái Sơn (SHTT)

Nổi bật