Triển lãm ô tô ở Đức tràn ngập xe điện Trung Quốc

07/09/2023 10:17:21

Hàng loạt các mẫu xe điện hạng sang của Trung Quốc xuất hiện tại triển lãm ô tô Munich 2023 cho thấy mục tiêu không chỉ là mở rộng thị trường tại châu Âu mà sẽ trực tiếp cạnh tranh với các thương hiệu xe sang của Đức.

Triển lãm ô tô Munich 2023 năm nay chứng kiến sự góp mặt của khoảng 41% công ty có trụ sở tại châu Á, với số lượng công ty Trung Quốc tham dự gấp đôi năm 2021, nhờ đó lần đầu tiên vượt qua chủ nhà Đức để trở thành quốc gia có số lượng thương hiệu tham gia nhiều nhất.

Các thương hiệu xe điện Trung Quốc chiếm số lượng áp đảo tại triển lãm ô tô Munich 2023.

Năm nay, thay vì đem tới những mẫu xe điện giá rẻ, các hãng xe Trung Quốc như BYD, Xpeng, Changna, MG... đã tập trung những mẫu xe điện hạng sang và lựa chọn triển lãm ô tô Munich 2023 làm nơi đầu tiên ra mắt các mẫu xe mới.

Chẳng hạn như BYD với mẫu SUV hạng sang chạy điện Seal U, là mẫu xe điện thứ 6 của hãng tại thị trường châu Âu hay Avatr 11 - mẫu xe SUV cao cấp do Changan Automobile hợp tác cùng nhà cung cấp pin lớn nhất thế giới CATL và tập đoàn Huawei. Cả hai mẫu xe điện này có giá dự kiến không dưới 45.000 Euro (khoảng 1,16 tỷ đồng).

Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc quyết định thay đổi chiến lược kinh doanh tại thị trường châu Âu là bởi họ nhận ra quá trình điện khí hóa tại khu vực này đang diễn ra nhanh chóng. Năm 2022, xe điện chiếm 15,1% doanh số bán ô tô mới tại 18 quốc gia châu Âu. Còn xe năng lượng mới hay còn gọi là plug-in hybrid (PHEV) cũng đã tăng 9,8%, chiếm 1/4 thị trường.

Đối với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, sự cạnh tranh ở thị trường châu Âu được xem là cơ hội để xe điện của họ được công nhận không chỉ nhờ mức giá bán thấp mà còn nhờ công nghệ và thiết kế, từ đó tác động tích cực đến doanh số bán hàng toàn cầu.

Hiện tại, giá xe điện đã trở thành vấn đề cạnh tranh then chốt ở châu Âu khi các nước trong khu vực này đang loại bỏ hoặc giảm trợ cấp cho xe điện vì họ cho rằng mục đích khuyến khích mua xe phần lớn đã được đáp ứng.

Seal U trở thành mẫu xe điện thứ 6 của BYD bán tại châu Âu.

Thụy Điển đã loại bỏ trợ cấp vào tháng 11/2022, trong khi Anh đã quyết định chuyển ngân sách ban đầu dành cho trợ cấp mua xe điện sang cơ sở hạ tầng sạc điện. Đức cũng đang có kế hoạch giảm dần trợ cấp từ năm 2023 và loại bỏ hoàn toàn vào năm 2026. Do đó, khi chấm dứt trợ cấp, các hãng ô tô lớn buộc phải cạnh tranh về giá.

Một cuộc khảo sát của PwC Consulting vào tháng 6 cho thấy tỷ lệ chiết khấu dành cho xe điện ở Đức không bao gồm trợ cấp là 10,9%, tăng 1,5% so với tháng 5 và cao hơn so với các mẫu xe sử dụng động cơ đốt đang ở mức 10,3%. Tỷ lệ chiết khấu cho xe điện hạng sang có giá trên 65.000 Euro (khoảng 1,68 tỷ đồng) đạt 13,8%.

Điều này có thể đem lại những lợi thế cho các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, vốn đang định giá xe điện xuất khẩu sang châu Âu cao hơn 40-45% so với giá bán trong nước.

Một giám đốc điều hành của một hãng ô tô Trung Quốc nói với Nikkei rằng xe điện hạng sang sẽ có nhiều cơ hội giảm giá hơn, các mẫu xe của họ có chi phí cạnh tranh hơn nên các nhà sản xuất ô tô hiện đang ưu tiên xuất khẩu sang châu Âu thay vì thị trường nội địa.

