Trong các loại hàng hóa thì xe hơi là thứ dễ mất giá. Vừa mua xong và đi vài km nếu trả lại thì mất không dưới 10% giá trị nhất là dân Việt ta thích bóc tem.
Người hùng Lê Văn Tạch
Thật thú vị, cuối tháng 8 cách đây 6 năm (8-2011), Toyota Việt Nam (TMV) đã kỷ luật lao động đối với kỹ sư Lê Văn Tạch - người đã tố giác TMV bán ra thị trường hàng chục ngàn xe mắc lỗi kỹ thuật.
Vào tuần này cũng vào cuối tháng 8, Toyota Việt Nam vừa thông báo triệu hồi hơn 20.000 xe Vios và Yaris trên phạm vi toàn quốc để kiểm tra lỗi túi khí, có công không nhỏ của anh.
Cuối cùng thì TMV đã hiểu ra và không thể giấu mãi những điều anh Tạch từng công khai với báo chí. Cuối cùng con "châu chấu" Lê Văn Tạch lại hạ gục "con voi" TMV.
Hàng vạn người tiêu dùng Việt được thay thế hoàn toàn miễn phí cụm bơm khí trong túi khí hành khách phía trước. Ảnh minh họa |
Theo anh Tạch, lỗi túi khí chỉ ảnh hưởng đến những người trong xe khi xe bị đâm va mạnh. Còn lỗi áp suất dầu phanh thì nguy hiểm gấp nhiều lần vì nó dễ dẫn đến tai nạn và không chỉ ảnh hưởng tới những người trong xe mà cả những người ngoài xe. Cuộc chiến vì người tiêu dùng xe hơi vẫn còn tiếp tục.
Lê Văn Tạch là cái tên thường hiện trên Facebook của tôi. Có status khuyên người mua phải cẩn thận, dễ bị xe tồn kho lâu, để trong bãi vài năm, dầu bẩn, thiết bị có vấn đề, dây điện có thể bị chuột cắn. Trông như xe hào nhoáng trong salon oto nhưng bên trong đã ủ bệnh. Theo anh, mỗi năm tồn kho, giá trị vật chất của xe giảm 10%.
Thú vị nhất anh Tạch thông tin về số VIN có thể nói là xe sản xuất năm nào. Ví dụ dải VIN của chiếc Kia K3, ký tự thứ 10 là chữ E tức là chiếc xe được sản xuất năm 2014, nếu là G thì sản xuất năm 2016. Tồn kho hai năm thì dù xe mới tinh nhưng cứ trừ đi 20-25% có lẽ chủ salon cũng phải bán tháo vì càng để lâu càng mất giá.
Dùng xe hơi cả chục năm bên Mỹ mà tôi không hề biết, ra salon mua xe, cứ thấy bóng loáng là mua. Nể kiến thức của anh, rất thực tế, luôn đặt lợi ích người tiêu dùng lên đầu.
Hội nhập và quyền được lên tiếng
Khi tham gia làm việc với các công ty tầm toàn cầu như Toyota thì không phải đơn giản như đi làm ở công sở Việt Nam. Mỗi công ty, mỗi tổ chức đều có luật lệ riêng.
Đối với một công ty sản xuất xe hơi nổi tiếng như Toyota thì bí mật công nghệ, kể cả phải che giấu những lỗi kỹ thuật, được coi là bí quyết.
Khi ký hợp đồng làm việc mỗi nhân viên phải đọc kỹ những hướng dẫn về cách trao đổi với truyền thông. Không phải ai cũng có quyền được phát biểu với báo giới.
Trường hợp anh Lê Văn Tạch, anh đã báo cáo các sai sót kỹ thuật của xe hơi với ban lãnh đạo TMV, rồi sau đó mới thông tin cho báo chí dưới danh nghĩa vì quyền lợi của khách hàng trong trường hợp công ty không hành động.
Những trường hợp bị lộ tin như thế, các công ty thường cho nhân viên nghỉ việc do vi phạm hợp đồng lao động.
Làm trong World Bank cũng vậy, khi phát biểu hay viết báo về hoạt động, các dự án do World Bank tài trợ, các nhân viên tiếp xúc với báo giới phải được phép nói gì và không nói gì, có thông tin lãnh đạo cấp cao mới được lên tiếng hoặc do ban truyền thông soạn thảo. Giữ gìn hình ảnh của công ty hay tổ chức là trách nhiệm của mỗi nhân viên.
Trường hợp anh Lê Văn Tạch có thể anh rõ luật của Toyota, anh chỉ lên tiếng khi việc chẳng đừng, mà hành động này có thể làm mất việc.
