Không đủ độ an toàn, chất lượng kém, kiểu dáng nhái, nhanh hỏng và đã mua thì không thể bán lại… Đó là những lý do khiến người tiêu dùng Việt tẩy chay những chiếc ôtô Trung Quốc.
BYD là một trong những cái tên rút khỏi thị trường Việt trong âm thầm |
Chưa đầy 10 năm, đã có 6 thương hiệu xe hơi Trung Quốc đến Việt Nam theo nhiều hình thức khác nhau như nhập khẩu nguyên chiếc hay thành lập liên doanh lắp ráp. Nhưng hình thức kinh doanh của các hãng xe “Tàu” luôn có điểm chung, sử dụng những dòng xe giá rẻ mang kiểu dáng cóp nhặt, để tiếp cận người tiêu dùng Việt.
Liên tục tranh nhau xác lập vị trí xe hơi rẻ nhất thị trường Việt Nam để thu hút người tiêu dùng, nhưng lần lượt các mẫu xe giá rẻ của Chery, BYD, Lifan hay Geely đều gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng.
Cho đến thời điểm này, những cái tên như Chery, BYD, Geely, Lifan hay MG đã không còn thấy xuất hiện. 3 thương hiệu còn lại gồm Haima, Changan và BAIC dù chưa “biến mất” nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy sức sống tại thị trường Việt.
Giá rẻ, phù hợp với số đông người tiêu dùng nhưng vì sao xe Trung Quốc vẫn “chết”? Thực tế cho thấy, chính các nhà sản xuất xe hơi của đất nước đông dân nhất thế giới đã tự “giết” chết sản phẩm của mình bởi các lý do sau đây:
Sở dĩ những chiếc xe Trung Quốc có giá rẻ hơn nhiều so với các thương hiệu xe hơi đến từ châu Âu và Mỹ là do họ đã tiết kiệm được những khoản tiền không nhỏ từ việc cắt giảm chi phí thử nghiệm an toàn. Vì lợi nhuận, họ đã quên việc bảo vệ tính mạng cho người dùng.
Thay vì 150 lần thử nghiệm an toàn cho mỗi sản phẩm mới, Geely Group chỉ thử nghiệm 20-25 lần để cắt giảm chi phí |
Theo Reuter, thay vì 150 lần thử nghiệm an toàn cho mỗi sản phẩm mới, Geely Group, một trong những nhà sản xuất xe hơi lớn nhất Trung Quốc chỉ thử nghiệm 20-25 lần để cắt giảm chi phí. Trong khi đó, đồng nghiệp của Geely trên thế giới tiến hành trung bình 125-150 lần thử cho mỗi sản phẩm mới.
Chính vì thế mà chất lượng và độ an toàn của xe Trung Quốc vẫn ở khoảng cách xa so với xe Mỹ hay châu Âu. Các nhà sản xuất thực hiện rất ít lần thử. Chính phủ có tiêu chuẩn an toàn, nhưng lại không quy định phải thử nghiệm bao nhiêu lần để đảm bảo an toàn trước khi sản xuất.
Cũng vì cắt giảm chi phí, rút ngắn quá trình sản xuất, sử dụng vật liệu rẻ tiền… các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc đã khiến những sản phẩm của họ bị đánh giá là có chất lượng tồi kể cả trong sử dụng và độ bền.
Tốc độ phát triển chóng mặt của nền kinh tế Trung Quốc đã dẫn tới sự ra đời của hơn 100 nhà sản xuất ôtô nội địa vào đầu thế kỷ 21, nhưng họ rất thiếu kinh nghiệm. Và phương thức để tồn tại của họ đơn giản là: nhái thiết kế của các hãng xe ngoại, lược bỏ những chi tiết, trang bị không “thiết yếu” và làm tăng chi phí, ví dụ như làm sao để cửa xe đóng êm, hay cửa số điện và túi khí ở bên ghế phụ. Việc này đương nhiên ảnh hưởng đến chất lượng và độ bền của xe. Sau vài năm sử dụng, cản sốc và tay nắm cửa có thể long ra bất cứ lúc nào.
Xe Trung Quốc nổi tiếng là kém chất lượng và bị phàn nàn không những tại các thị trường khó tính mà ngay cả những thị trường được cho là “dễ tính” như châu Phi. Khách hàng thường xuyên phản ánh về những vấn đề họ gặp phải, thậm chí chụp cả ảnh gửi cho hãng sản xuất. Ngoài ra, dịch vụ hậu mãi và chăm sóc khách hàng của các nhà sản xuất xe nước này cũng không làm khách hàng cảm thấy hài lòng, điển hình như việc luôn luôn thiếu các bộ phận thay thế.
Trung Quốc được mệnh danh là “lò” của các thương hiệu nhái. Từ một chiếc điện thoại nhỏ bé cho đến vũ khí quân sự cỡ lớn đều trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của các cơ sở sao chép. Vậy nên, xe hơi cũng không phải ngoại lệ.
Hyundai Santa Fe "nhái" |
Cũng chỉ vì mục đích cắt giảm chi phí sản xuất mà nhiều doanh nghiệp xe Trung Quốc không thể sáng tạo, họ cắt ngắn quá trình chế tạo xe hơi bằng cách sao chép lại những sản phẩm của hãng xe nước ngoài mà chẳng phải lo lắng gì về vấn đề vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ.
Đã ăn cắp thiết kế một cách trắng trợn, các hãng xe Trung Quốc còn ngang nhiên đem trưng bày ở các triển lãm ôtô danh tiếng. Điển hình như ở Triển lãm ôtô Bắc Kinh năm nào cũng có sự xuất hiện của cả một bộ sưu tập xe nhái.
Nhiều người cho rằng, xe hơi Trung Quốc không có một nét đặc trưng hay sáng tạo gì ngoài đặc trưng “ăn cắp thiết kế”.
Không những tràn lan trên các dòng xe sản xuất trong nước, phụ tùng rởm do Trung Quốc sản xuất còn xuất hiện trên sản phẩm của các hãng xe hơi nước ngoài khiến ngày càng nhiều đối tác “quay lưng” lại với phụ tùng “made in China”. Mấy năm trước, hãng xe thể thao sang trọng của Anh Quốc là Aston Martin đã phải thông báo thu hồi hàng chục nghìn xe do lỗi chân ga.
Hãng cho biết các chi tiết bằng nhựa của bộ phận này là nhựa giả có nguồn gốc từ một nhà cung cấp ở Trung Quốc, trong khi theo tiêu chuẩn, chúng phải được làm từ nguyên liệu của hãng Dupont, một thương hiệu có uy tín trên toàn cầu. Loại nhựa giả sau một thời gian sẽ hư hỏng và xuất hiện những vết nứt.
Vì tất cả những lý do nói trên, mà cho đến nay, Trung Quốc dù có tới hơn 100 nhà sản xuất ôtô nhưng vẫn chưa có một thương hiệu nào đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Thậm chí, ở một nước quen sử dụng đồ “Tàu” như Việt Nam, người tiêu dùng cá nhân cũng chẳng dại gì mà mua xe ôtô Trung Quốc.
Theo Thế Đạt (Autodaily.vn/Tri Thức Thời Đại)