Đã chuẩn bị khoảng 18 triệu đồng để mua chiếc Wave Alpha cho con đi làm nhưng đến cửa hàng, ông Thái Hùng Thanh (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) rất bất ngờ khi được báo giá lên đến gần 21 triệu đồng. Như vậy, sau khi làm đầy đủ thủ tục cho xe lăn bánh, tổng số tiền ông phải bỏ ra để mua chiếc xe là khoảng 24 triệu đồng, qua đắt so với trước đây.
Giá lên bất thường
Trước đây, nhiều dòng xe máy (thường là xe số) thường được cửa hàng bán ra thấp hơn giá đề xuất ít nhất vài trăm ngàn đồng, thậm chí đến hơn 1 triệu đồng mỗi chiếc. Vì vậy gần đây, không riêng ông Thanh, hầu hết người tiêu dùng đều bất ngờ trước tình trạng ngược lại.
Tại cửa hàng xe máy ở quận Bình Thạnh, TP HCM, chiếc Blade (xe số) được báo giá 22 triệu đồng, cao hơn giá đề xuất hơn 1 triệu đồng. Song cửa hàng cũng không còn mẫu xe này, khách muốn mua phải đợi xe về với mức giá có thể cao hơn nhưng cũng không được đặt cọc giữ giá hiện tại. Tương tự, mẫu xe Wave RSX có giá từ 22,4-25,7 triệu đồng, cao hơn giá đề xuất khoảng 1 triệu đồng; Vision có giá bán từ 36-42 triệu đồng, cao hơn giá đề xuất từ 6-7 triệu đồng; Lead được báo giá 68-74 triệu đồng, cao hơn giá đề xuất khoảng 3,5 triệu đồng; SH Mode cũng có giá bán ở cửa hàng cao hơn giá đề xuất khoảng 13,5-15 triệu đồng mỗi chiếc.
Một cửa hàng khác ở quận 3, TP HCM vừa thông báo nhiều mẫu xe đang khan hàng, không còn đủ màu cho khách lựa chọn, như SH Mode, Vision… Không ít cửa hàng không còn xe, nhận đặt cọc đợi xe về song không cam kết giá ổn định như hiện tại.
Ông Bùi Minh Hiền - phụ trách kinh doanh tại một đại lý Honda ở quận Tân Bình, TP HCM - thừa nhận từ Tết âm lịch đến nay, đại lý thường xuyên thiếu xe để bán do hãng không cung cấp đủ cả xe số và xe tay ga. Nguồn cung không đủ khiến các cửa hàng đẩy giá xe lên cao hơn mức đề xuất khá đáng kể, trong đó không ngoại trừ những mẫu lâu nay được bán dưới giá đề xuất.
Tăng sản lượng
Trong khi đó, thời gian qua, sức mua xe máy trên thị trường không còn lớn như trước do một bộ phận người tiêu dùng chuyển sang sử dụng ôtô cá nhân hoặc lựa chọn các phương tiện gọi xe công nghệ mới xuất hiện. Báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam thể hiện rõ chiều hướng giảm tiêu thụ sản phẩm này trong những năm gần đây. Nếu như năm 2019, tiêu thụ của các thành viên hiệp hội đạt trên 3,2 triệu chiếc, giảm 3,87% so với năm 2018 thì đến năm 2020, chỉ có 2,7 triệu chiếc xe được bán ra, tiếp tục giảm mạnh đến 16,66% so với năm trước. Riêng trong quý I/2021, tiêu thụ xe toàn hiệp hội chỉ đạt 701.454 chiếc, giảm 4,05% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Suzuki Yasutaka, Tổng Giám đốc Yamaha Motor Việt Nam, nhìn nhận thị trường xe máy tại Việt Nam đang chuyển từ giai đoạn phát triển sang giai đoạn bão hòa bởi nhu cầu lựa chọn phương tiện di chuyển ngày một đa dạng hơn trước. Trước xu thế mới, ông Suzuki Yasutaka cho rằng các hãng xe phải không ngừng phát triển và làm mới hoạt động xây dựng thương hiệu để mang đến cho khách hàng nhiều trải nghiệm mới, trong đó yếu tố thời trang, thể thao và sáng tạo là những giá trị cốt lõi.
Theo đại diện Honda Việt Nam, để rút ngắn khoảng cách giữa giá bán lẻ đề xuất và giá bán thực tế tại đại lý, gia tăng sản lượng là một giải pháp.
Giá chỉ có tăng (?!)
Giới chuyên gia cho rằng thị phần xe máy của hãng Honda chiếm khoảng 80%, gấp 4 lần tổng thị phần của 4 hãng xe còn lại, nên dễ hiểu vì sao giá xe của hãng này chỉ tăng mà không hề giảm trong các năm qua. Một nguyên nhân khác là bởi tiêu thụ xe máy trong 3 tháng đầu năm trồi sụt thất thường khiến kế hoạch cung cấp xe ra thị trường của các hãng phải điều chỉnh đột ngột, tác động không nhỏ đến tâm lý thị trường cũng như giá bán thực tế.
Theo Nguyễn Hải (Nld.com.vn)