Nghị định 116 gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô Việt Nam là vấn đề không mới trong hơn 2 tháng gần đây. Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của Nghị định không chỉ giới hạn trong nước. Xe không thể xuất khẩu sang Việt Nam khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài bị tác động tới kế hoạch và hoạt động kinh doanh.
Doanh nghiệp Thái Lan lo lắng
Theo tờ Nikkei Asian Review đưa tin ngày 17/1, Toyota chính thức tuyên bố tạm dừng tất cả việc xuất khẩu xe sang Việt Nam. Từ xe Toyota Yaris, Hilux nhập Thái Lan, Fortuner nhập Indonesia đến những mẫu xe sang của thương hiệu Lexus nhập Nhật Bản đều nằm trong kế hoạch hoãn này của hãng.
Mặc dù có nhà máy lắp ráp ô tô ở Việt Nam nhưng khoảng 1/5 doanh số bán hàng của Toyota trong nước là xe nhập khẩu, xấp xỉ 1.000 xe/tháng.
"Thị trường ô tô Việt Nam đã đi xuống rõ rệt trong năm ngoái bởi người tiêu dùng vẫn trông chờ việc giảm thuế nhập khẩu cho đến tận cuối năm," tờ Nikkei Asian Review dẫn lời ông Michinobu Sugata, Chủ tịch Toyota Motor Thái Lan, chia sẻ tại Bangkok.
"Chúng tôi đã từng kỳ vọng sẽ tạo nên một bước nhảy vọt lớn trong năm 2018 nhưng hàng rào chính sách mới do Chính phủ Việt Nam đặt ra khiến doanh nghiệp không thể xuất khẩu xe tới đó được," ông Michinobu Sugata cho biết thêm.
Không chỉ Toyota mà Honda, Mitsubishi và Ford Thái Lan cũng tuyên bố gặp khó khăn bởi những kế hoạch và dự định trước đó không thể thực hiện được. Việt Nam vẫn là thị trường tiềm năng của hai hãng lớn này, nhất là khi thuế nhập khẩu nội khối ASEAN tại đây được gỡ bỏ hoàn toàn từ năm 2018.
Trước đây, Honda đã có dự định sản xuất tất cả xe CR-V tại Thái Lan để tiết kiệm chi phí, khi mà thuế nhập khẩu xe từ Thái Lan sang Việt Nam sẽ về 0%. Tuy nhiên, Nghị định 116 được bất ngờ ban hành đã khiến hãng xe này khó đi theo kế hoạch.
"CR-V thế hệ mới được rất nhiều người quan tâm. Chúng tôi đã nhận được khoảng 200 đơn đặt hàng. Tuy nhiên, lô hàng mới chưa thể về nước, ít nhất phải tới tháng 4 năm nay," một chủ đại lý Honda ở Hà Nội cho biết.
Theo tờ Nikkei Asian Review của Nhật Bản, Honda Việt Nam từng trông đợi nhập khẩu 10.000 xe CR-V trong năm 2018, tức cao hơn 70% so với lượng xe lắp ráp năm ngoái. Vướng Nghị định 116, doanh nghiệp này nhanh chóng đưa trước về nước 750 xe CR-V nhập Thái Lan cuối năm 2017 và vẫn phải chịu thuế nhập khẩu 30% của năm cũ.
Mitsubishi Thái Lan cũng tuyên bố tạm hoãn xuất khẩu xe Pajero Sport sang Việt Nam. Trong khi đó, Ford Thái Lan bày tỏ lo ngại về sự ảnh hưởng lớn từ chính sách của Chính phủ Việt Nam tới hoạt động của doanh nghiệp.
Đi sau 2 năm so với nước bạn, nền công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng mở cửa?
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) với 11 thành viên được thành lập để cùng thúc đẩy nền kinh tế khu vực, mở cửa cho dòng chảy của hàng hoá, dịch vụ và con người của các quốc gia trong khối. Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng thời cơ này để tăng cường đầu tư xuyên biên giới và thành lập các chuỗi cung ứng mang tầm khu vực.
Trong khi các quốc gia phát triển khác trong ASEAN đã áp dụng miễn thuế nhập khẩu nội khối từ năm 2015 thì Việt Nam (cùng với Campuchia, Lào và Myanmar) vẫn được dành 2 năm để chuẩn bị trước khi hội nhập cùng khu vực.
Song, thực tế đang cho thấy thuế nhập khẩu nội khối đã về 0% nhưng chưa có bất kỳ chiếc xe nhập nào được hưởng lợi hay thậm chí có cơ hội về nước trong suốt nửa tháng đầu năm. Giấy chứng nhận kiểu loại (VTA) tại quốc gia sản xuất xe vẫn là vấn đề đau đầu của các doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, việc kiểm tra khí thải đối với xe nhập trong năm 2018 sẽ có thể mất 2 tháng và chi phí tới 10.000 USD.
"Việt Nam có 2 năm để phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước nhưng đã thất bại và giờ đây tiếp tục bảo hộ nền công nghiệp nước nhà," tờ Nikkei Asian Review trích lời nhận định của một vị chuyên gia trong ngành.
Theo Trần Đức (Trí Thức Trẻ)