Những ngày vừa qua, VOV Giao thông liên tục nhận được thông tin phản ánh về tình trạng xe ô tô chẹt phải đinh trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Dù chưa thể xác định đinh trên mặt đường cao tốc là do có kẻ cố ý hay do vô tình rơi vãi, nhưng tình trạng này có thể gây ra những tai nạn chết người, và cần phải có người chịu trách nhiệm.
Rất may mắn khi chưa có vụ tai nạn nghiêm trọng nào xảy ra khi hàng trăm vụ chẹt phải đinh trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được ghi nhận trong thời gian qua. Tuy nhiên, nguy cơ tai nạn chết người vẫn luôn ở đó, khi mà trên con đường cao tốc được thiết kế với vận tốc tối đa lên tới 120km/h, những chiếc xe có thể vướng đinh và xịt lôp bất cứ lúc nào.
Việc nghi ngờ có những kẻ vô lương tâm đứng sau hiện tượng rải đinh này là có cơ sở khi những người làm dịch vụ cứu hộ xe vướng đinh trên cao tốc hưởng lợi rõ ràng. Một ca xe cứu hộ về trạm dừng nghỉ có giá từ 1 triệu đến 2 triệu đồng tùy vị trí, một miếng vá từ 400 ngàn đến 600 ngàn tùy tình trạng.
Và nếu cơ quan công an chứng minh được ai đó đứng sau hành vi rải đinh trên cao tốc, tôi nghĩ kẻ đó xứng đáng bị truy tố với tội danh âm mưu giết người chứ không chỉ là một chế tài xử phạt hành chính. Họ không chỉ là những kẻ phá hoại thông thường, họ là những kẻ sát nhân trên cao tốc.
Việc điều tra loại tội phạm sát nhân cao tốc này có khó không? Tôi nghĩ là không. Cái khó ở đây là nhận thức của các cơ quan bảo đảm an toàn giao thông. Khi các cơ quan này vẫn coi hành vi rải đinh trên cao tốc chỉ là loại tội phạm phá hoại tài sản để trục lợi thì mức độ cấp thiết của việc ngăn chặn nó còn chưa được đề cao.
Chỉ khi nhận thức đầy đủ đây là hành vi âm mưu giết người do hậu quả mà nó có thể mang lại thì việc đấu tranh với đinh tặc mới thực sự hiệu quả.
Mặt khác, cho dù sự xuất hiện của những chiếc đinh trên đường cao tốc có thể là vô tình, những chiếc đinh đó là những vật thể rơi rớt trong quá trình vận chuyển thì sao? Tôi nghĩ, những người lái xe trên cao tốc cũng không đáng phải chịu đựng sự rủi ro chết người do vấp đinh.
Họ trả tiền phí đầu tư vận hành cao tốc để được hưởng một hành trình an toàn, thuận lợi. Và quyền lợi của họ cần phải được đáp ứng, được đảm bảo bởi đơn vị cung cấp dịch vụ đường cao tốc.
Các đơn vị quản lý vận hành đường cao tốc có thể đảm bảo được điều đó hay không? Nếu phải đối diện với trách nhiệm pháp lý, tôi tin các vụ đó không phải quá khó khăn.
Các tuyến đường cao tốc, ví dụ như cao tốc Hà Nội – Hải Phòng có hành lang an toàn, có rào chắn, có hệ thống camera giám sát để dễ dàng phát hiện những hành vi nguy hiểm. Một phương tiện hút đinh, hút rác không phải khoản đầu tư quá lớn. Một ca vận hành sáng sớm, một ca vận hành tối muộn có thể hút sạch đinh, hay các vật thể nguy hiểm suốt tuyến đường.
Đinh trên cao tốc, những kẻ sát nhân nhỏ bé trên cao tốc không khó để ngăn chặn, vấn đề chỉ là người ta có muốn ngăn chặn nó, có đủ động lực để hành động, và có đủ sự quan tâm đến tính mạng của những người sử dụng dịch vụ mà họ đang cung cấp hay không?
Theo Phạm Trung Tuyến (VOV.vn)