Nguyên nhân gây ra hiện tượng quá nhiệt
Thời tiết nắng nóng và xe quá cũ hai nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng động cơ ô tô bị quá nhiệt. Với những chiếc xe hiện đại, vấn đề này ít gặp hơn tuy nhiên vẫn có thể xảy ra nếu bạn lái xe trên cung đường dài có độ dốc lớn hoặc bị tắc nghẽn giao thông trong thời tiết nóng.
Một số dấu hiệu dễ nhận biết khi động cơ bị quá nhiệt đó là đồng hồ đo nhiệt độ động cơ trên bảng điều khiển tăng vọt lên vạch đỏ hoặc mức H (Hight), hơi nước bốc ra như khói từ mui xe hoặc có mùi lạ phát ra từ phía trước gần mui xe, đây có thể là mùi rò rỉ của dầu hoặc nước làm mát.
Theo những lái xe có kinh nghiệm, khi nhận thấy những dấu hiệu này, bạn hãy tắt điều hòa nhiệt độ trên xe để giảm tải bớt gánh nặng cho động cơ, đồng thời mở thêm cửa sổ xe để đẩy nhanh quá trình hạ nhiệt.
Nếu việc tắt điều hòa nhiệt độ không có hiệu quả, hãy bật chế độ sưởi và quạt gió. Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng thực sự việc bật chế độ sưởi giúp hút bớt hơi nóng ra khỏi động cơ và giảm bớt áp lực cho hệ thống làm mát.
Trong trường hợp đang tham gia giao thông, nếu gặp phải hiện tượng động cơ quá nhiệt, bạn hãy rồ ga lên một chút sau khi chuyển số về P hoặc N. Quá trình này làm tăng tốc máy bơm nước và quạt, giúp cho có nhiều không khí và nước hơn đi qua bộ tản nhiệt, khiến hạ nhiệt động cơ nhanh hơn.
Các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên rằng khi tham gia giao thông gặp phải tình trạng tắc nghẽn, hãy cố gắng điều khiển xe đi chậm thay vì tăng tốc và phanh liên tục. Quá trình phanh sẽ khiến cho hiện tượng quá nhiệt trở nên tồi tệ hơn, có thể làm hư hỏng động cơ.
Khi thực hiện tất cả những bước trên mà động cơ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, tốt nhất là bạn nên lái xe vào lề đường, tắt máy để động cơ nguội đi một cách tự nhiên. Phải mất trung bình 15-30 phút để hơi nước sôi bay hết để có thể mở nắp capo kiểm tra một cách an toàn.
Động cơ bị quá nhiệt không phải là một tình huống dễ xử lý, bạn nên đưa ô tô tới gara càng sớm càng tốt để kiểm tra hệ thống làm mát. Chú ý khi xe bị quá nhiệt, không nên lái xe quá xa để động cơ bị hư hại thêm.
Nếu được, hãy thêm nước làm mát trước khi di chuyển tới gara gần nhất.
Cách thêm nước làm mát
Lưu ý rằng thiếu nước làm mát có thể không phải nguyên nhân chính gây ra hiện tượng quá nhiệt, nên việc bổ sung thêm nước làm mát chỉ có tác dụng khắc phục tạm thời, giúp cho bạn lái xe an toàn đến cửa hàng sửa chữa.
Đầu tiên, bạn cần chuẩn bị găng tay, mở nắp capo và quan sát bình chứa nước làm mát. Đây là một bình nhựa màu đục mờ ở gần với bộ tản nhiệt. Nếu nước trong binh cạn, hãy quan sát phía dưới gầm xe xem nước làm mát có bị rò rỉ hay không.
Việc châm thêm nước làm mát chỉ được thực hiện khi nắp bình tản nhiệt đã nguội. Để thực hiện an toàn, bạn nên sử dụng một chiếc khăn trùm lên nắp bình, mở nhẹ từ từ để áp suất bên trong được xả ra dần dần. Sau đó, mở hoàn toàn nắp bình, pha hỗn hợp gồm nước sạch và nước làm mát theo tỉ lệ 50/50 và rót vào bình.
Trong quá trình thực hiện, hãy chú ý quan sát đảm bảo rằng tất cả các ống tản nhiệt ở tình trạng bình thường, không bị nứt gãy.
Một điều lưu ý quan trọng là không được thêm nước làm mát khi bộ tản nhiệt vẫn còn nóng, điều này có thể làm lốc máy bị nứt do thay đổi nhiệt độ đột ngột.
Nếu đèn báo nhiệt độ trở lại bình thường, bạn có thể tiếp tục lái xe nhưng vẫn phải thường xuyên chú ý theo dõi các đèn cảnh báo.
Trường hợp bình nước làm mát vẫn còn đầy mà xe vẫn gặp hiện tượng quá nhiệt, nguyên nhân có thể bắt nguồn do ống dây dẫn bị rò rỉ, máy bơm nước, bộ điều nhiệt gặp trục trặc hoặc các lỗi về cơ khí khác. Với tình huống này, cách xử lý tốt nhất là gọi xe cứu hộ đưa xe về gara sửa chữa.
Theo Ngân Vũ (VietNamNet)