Simson là hãng xe nổi tiếng của Đông Đức (cũ) trước Chiến tranh thế giới thứ II. Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, chủ nghĩa phát xít bị lật đổ, Simson được Liên Xô tiếp quản. Dù vậy, trong trí nhớ của nhiều người, Simson vẫn là dòng xe của Đức. Simson đã thành công với nhiều mẫu xe S50, S51, S70… Trong đó, S50 là mẫu xe khá phổ biến tại Việt Nam.
Thời bao cấp, Simson không được nhập khẩu theo đường chính ngạch mà về Việt Nam theo đường “xách tay”. Simson theo chân những người đi học tập hoặc lao động ở Liên Xô, Đông Đức, Tiệp Khắc về nước. Chính vì vậy, thời gian đầu, xe máy Simson khá khan hiếm.
Ngày nay, trên đường phố Hà Nội hay các thành phố lớn, những chiếc xe máy Simson dường như vắng bóng. Thay vào đó là những tay ga cao cấp “hàng hiệu” như Vespa, Liberty hay SH. Nhưng điều đó không có nghĩa Simson đã biến mất khỏi Việt Nam. Nhiều dân chơi xe, những người đam mê sưu tầm xe máy cổ đâu đó vẫn còn sở hữu, gìn giữ những chiếc Simson huyền thoại và xem nó như báu vật.
Trường hợp của anh Dương Minh Đức, sinh năm 1986 quê ở Thái Nguyên cũng vậy. Anh Minh Đức hiện đang sở hữu đến 4 chiếc xe máy Simson có cả S51, Comfort 51, Enduru 51 và Comfort S70 có giá trị sưu tầm rất lớn.
Trao đổi với phóng viên, anh Đức cho biết: “Mình có sở thích đặc biệt với dòng xe Simson. Bởi mẫu xe này gắn liền với tuổi ấu thơ cũng như nhiều chuyến phượt Hà Giang, Ninh Bình… rất đáng nhớ của mình. Ở những cung đường đèo, đồi núi hiểm trở xe vẫn chạy rất tốt, máy êm, đi rất sướng…”.
Được biết trong 4 chiếc Simson sở hữu được, có chiếc Comfort S70 đời 1985 được anh dọn lại khá công phu mất nhiều thời gian và tiền của nhất.
Anh kể, chiếc xe này do anh mua lại từ một chủ cũ ở Đà Lạt cách đây 3 năm với giá 12 triệu đồng. Tuy nhiên, lúc mua, chiếc xe trong tình trạng đã khá cũ rít. Xe chỉ còn lại số khung số máy, giấy tờ… Xe thuộc phiên bản sản xuất năm 1985 và lần đầu tiên vào 3/3/1994. Theo anh Đức, Comfort S70 là một trong những dòng xe Simson khá hiếm ở Việt Nam.
Sau khi mua được chiếc xe này, anh Đức đã lên google tìm hình ảnh nguyên bản trước đó của dòng xe Simson S70 và quyết định săn cho bằng được phụ tùng mới theo form nguyên bản của xe để dọn lại thành một chiếc xe mới.
“Từ cuối năm 2017 đến đầu năm nay mình mới tìm mua đủ phụ tùng hàng zin nguyên bản của dòng xe này. Nhiều anh em trong hội nhóm chơi xe Simson biết sở thích của mình nên có đồ gì liên quan đến xe là họ giới thiệu. Một số người nhận order hàng trên Ebay nên giúp mình. Đồ mua về toàn đồ zin xưa, nhưng là hàng đập hộp chưa từng ráp lên chiếc xe nào trước đó”, anh Đức cho biết.
Đa số đồ anh mua lại đều thuộc hàng hiếm hiện nay nên giá mua cũng khá đắt đỏ. “Tôi nhớ từng mua một chiếc yên xe 4 triệu, đôi gương 2 triệu, đôi vành trị giá 7 triệu từ một người chơi ở Hà Nội. Người ta giữ gìn, cất trong tủ kính rất cẩn thận nên có giá đắt cũng dễ hiểu”, anh kể.
Được biết khi kiếm xong đồ phụ tùng, anh Đức mang đến một thợ chuyên “làm đẹp”, độ dòng xe Simson này để nhờ lắp ráp lại xe. Dù phải mất đến gần 3 năm để kiếm “đồ chơi” nguyên bản nhưng theo anh thời gian dọn lại xe lai khá nhanh chỉ mất khoảng 5 tháng.
Mẫu xe này được trang bị động cơ hai thì, xi-lanh đơn, khởi động bằng cần đạp, dung tích 49,8 phân khối, công suất 3,6 mã lực tại vòng tua máy 5.500 vòng/phút, mô-men xoắn cực đại 5 Nm tại vòng tua máy 4.800 vòng/phút.
Ngoài việc dọn lại từ một loạt phụ tùng hàng nguyên bản, anh Đức cũng đầu tư nâng cấp động cơ xe từ hộp số 4 cấp đặc trưng của dòng xe này lên hộp số 5 cấp với chi phí lên đến 25 triệu đồng trong đó hộp số 7 triệu, cục hơi 8 triệu, côn, bi máy, điện toàn đồ đắt tiền và khó kiếm.
Hiện tại chiếc xe của anh hoàn thiện với ngoại hình màu cam đặc trưng của dòng Simson Comfort S70. Xe được nhiều người quan tâm và hỏi mua với nhiều mức giá khác nhau 100, 110 triệu đồng nhưng anh vẫn chưa muốn bán.
"Trong số 10 chiếc xe máy tôi từng có thì S70 là chiếc tôi thích và dành nhiều tâm huyết cho nó nhất. Nếu nói để bán thì giá xe hiện tại rơi khoảng 130 triệu đồng. Nhưng phải ai thực sự đam mê dòng xe này mới hiểu đúng giá trị thực của nó", anh Đức chia sẻ thêm.
Theo Chi Bảo (VietNamNet)