Lịch sử chọn lối đi riêng
Kể từ khi được thành lập vào năm 1953, thương hiệu ô tô Subaru của Nhật Bản đã mang những nét đặc trưng riêng, khác biệt so với những thương hiệu phổ thông khác. Song song với việc cải tiến về kiểu dáng thiết kế cũng như động cơ nhằm mang đến những trải nghiệm lái thú vị nhất, Subaru còn đặc biệt đề cao sự an toàn tối đa cho người sử dụng.
Những năm đầu sau khi thành lập, Subaru mới chỉ tập trung làm những mẫu xe nhỏ nhưng đến năm 1965, hãng xe Nhật đã gây được tiếng vang khi ra mắt động cơ Boxer trên chiếc Subaru 1000. Đây là dòng động cơ có pit-tông đối xứng cùng nằm trên một mặt phẳng, có hiệu suất hoạt động lớn, trọng tâm đặt thấp nên giúp xe đạt tốc độ cao ổn định. Sau đó, Subaru “trung thành” sử dụng động cơ Boxer trên các mẫu xe của hãng kể từ năm 1966 cho tới nay.
Không chỉ được yêu thích ở Nhật, châu Âu, Mỹ vì tính năng lái thể thao, Subaru cũng dần chinh phục khách hàng ở các thị trường khó tính này bởi sự chú tâm vào phát triển công nghệ an toàn. Đến nay, Subaru đã phát triển tổng cộng hơn 100 tính năng an toàn giúp mang đến cho người lái sự an tâm và trải nghiệm trọn vẹn cảm giác lái hào hứng trên mọi cung đường.
Chất riêng của Subaru không chỉ dùng động cơ Boxer cho các mẫu xe bán ra, mà đó còn là việc áp dụng một loạt những công nghệ tiên tiến khác. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến 3 công nghệ cốt lõi độc quyền khác của thương hiệu Subaru: Hệ khung gầm toàn cầu Subaru Global Platform, Hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian đối xứng SAWD và Công nghệ hỗ trợ người lái tiên tiến EyeSight.
Thương hiệu xe an toàn với 2 giá trị cốt lõi
Nhắc đến Subaru, cả người sử dụng và giới chuyên môn đều nghĩ đến ngay 2 giá trị cốt lõi của hãng xe Nhật Bản là "An toàn" và "Trải nghiệm lái khác biệt". Hai yếu tố này gói gọn trong 4 công nghệ cốt lõi mà Subaru đã phát triển suốt hơn nửa thế kỷ. Đặc biệt là động cơ Boxer và Hệ dẫn động 4 bánh, hai công nghệ cốt lõi đầu tiên của thương hiệu đã được phát triển thông qua những khảo nghiệm đầy khắc nghiệt về vận hành trong thời gian Subaru tham gia những giải đua motorsport và sau đó liên tục được cải tiến qua nhiều năm.
Đầu tiên phải kể đến động cơ Boxer đã trở thành “trái tim” của mỗi chiếc Subaru trong hơn nửa thế kỷ, sức mạnh và sự hiệu quả của loại động cơ này đã làm nên “chất lái” rất riêng của hãng xe Nhật, giống như người Đức đã làm với Porsche. Nhưng để động cơ này phát huy hiệu quả ổn định, cân bằng ngay cả khi hoạt động ở tốc độ cao thì không thể thiếu sự bổ trợ của hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian đối xứng SAWD.
Hệ dẫn động 4 bánh này là đặc trưng không thể thiếu trên các mẫu xe của Subaru. SAWD tạo lực kéo và bám đường tốt, từ đó cho khả năng hoạt động ổn định hơn trên mọi điều kiện đường sá mà xe đi qua. Hệ dẫn động SAWD vận hành cùng với các hệ thống an toàn chủ động của Subaru như kiểm soát lực kéo VDC và X-MODE để mang đến cho người lái sự kiểm soát và tự tin hơn trên những địa hình có độ ma sát thấp (di chuyển khi trời mưa, đường bùn hoặc lầy lội) hoặc khi ôm cua gắt ở những đoạn đường đèo có những góc cua tay áo thường là nỗi ám ảnh của những tay lái.
