Giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 103/2021/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo đó, từ ngày 1/12/2021 đến hết 31/5/2022, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 20/2019 ngày 21/2/2019 (Nghị định 20) của Chính phủ.
Từ 1/6/2022, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 20.
Với các thành phố lớn mức phí trước bạ đối với ô tô con là 12%, các địa phương khác là 10%. Nếu theo quy định mới, ô tô con lắp ráp trong nước sẽ được giảm còn 6% ở các thành phố lớn và 5% ở các địa phương khác.
Theo Bộ Tài chính, việc giảm 50% thuế lệ phí trước bạ sẽ hỗ trợ các nhà sản xuất, nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, cũng như nối lại chuỗi cung ứng, gia tăng sản xuất.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước sẽ khiến giảm số thu lệ phí trước bạ. Song về tổng thể, tổng số thu ngân sách từ lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng sẽ tăng lên do lượng xe tiêu thụ tăng mạnh.
Nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi lên 125 triệu đồng
Theo Quyết định 32/2021/QĐ-TTg quy định về hạn mức trả tiền bảo hiểm của tổ chức bảo hiểm tiền gửi đối với người được bảo hiểm tiền gửi, số tiền tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng. Trước đó, theo Quyết định 21/2017/QĐ-TTg, hạn mức trả tiền bảo hiểm tối đa là 75 triệu đồng. Như vậy, so với mức 75 triệu đồng kéo dài từ năm 2017, hạn mức bảo hiểm tiền gửi đã tăng thêm 50 triệu đồng.
Đồng thời, theo quyết định mới, đối với các khoản tiền gửi đã phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm nhưng chưa được chi trả theo quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi trước ngày quyết định này có hiệu lực thi hành, hạn mức trả tiền bảo hiểm thực hiện theo quy định tại Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/6/2017.
Quyết định 32 có hiệu lực từ ngày 12/12/2021, thay thế Quyết định số 21 ngày 15/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Một số mức phí mới trong lĩnh vực thủy sản
Ngày 2/11/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 94/2021/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đăng kiểm an toàn kỹ thuật tàu cá, kiểm định trang thiết bị nghề cá; phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản; phí thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thủy sản; lệ phí cấp giấy phép khai thác, hoạt động thủy sản có hiệu lực từ 17/12/2021.
Theo đó, bổ sung thêm phí thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thủy sản (thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đăng kiểm tàu cá) là 12,45 triệu đồng/lần; kiểm tra phần thân vỏ tàu tính theo dung tích: 3.500 đồng/GT; kiểm tra phần máy tàu (Tổng công suất máy chính máy phụ ): 2.720 đồng/KW; thiết bị hàng hải: 105.000 đồng/lần/hệ thống; thiết bị vô tuyến điện: 131.000 đồng/lần/hệ thống; phương tiện tín hiệu: 41.000 đồng/lần/hệ thống; phương tiện cứu sinh: 105.000 đồng/lần/hệ thống; trang thiết bị nghề cá: 140.000 đồng/lần/hệ thống;...
Bên cạnh đó, Thông tư 94/2021 cũng quy định về việc quản lý phí, lệ phí. Cụ thể, tổ chức thu phí là đơn vị sự nghiệp công lập được giữ lại 90% số tiền phí thu được và nộp 10% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.
Thay đổi quy định về kỳ xét ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô
Nghị định 101/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 57/2020/NĐ-CP về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu, ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan sẽ có hiệu lực từ ngày 31/12/2021.
Đáng chú ý, nghị định này cho phép doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô sử dụng nhiên liệu xăng, dầu được phép lựa chọn kỳ xét ưu đãi thuế 6 tháng hoặc 12 tháng.
Theo đó, kỳ xét ưu đãi thuế 06 tháng tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 30 tháng 6 hoặc từ ngày 01 tháng 7 đến ngày 31 tháng 12 hằng năm. Trường hợp doanh nghiệp lựa chọn kỳ xét ưu đãi thuế 06 tháng, đã được xử lý tiền thuế nộp thừa đối trong kỳ 06 tháng đầu năm và 06 tháng cuối năm không đạt điều kiện sản lượng theo quy định nhưng tổng sản lượng của cả năm đáp ứng điều kiện về sản lượng của kỳ xét ưu đãi thuế 12 tháng thì vẫn được xét ưu đãi thuế cho kỳ 06 tháng cuối năm. Doanh nghiệp được xử lý số thuế nộp thừa đối với số linh kiện đã sử dụng trong kỳ nếu đáp ứng quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 7a Nghị định 125/2017/NĐ-CP .
Còn kỳ xét ưu đãi thuế 12 tháng tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 hàng năm.
Nghị định 57/2020/NĐ-CP hiện hành chỉ quy định về kỳ xét ưu đãi thuế 06 tháng tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 30 tháng 6 hoặc từ ngày 01 tháng 7 đến ngày 31 tháng 12 hàng năm.
Được để lại 70% số tiền phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản
Thông tư 191/2016/TT-BTC hiện hành quy định, các tổ chức này được để lại 90% phí thu được và nộp 10% vào ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, theo nội dung được quy định tại Thông tư 91/2021/TT-BTC sửa đổi Thông tư 191/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản và lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, tổ chức thu phí thẩm định, đánh giá trữ lượng khoáng sản và lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản được để lại 70% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí và nộp 30% vào ngân sách nhà nước.
Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước không thuộc diện được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định thì phải nộp 100% tiền phí thu được vào NSNN.
Ngoài ra, tổ chức thu phí, lệ phí thực hiện kê khai, theo tháng, quyết toán năm theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định 126/2020/NĐ-CP.
Thông tư 91/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/12/2021.
Theo Hạnh Nguyên (VietNamNet)