Ngày 23/9 tới đây, hai mẫu xe mới của thương hiệu Skoda đến từ Cộng hòa Séc sẽ được giới thiệu tại thị trường Việt Nam. Trước thời điểm xuất hiện, thông tin về cặp đôi xe Skoda được quan tâm trên nhiều diễn đàn của người dùng ô tô.
Trong đó, Karoq là chiếc xe 5 chỗ thuộc phân khúc SUV hạng C, sẽ cạnh tranh trực tiếp với Peugeot 3008, Hyundai Tucson, Ford Territory, Kia Sportage,...
Mẫu xe thứ hai là Kodiaq thuộc phân khúc SUV 7 chỗ hạng D, sẽ cạnh tranh trực tiếp với Volkswagen Tiguan, Peugeot 5008, Hyundai SantaFe, Kia Sorento, Mazda CX-8,...
Điểm đáng chú ý là cả 2 mẫu xe của Skoda đều trang bị động cơ Turbo dung tích nhỏ từ 1.5-2.0L nên chỉ phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức 40%.
Cụ thể, Skoda Karoq có 2 phiên bản: Ambition 1.4 TSI Turbo và Style 1.4 TSI Turbo, đạt công suất cực đại 148 mã lực tại 5.000-6.000 v/p và mô-men xoắn cực đại 250 Nm tại 1500-3500 v/p, kết hợp hộp số tự động 8 cấp. Mức tiêu thụ nhiên liệu bình quân của động cơ này là 6,86ℓ/100km. Thời gian tăng tốc từ 0 lên 100 km/h là 9,2 giây, vận tốc tối đa 201 km/h.
Mẫu xe Skoda Kodiaq có 2 phiên bản: Ambition 1.4 TSI Turbo và Style 2.0 TSI Turbo 4x4. Skoda Kodiaq phiên bản Ambition có cho công suất tương tự Karoq do cùng loại động cơ TSI 1.4 Turbo. Còn bản Style cao cấp hơn sở hữu động cơ xăng tăng áp 2.0 TSI Turbo 4x4, cho công suất cực đại 178 mã lực tại 3900-6000 v/p và mô-men xoắn cực đại 320 Nm tại 1400-3940 v/p, kết hợp hộp số 7 cấp ly hợp kép ướt (DSG). Mức tiêu thụ nhiên liệu bình quân của động cơ này là 8,1ℓ/100km. Thời gian tăng tốc của xe 8,2 giây, vận tốc tối đa 207 km/h.
Xu hướng động cơ Turbo dung tích nhỏ hiện đang dần phổ biến tại Việt Nam, trải rộng trên nhiều phân khúc, điển hình như Toyota Raize, Nissan Almera, Honda City RS, Hyundai Elantra, Honda Civic, Kia K3,...
Động cơ Turbo trong khoảng 10 năm trở lại đây đã phát triển nhanh chóng như một nỗ lực giảm dung tích động cơ của các hãng xe nhằm cắt giảm lượng khí thải để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe mới nhưng sức mạnh không bị yếu đi.
Turbo hay bộ tăng áp động cơ (tên đầy đủ là Turbocharger) là 1 thiết bị cảm ứng cưỡng bức, giúp tăng sức mạnh cho động cơ bằng cách bơm thêm không khí vào các buồng đốt. So với động cơ hút khí tự nhiên, động cơ lắp thêm Turbo có thể đưa nhiều không khí hơn, qua đó tăng công suất động cơ mà không cần phải tăng số lượng hay dung tích xi lanh trong động cơ.
Theo lý thuyết, turbo tăng áp giúp công suất động cơ tăng lên khoảng 50%. Như vậy, động cơ 1.4 Turbo có thể tương đương động cơ 2.0 hút khí tự nhiên. Trong khi đó, động cơ 2.0 Turbo có thể tương đương động cơ 2.4 hút khí tự nhiên. Cả hai mẫu xe của Skoda đều có mức phát thải thấp (đạt tiêu chuẩn khí thải EURO 6).
Về mặt an toàn, cả hai mẫu xe SUV của Skoda đều sử dụng khung gầm MQB - dùng chung trong Tập đoàn Volkswagen. Karoq được mở bán tại Việt Nam sử dụng MQB A1. Kodiaq sẽ sử dụng khung gầm MQB A2 - chung nền tảng khung gầm với Audi Q3, Volkswagen Tiguan,...đang được phân phối tại Việt Nam.
Kiến trúc khung gầm MQB về lý thuyết có mức độ an toàn cao, được thiết kế từ 5 loại thép với tính toán kỹ lưỡng từ phía các kỹ sư, đồng thời giữ được trọng lượng nhẹ cho tổng thể chiếc xe. Tại châu Âu, Skoda tập trung ở các phân khúc bình dân do đó nếu được bán với giá cạnh tranh với các đối thủ tầm trung hiện hữu, khung gầm của Skoda tương đương dòng xe hạng sang Audi, Volkswagen sẽ là một ưu thế.
Bên cạnh đó, cả Karoq và Kodiaq đều được trang bị 7 túi khí, nhiều hơn đa số các đối thủ cùng phân khúc chỉ trang bị 6 túi khí.
Theo tìm hiểu của VietNamNet, trong năm 2023, Skoda sẽ chỉ "nhá hàng" thị trường Việt các mẫu nhập khẩu nguyên chiếc từ châu Âu, nên sẽ có bất lợi về giá bán phải chịu thuế nhập khẩu. Sau đó, các mẫu Skoda do TC Motor lắp ráp tại nhà máy ở Quảng Ninh sẽ dần được bổ sung. Hiện Skoda Việt Nam đã bắt đầu các hoạt động nhận đặt cọc sớm tại thị trường Việt Nam kèm ưu đãi với giá trị quy đổi tương đương 60 triệu đồng.
Theo Đình Quý (VietNamNet)