Theo báo cáo điều tra của Reuters, Tesla đã không ít lần đổ lỗi cho chính người dùng khi bị khiếu nại về lỗi có thể gây tai nạn trên xe của hãng. Cụ thể, hãng tin này đã phỏng vấn hơn 20 khách hàng và 9 cựu nhân viên Tesla và biết được rằng hiện tượng này diễn ra trong ít nhất 7 năm qua với toàn bộ dòng xe của Tesla.
Một trường hợp cụ thể được Reuters nêu ra là Shreyansh Jain, một tài xế đã mua chiếc Tesla Model Y 2023 vào tháng 3 vừa qua. Nhưng khi mới đi được 185 km ngay trong ngày đầu tiên nhận xe, hệ thống treo phía trước bên phải của phương tiện đã bị sập khiến anh mất lái nhưng kịp thời đỗ lại an toàn.
Jain sau đó khiếu nại với Tesla về vụ việc với mong muốn hãng sẽ thanh toán chi phí sửa chữa xe cho anh bởi việc mua bán mới diễn ra chưa đầy 24 giờ. Tuy nhiên, công ty của Elon Musk lại từ chối thẳng.
Thậm chí họ đổ lỗi rằng sự cố xảy ra là do có tác động bên ngoài trong quá trình lái xe của người dùng bất chấp việc đó là xe mới giao cho khách. Hệ quả là Jain đã phải tự chi ra 14.000 USD để sửa chiếc Tesla mới mua một ngày của mình.
Cũng liên quan tới hệ thống treo, một cựu nhân viên của Tesla đã nói với Reuters rằng từ năm 2016-2020, hãng đã “giải quyết” khoảng 400 khiếu nại đến từ Trung Quốc trong thầm lặng. Nhờ đó mà công ty của Elon Musk đã né được án triệu hồi trong khoảng 4 năm trước khi bị bắt buộc thu hồi gần 30.000 xe bị lỗi hệ thống treo vào năm 2020.
Nhưng tệ hơn, các hồ sơ điều tra của Reuters cho biết rằng Tesla từ lâu đã biết rõ về tần suất và mức độ của các lỗi xảy ra trên xe, nhiều hơn so với những gì họ tiết lộ cho người dùng và cơ quan quản lý an toàn.
Các tài liệu mà Reuters thu thập được từ 2016-2022 bao gồm các báo cáo sửa chữa từ trung tâm dịch vụ Tesla trên toàn cầu, các biên bản ghi nhớ gửi cho kỹ thuật viên năm 2019. Trong đó, Tesla hướng dẫn nhân viên của mình nói với người dùng rằng các bộ phận hỏng trên ô tô của họ không phải do lỗi sản xuất.
Thay vào đó Tesla đổ lỗi cho tài xế “lạm dụng” hoặc “sử dụng xe sai mục đích”, chẳng hạn như “đâm vào lề đường hoặc gây các tác động mạnh quá mức khác” là thủ phạm gây ra tai nạn hỏng hóc. Trong đó hai cụm từ “lạm dụng” và “sử dụng sai mục đích” được ghi trong hợp đồng mua bán xe của Tesla với khách hàng và nó quy định rằng nhà sản xuất có quyền từ chối sửa chữa trong thời gian bảo hành đối với những trường hợp nêu trên.
Ngoài ra, Reuters cũng tiết lộ thêm hàng loạt lỗi nghiêm trọng mà các khách hàng được phỏng vấn đã phản ánh về xe Tesla như bánh xe rơi khỏi xe khi di chuyển tốc độ cao hay gãy trục khi tăng tốc. Thế nhưng cách giải quyết của họ vẫn luôn là chối bỏ và đổ lỗi.
Theo Minh Tuấn (Tiền Phong)