Cũng trong sự kiện triển lãm, Thomas Ingenlath, Giám đốc điều hành của Polestar, một thương hiệu xe điện hạng sang của Geely tự tin tuyên bố mẫu Polestar 3 của họ đã chiến thắng đối thủ Porsche Taycan của Đức trong việc đáp ứng quá trình điện khí hóa.

Polestar 3 mẫu SUV chạy điện cao cấp của thương hiệu con hãng Geely.

Polestar 3 là dòng xe SUV chạy điện, được trang bị 2 động cơ điện hiệu suất cao, có phạm vi hoạt động lên tới 610km và sẽ tương thích với hệ thống lái tự động cấp 4 từ năm 2025. Chiếc xe sẽ có giá hơn 89.900 Euro (khoảng 2,32 tỷ đồng) tại thị trường châu Âu.

Theo Polestar, mức giá sẽ cao hơn vài nghìn Euro so với các mẫu xe điện tương tự của các nhà sản xuất ô tô Đức như BMW hay Audi, nhưng số lượng đơn đặt hàng lớn hơn rất nhiều, cho thấy họ hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các đối thủ đến từ châu Âu.

Ngoài sự áp đảo của các nhà sản xuất ô tô đến từ Trung Quốc, thương hiệu Tesla cũng lần đầu tiên góp mặt tại triển lãm ô tô Munich năm nay. Nhà sản xuất ô tô điện của Mỹ đã giới thiệu phiên bản nâng cấp của mẫu Model 3 với phạm vi di chuyển được nâng cao mà họ dự định xuất khẩu sang thị trường châu Âu vào tháng 10 từ nhà máy sản xuất ở Thượng Hải.

Đây là lần xuất hiện hiếm hoi của Tesla nhằm mục đích mở rộng sức hấp dẫn đối với người tiêu dùng châu Âu bởi theo thông lệ, hãng xe điện của Mỹ thường tự tổ chức các sự kiện riêng của mình để công bố thông tin về các mẫu xe mới.

Với tư cách là chủ nhà, Hildegard Mueller, chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp ô tô Đức (VDA), thừa nhận: “Chúng tôi đang mất đi khả năng cạnh tranh của mình". Đồng thời ông cho biết thêm rằng triển lãm ô tô Munich đã cho thấy 'áp lực cạnh tranh quốc tế cao' khiến các nhà sản xuất ô tô của Đức cần phải đầu tư nhiều hơn trong quá trình điện khí hóa.

BMW Vision Neue Klasse sẽ là kiểu mẫu cho các mẫu xe BMW mới sản xuất sau năm 2025.

Hiện tại, các nhà sản xuất ô tô Đức đang cố gắng củng cố chỗ đứng của mình bằng cách tung ra những chiếc xe điện đầu bảng thế hệ mới với mục tiêu nhắm đến phạm vi hoạt động dài hơn và hiệu quả cao hơn đồng thời giảm một nửa chi phí sản xuất.

Cụ thể, BMW đã mang đến triển lãm mẫu xe ý tưởng Vision Neue Klasse được cho là sẽ trở thành nền tảng thiết kế và công nghệ cho toàn bộ các mẫu xe của hãng từ năm 2025 trở đi. Hãng xe xứ Bavaria sẽ bắt đầu bán 6 mẫu xe, bao gồm cả sedan và SUV.

Thiết kế kiểu nguyên khối của BMW Vision Neue Klasse giúp chiếc xe có phạm vi hoạt động tăng 30% và hiệu suất cao hơn 25%, trong khi thời gian sạc lại ngắn hơn 30% so với bất kỳ mẫu xe điện hiện hành nào của hãng.

Mercedes-Benz cũng đã giới thiệu mẫu xe ý tưởng CLA Concept với phong cách ngoại hình của một chiếc coupe chạy điện. Đây là mẫu xe đầu tiên của thương hiệu "ngôi sao 3 cánh" sử dụng nền tảng khung gầm được phát triển dành riêng cho xe điện cỡ nhỏ và vừa. Xe có phạm vi di chuyển được công bố đạt 750km, dài hơn so với các đối thủ trong cùng phân khúc. 

Theo Ngô Minh (VietNamNet)