Công nghệ tiếp theo được mệnh danh là “mắt thần” hỗ trợ người lái đó chính là EyeSight. Đây được xem là một trong những hệ thống an toàn phòng tránh va chạm bậc nhất hiện nay. Subaru cho biết, EyeSight sử dụng 2 camera gắn sau kính lái để nhận diện đối tượng. Các dữ liệu được thu về từ camera 3D, có màu ở dải chất lượng cao nhằm đảm bảo khả năng nhận dạng vật thể tối ưu nhất. Từ đó, chiếc xe sẽ nhận biết và đưa ra giải pháp nhằm giảm thiểu những nguy cơ va chạm tiềm ẩn, bao gồm cả tác động lên hệ thống chân ga, phanh và hộp số.
Có thể nói, hệ thống EyeSight của Subaru là sự khác biệt với phần còn lại khi sử dụng hai camera, thay vì radar hay lidar (dùng radar và một camera). Thay vì sử dụng công nghệ phản xạ sóng âm để nhận biết vật cản và khoảng cách, hai camera của EyeSight thu nhận dữ liệu bằng hình ảnh cho phép hệ thống có khả năng phát hiện và đo đạc chính xác khoảng cách cũng như tốc độ tương đối giữa xe và các chướng ngại vật phía trước, từ đó hỗ trợ người lái một cách hiệu quả trong các tình huống thực tế ở cả dải tốc độ thấp và cao.
Trong đó, hệ thống phanh tự động được coi là “thương hiệu” của EyeSight. Khi hệ thống phát hiện nguy cơ va chạm tiềm ẩn, EyeSight sẽ lập tức cảnh báo người lái bằng âm thanh và đèn chớp. Nếu không nhận ra phản ứng từ người lái, hệ thống sẽ tự động phanh để giảm thiểu khả năng va chạm. Thậm chí, trong trường hợp người lái tác động lực phanh không đủ mạnh, EyeSight sẽ bù thêm lực phanh cần thiết.
Và Subaru cũng rất tự hào khi công bố sự thành công của hệ thống EyeSight của mình bằng một số liệu rất ấn tượng. EyeSight đã giúp giảm 61% số vụ va chạm trước (so với những xe Subaru không có EyeSight). Kết quả này chính là “trái ngọt” cho quá trình phát triển hàng thập kỉ của hãng từ năm 1989 để có thể chính thức ứng dụng và giới thiệu cho khách hàng vào năm 2018.
Cuối cùng trong 4 công nghệ “đỉnh cao” làm nên thương hiệu Subaru ngày nay là Hệ khung gầm toàn cầu Subaru Global Platform.
Ra mắt từ năm 2017 trên mẫu Impreza, hệ khung gầm mới giúp cải thiện sự thoải mái, thân xe hạn chế rung lắc ở dải tốc độ cao và xe vận hành yên tĩnh hơn. Bên cạnh đó, bằng cách kết hợp thép cường độ cao vào hệ khung xe, các mẫu xe mới của Subaru sẽ có độ cứng vững cao hơn giúp tăng khả năng bảo vệ hành khách. Cũng nhờ phát triển trên hệ khung gầm này, Subaru Forester mới có độ cứng chịu xoắn cao hơn 40%, độ rung thân xe ít hơn 50% so với hệ khung cũ.
Kể từ khi được chính thức giới thiệu, Subaru Forester thế hệ thứ 5 đã nhanh chóng phổ biến với các khách hàng yêu thích dòng xe SUV tại Việt Nam. Forester ngoài được trang bị đầy đủ 4 công nghệ đỉnh cao kể trên còn là chiếc SUV có giá cực kỳ cạnh tranh khi được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan. Subaru Forester hiện có giá từ chỉ khoảng 1 tỷ đồng, cùng chính sách bảo hành 5 năm hoặc 100.000km, trở thành mẫu xe gia đình cực kỳ lý tưởng, đáp ứng mọi nhu cầu di chuyển.
Theo Đình Quý (VietNamNet)