Theo thông tin từ nhật báo Nikkei của Nhật Bản, hai hãng ô tô hàng đầu nước này là Toyota và Honda đã thông báo tạm ngừng xuất khẩu xe sang Việt Nam. Hãng có nhà máy lắp ráp tại Việt Nam nhưng lượng xe nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia và Nhật chiếm khoảng 20% số xe bán ra trên thị trường, tương đương 1.000 xe mỗi tháng. Những mẫu xe nhập gồm Hilux, Yaris, Fortuner và dòng xe sang Lexus.
Phía Honda Việt Nam cho biết phía công ty mẹ đang dừng xuất khẩu xe sang Việt Nam vì vướng mắc của Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Nghị định 116 tạo ra những rào cản cho xe nhập khẩu, ngay cả chính hãng. Hai điểm khó khăn nhất là các hãng xe cần có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe cơ giới do nước ngoài cung cấp (VTA) và mỗi lô hàng đều phải lấy ra một xe để kiểm định.
Điều kiện giấy VTA khó khả thi bởi lẽ có nhiều nước trên thế giới không cung cấp loại giấy tờ này cho xe xuất khẩu, giống như việc Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ kiểm định cho xe lưu hành trong nước, không có thẩm quyền cấp cho xe xuất khẩu.
Ngoài ra, nếu trước đây một loại xe về nước chỉ phải kiểm định chiếc đầu tiên thì theo quy định mới, mỗi lô xe về cảng đều phải chọn ra một xe để kiểm định dù xe ở mọi lô đều cùng một loại. Việc này khiến chi phí của hãng tăng lên, đồng thời thời gian nhận xe cũng lâu hơn trước khi giao cho khách.
Từ khi nghị định được ban hành, chính phủ của những thị trường xuất khẩu xe hơi lớn như Nhật Bản, Thái Lan và Mỹ đều bày tỏ lo ngại rằng những quy định mới có thể là bất khả thi. Đồng nghĩa các hãng xe không thể bán sản phẩm ở Việt Nam.
Toyota Việt Nam cũng lo ngại một thời gian dài không có xe nhập khẩu để bán. Thị trường Việt đang tăng trưởng tốt trong vài năm qua nhưng năm 2017 lại sụt giảm. Thực tế, tỉ lệ lượng xe xuất khẩu sang Việt Nam là khá nhỏ trong tổng sản lượng của các hãng.
Ngoài Toyota và Honda, những liên doanh khác tại Việt Nam cũng cho biết họ không thể nhập xe về bán như Ford, Mitsubishi hay Suzuki. Tuy nhiên, các hãng xe nhập khẩu từ châu Âu như Mercedes, BMW, Porsche lại không mấy lo lắng và cho rằng hoàn toàn có thể cung cấp loại giấy VTA như Chính phủ Việt Nam yêu cầu.
Trước đó, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng yêu cầu mới này là vấn đề lớn đối với tất cả thành viên vì giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu không tồn tại ở nhiều quốc gia. Một số quốc gia áp dụng chính sách các nhà sản xuất tự chứng nhận. Một số quốc gia cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có thể cấp giấy chứng nhận này nhưng hệ thống tiêu chuẩn và đăng kiểm không giống với hệ thống ở Việt Nam.
Vì vậy, Cục Đăng kiểm Việt Nam có thể sẽ không chấp nhận do có sự khác biệt. Chẳng hạn như sự khác biệt về vị trí ngồi lái xe, tiêu chuẩn khí thải, hay các đặc điểm kỹ thuật khác, giữa những xe bán ở các thị trường khác nhau.
Có thể xảy ra trường hợp xe của doanh nghiệp nhập khẩu đã đặt hàng trước đó, vận chuyển về Việt Nam thì bị ùn tắc tại cảng. Đa số thành viên VAMA đều nhập khẩu những mẫu xe từ công ty mẹ.
Vướng mắc trong việc thực hiện các quy định mới của Nghị định 116 này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, quyền lợi của khách hàng và nguồn thu cho ngân sách. Hơn thế nữa, quy định này không có nhiều ý nghĩa bởi Cục Đăng kiểm Việt Nam đang thực hiện rất nghiêm ngặt các thủ tục kiểm tra, thử nghiệm nhằm kiểm soát chặt chẽ về chất lượng.
VAMA đề nghị Chính phủ chấp thuận cho nhà nhập khẩu thêm lựa chọn, làm thủ tục kiểm tra thử nghiệm bởi Cục Đăng kiểm Việt Nam thay vì chỉ chấp nhận giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp.
Theo Quang Huy (Pháp Luật TP.HCM)