Tại Hội nghị thượng định Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương diễn ra tại Đà Nẵng, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh rằng "sẽ không để nước Mỹ bị lợi dụng" trong thương mại. Cuộc họp ngày hôm đó có sự hiện diện của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Tổng thống Donald Trump cho rằng mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Hàn Quốc đang ở trạng thái không cân bằng. Mỹ phải đối mặt tình trạng thâm hụt thương mại hàng hóa lên đến 27,7 tỷ USD đối với Hàn Quốc.
Thâm hụt thương mại lớn nhất của Mỹ với Hàn Quốc là ngành ôtô. Lượng xe Hàn Quốc đổ vào Mỹ nhiều hơn 24 tỷ USD so với lượng xe Mỹ đổ vào Hàn Quốc, có nghĩa chiếm đến 86% tổng thâm hụt thương mại hàng hóa. Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Hàn (KORUS) ra đời để giải quyết hiện trạng, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Xe Mỹ vẫn lận đận ở nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á.
KORUS giúp thuế và giá của xe Mỹ tại Hàn Quốc giảm xuống. Nhưng trước khi ký kết vào năm 2011, 7,9% số ôtô nước ngoài mà người Hàn Quốc mua là xe Mỹ, đến 2016, chỉ số này chỉ tăng lên 8,2%.
Xét tổng thể thị trường, thị phần của Hyundai và Kia tại Mỹ đã tăng lên khoảng 8-9% trong một thập kỷ trở lại đây. Trái lại, xe Mỹ chỉ chiếm 1% trong miếng bánh thị phần ôtô Hàn Quốc.
Người tiêu dùng Hàn Quốc mua xe giá rẻ thường tìm đến các thương hiệu nội địa. Đơn cử như Kia Morning, một chiếc hatchback sử dụng trong thành phố với giá bán bắt đầu từ 8.475 USD. Hay một chiếc Hyundai Accent lớn hơn với giá 10.242 USD. Trong khi đó, chiếc Ford rẻ nhất đang bán ở Hàn Quốc đã có giá lên đến 28.000 USD, gấp nhiều lần so với xe nội địa.
Giá bán không phải lý do duy nhất. Người Hàn Quốc có truyền thống yêu nước, chủ nghĩa tiêu dùng vì thế mà cũng ảnh hưởng. Người Hàn Quốc thường mua xe Hàn Quốc. Năm ngoái, ôtô nội địa chiếm 85% thị trường.
"Người Hàn Quốc có khuynh hướng mua xe nội địa", Rajiv Biswas, một nhà kinh tế học tại IHS Markitt cho biết. "Sẽ rất khó để thay đổi điều đó".
Theo một cuộc khảo sát thực hiện hồi đầu năm bởi Samsung Card, một trong những công ty thẻ tín dụng lớn nhất ở Hàn Quốc, cho biết rằng người Hàn Quốc rất sẵn sàng chi tiền mua xe. Những người có độ tuổi 40 thường chi trung bình 33.750 USD để mua một chiếc xe mới. Trong khi nhóm khách hàng 20 tuổi chi trung bình khoảng 22.600 USD. Khác nhau, nhưng số tiền mà 2 nhóm người chi ra đều tương đương 2/3 tổng thu nhập.
Vì lý do đó, các hãng xe nước ngoài đang đặc biệt chú ý tới Hàn Quốc. Dẫn đầu nhóm này trong 2016 là Mercedes-Benz (56.343 xe), BMW (48.459 xe) và Audi (16.718 xe).
Khi người Hàn Quốc tìm kiếm một chiếc xe nước ngoài, đó là bởi họ đang cần một thương hiệu mang tính biểu tượng, để thể hiện sự sang trọng, chứ không phải một chiếc minivan an toàn và hợp lý để đưa đón lũ trẻ như xe Mỹ.
Ford năm ngoái chỉ bán được 11.220 xe ở Hàn Quốc, nhỉnh hơn 1 chút so với doanh số 10.601 xe của Land Rover. Nói một cách công bằng, chỉ có một số ít người tiêu dùng Hàn Quốc thích một chiếc xe Ford. Còn đối với Cadiilac, doanh số 2016 bị Porsche vượt qua gấp 3 lần.
"Các rào cản thuế quan không phải nguyên nhân chính khiến xe Mỹ giảm tính cạnh tranh ở thị trường Hàn Quốc", một quan chức chính phủ cấp cao của Hàn Quốc nói với Reuters hồi tháng 7. "Những gì chúng tôi muốn nói với các nhà sản xuất xe Mỹ là hãy làm những chiếc xe tốt để chinh phục người tiêu dùng".
Trong khi đó, Kim Pil-soo - Giáo sư ngành kỹ thuật tại Đại học Daelim University cũng chia sẻ quan điểm tương tự, "Đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng quan trọng hơn rất nhiều việc liên tục phàn nàn về các hàng rào thuế".
Theo P.Cường (Tri Thức Trực Tuyến)