Trường hợp nào người lái xe được đè vạch xương cá khi lưu thông?

05/09/2024 14:25:24

Mặc dù phương tiện không được phép đè vạch xương cá, nhưng trong một số trường hợp đặc biệt, các phương tiện giao thông vẫn được làm điều này.

Vạch kênh hóa dòng xe dạng chữ V hay còn được gọi với tên quen thuộc hơn là "Vạch xương cá", đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết và tổ chức giao thông tại các khu vực nút giao phức tạp, trạm thu phí và những đoạn đường hẹp.

Theo quy định tại Phụ lục G của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT, vạch xương cá là một loại vạch liền nét, có dạng chữ V. Vạch này được kẻ trên mặt đường với màu trắng, rộng 45cm, các mép vạch cách nhau 100cm và nghiêng 135 độ so với hướng di chuyển của xe. Phần giới hạn phạm vi vạch được xác định bằng vạch đơn liền nét, rộng 20cm.

Trường hợp nào người lái xe được đè vạch xương cá khi lưu thông?
Vạch kênh hoá dòng xe hay còn gọi là vạch xương cá. Ảnh: Xuân Trường

Mục đích của vạch xương cá là giới hạn các phần mặt đường không dành cho xe chạy, thay vào đó là để kênh hóa dòng xe, hướng dẫn các phương tiện di chuyển đúng làn đường và hạn chế việc lấn làn. Những phương tiện tham gia giao thông khi gặp vạch xương cá cần tuân thủ theo hướng dẫn, không được cắt ngang hoặc đè lên vạch.

Những trường hợp ô tô được phép cán vạch

Trong một số tình huống đặc biệt, xe ô tô được phép cán vạch xương cá mà không bị xử phạt theo quy định pháp luật. Một trong những trường hợp đó là khi có chỉ dẫn của cảnh sát giao thông.

Khi xảy ra ùn tắc hoặc các tình huống giao thông phức tạp, lực lượng chức năng có thể ra hiệu lệnh yêu cầu các phương tiện, bao gồm ô tô, đè lên vạch xương cá để giải tỏa giao thông. Điều này thường xảy ra tại các ngã tư đông đúc hoặc trong giờ cao điểm khi lượng xe tăng đột biến, nhằm đảm bảo lưu lượng xe được phân bổ hợp lý và tránh ùn tắc kéo dài.

Trường hợp nào người lái xe được đè vạch xương cá khi lưu thông? - 1
Vẫn có một số trường hợp ô tô, xe máy được phép cán vạch xương cá. Ảnh: H.Anh

Ngoài ra, nếu xe gặp sự cố như hỏng hóc, va chạm hoặc tài xế gặp vấn đề nguy hiểm cần dừng xe đột ngột, việc cán vạch là điều khó tránh khỏi. Pháp luật cho phép tài xế ưu tiên bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của mình và người khác, vì vậy họ có thể tạm thời đè vạch để xử lý tình huống khẩn cấp mà không bị phạt.

Cuối cùng, xe ô tô có thể bị lệch làn và đè vạch xương cá do ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết xấu. Trong những trường hợp như mưa lớn, sương mù, hoặc đường trơn trượt, việc kiểm soát phương tiện trở nên khó khăn hơn. Nếu xe đè lên vạch xương cá do tình huống này, tài xế có thể không bị xử phạt nếu đã cố gắng hết sức để đảm bảo an toàn và không cố ý vi phạm.

Mức phạt khi ô tô đè vạch xương cá

Trong trường hợp xe máy hoặc ô tô vi phạm vạch xương cá mà không nằm trong các tình huống được phép, người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt

Đối với xe máy, khi người lái cố tình đè lên vạch để vượt hoặc lấn làn mà không có sự cho phép của cảnh sát giao thông, mức phạt tiền thường dao động từ 300-400 nghìn đồng. Đây là mức xử phạt cơ bản áp dụng cho các hành vi vi phạm liên quan đến vạch kẻ đường.

Nếu người lái ô tô cán vạch xương cá, có thể bị phạt từ 2-4 triệu đồng. Mức xử phạt này nhằm đảm bảo tính răn đe và giữ an toàn giao thông. Trong trường hợp hành vi vi phạm dẫn đến tai nạn giao thông, tài xế ô tô có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2-4 tháng. Mức độ xử phạt sẽ phụ thuộc vào tính chất và hậu quả của tai nạn xảy ra.

 Theo Võ Tâm (VietNamNet)