Sự việc mấy chục ngàn xe của Toyota bị triệu hồi chứng tỏ những gì anh Tạch làm đã đúng. Nếu TMV biết lắng nghe thì cái giá phải trả sẽ thấp hơn so với việc triệu hồi. Đây là ví dụ sinh động về quyền lực nhỏ đã bắt quyền lực lớn phải nghe lời.
Khi hội nhập và làm việc với các công ty đa quốc gia với "các giá trị cốt lõi là dân chủ và minh bạch" thì mỗi người phải tìm hiểu kỹ các qui định của họ để tránh rủi ro.
Có những công ty không cho phép dùng điện thoại của công ty để gọi việc riêng, email của công ty và các tài liệu do nhân viên soạn thuộc tài sản của công ty. Không thể dùng máy tính của công ty để làm việc riêng, gửi thư cho người tình.
Có thể ban lãnh đạo không theo dõi hàng ngày nhưng khi liên quan đến kiện tụng thì việc dùng thiết bị của công ty để làm việc riêng lại là chứng cứ chống lại mình.
Triệu hồi xe Toyota xứ Mỹ
Tôi mua cái xe Hyundai từ năm 2007 nhưng năm 2014 họ vẫn báo có một chi tiết báo dầu phanh lỗi do nhà máy, cần mang đến hãng để thay miễn phí. Mấy năm trước đó liên quan đến rơ le gì đó của túi khí, khi nào đi bảo hành họ sẽ thay.
Cơ quan kiểm soát an toàn đường bộ Hoa Kỳ (National Highway Traffic Safety Administration – NHTSA) được coi như viên cảnh sát mẫn cán kiểm tra tất cả những lỗi từ nhỏ đến lớn của các xe hơi, các báo cáo tai nạn và than phiền của khách hàng. Một khi NHTSA đã lên tiếng thì hãng xe phải mất tiền ngay vì đợi ra toà sẽ là quá muộn.
Bên Mỹ xe Toyota bị triệu hồi như cơm bữa vì sợ khách hàng kiện sạt nghiệp. Chỉ cần một lỗi nhỏ gây ra tai nạn thì tiền đền lên hàng chục triệu đô la.
Từ những năm 2007-2008 đã có nhiều vụ triệu hồi hàng triệu xe kể cả xe sang như 3,8 triệu xe Toyota và Lexus, Camry và ES 350 và năm sau đó lên tới 4,5 triệu xe do lỗi khi sản xuất.
Thời anh Tạch khó khăn với hãng là mấy năm 2009-2010 toàn những tin xấu cho Toyota, khi thì phanh đạp có vấn đề, khi thì thảm trải chân không đúng qui cách được cho là gây tai nạn làm chết 21 người. Có xe đang đi bỗng ga tăng đột ngột gây tai nạn.
Tháng 1-2010 hãng xe Nhật nổi tiếng này phải triệu hồi 5,2 triệu xe do thảm trải sàn và bàn đạp phanh, và 2,3 triệu xe liên quan đến vấn đề tăng ga.
Riêng lỗi túi khí Takata cài trên xe Toyota, Subaru, Mazda và BMW thì các hãng chia nhau hơn nửa tỷ đô la tiền phạt để lắp đặt lại cho 16 triệu xe, trong đó Toyota chịu hơn một nửa. Hãng túi khí Takata chịu phạt hơn 1 tỷ đô do sản xuất hàng sai qui cách.
Năm 2014, tòa án Hoa Kỳ phạt Toyota phải trả 1,2 tỷ đô sau 4 năm điều tra tội hình sự liên quan đến phanh xe bỗng nhiên đột ngột tăng do những xe sản xuất năm 2009-2010.
Sai sót về phanh mà hãng Toyota phải điều trần trước Quốc hội. Tòa đã buộc tội hãng che giấu, nói dối khách hàng, thậm chí nói sai lệch trước Quốc hội Hoa Kỳ.
Rất may tại Việt Nam có một người như Lê Văn Tạch vì quyền lợi và an toàn cho người ngồi sau tay lái, nói lên sự thật về Toyota.
Nếu tòa án làm tới chốn và điều tra đầy đủ thì việc kiện hàng tỷ đô la với những doanh nghiệp làm ăn có vấn đề ở Việt Nam không phải là chuyện mơ giữa ban ngày.
Hội nhập cũng phải làm cho đúng thông lệ và luật pháp quốc tế nếu không muốn bị mất tiền oan kể cả những công ty lớn như Toyota cũng khó đỡ.
Theo Hiệu Minh (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)