Hàng triệu người sẽ bị ảnh hưởng
Theo Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, trong tổng số 17 hạng giấy phép lái xe (GPLX) có 13 hạng có thời hạn và 4 hạng không thời hạn. Trong đó, điều gây tranh cãi nhất liên quan đến GPLX của xe máy – loại phương tiện thông dụng và chiếm số lượng lớn nhất nước ta hiện nay.
Đối với GPLX hạng A1, theo quy định hiện hành, người có GPLX hạng A1 được điều khiển xe có dung tích xi-lanh từ trên 50cc đến dưới 175cc.
Với dự thảo Luật GTĐB sửa đổi, chỉ cho phép người có GPLX hạng A1 được điều khiển xe có dung tích xi-lanh đến 125cc và động cơ điện có công suất từ 4 đến 11kW.
Quy định này khiến nhiều người băn khoăn khi các loại xe có dung tích xi-lanh từ 125cc – 175cc hiện nay tại Việt Nam khá thông dụng, số lượng có thể lên tới cả trăm ngàn chiếc. Có thể kể tên một số loại xe như Honda SH 150cc, Airblade 150cc, Honda Winner 135cc, Yamaha Exciter 135&150 cc, Yamaha Nouvo 135cc hay NVX 155cc,…
Những người đang sở hữu các loại xe này buộc phải chuyển hạng GPLX.
Anh Dương Ngọc Duy (34 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, anh có GPLX hạng A1 đã 15 năm nay và đang sử dụng xe máy 150cc làm phương tiện di chuyển chính.
“Tôi có đọc thông tin về dự thảo Luật, trong đó có quy định về GPLX A1. Như vậy có nghĩa là tôi phải đi làm thêm một bằng lái nữa mới được sử dụng chiếc xe của mình”, anh Duy chia sẻ.
Anh Duy lấy ví dụ như điều khiển một chiếc Honda SH 125 (124,9cc) với chiếc SH 150 không khác gì nhau nhưng lại phải sử dụng 2 loại GPLX khác nhau. Bản thân những chiếc xe trên và dưới 125cc tốc độ cũng không hơn nhau quá nhiều, nhất là đi trong đô thị.
“Theo tôi, nên giữ quy định như hiện nay sẽ hợp lý hơn. Đồng thời, tránh phiền hà, giảm chi phí và thời gian cho người dân”, anh Duy bày tỏ quan điểm.
Không chỉ xe 2 bánh, Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi còn đưa ra những quy định đối với xe ô tô. Một trong những đề xuất này là quy định người có GPLX hạng B1 không còn được điều khiển ô tô mà chỉ được lái xe mô tô 3 bánh hoặc các loại xe quy định cho GPLX hạng A0, A1.
Còn GPLX hạng B2 cũng được điều chỉnh là chỉ cấp cho người điều khiển xe số tự động. Nếu muốn được điều khiển thêm ô tô số sàn cho cùng hạng B2 sẽ phải chuyển đổi sang GPLX hạng B.
Đây chỉ là một vài trong số hàng chục những thay đổi chỉ riêng về GPLX trong dự thảo Luật. Nếu dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi được thông qua, ước tính sẽ có hàng triệu người dân bị ảnh hưởng.
Tổng cục Đường bộ: Thay đổi để phù hợp theo chuẩn quốc tế?
Trao đổi phóng viên báo VietNamNet, ông Lương Duyên Thống - Vụ trưởng Vụ quản lý Phương tiện và Người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, việc phân hạng theo dự thảo Luật Giao thông Đường bộ sửa đổi đảm bảo thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam đã ký kết khi tham gia Công ước về giao thông đường bộ năm 2015.
Cụ thể Khoản 1 Điều 43 của Công ước quy định sau 5 năm tham gia, giấy phép lái xe Quốc gia phải phù hợp với phụ lục 6 của Công ước (Quy định cụ thể về GPLX Quốc gia).
Theo ông Thống, việc phân hạng phù hợp chuẩn quốc tế, tạo điều kiện cho việc công nhận GPLX của Việt Nam và quốc tế theo nguyên tắc ngoại giao có đi, có lại; tạo điều kiện sử dụng GPLX của Việt Nam ở nước ngoài và GPLX nước ngoài tại Việt Nam.
Theo giải thích của ông Thống, đối với người đã được cấp GPLX thì sẽ tiếp tục sử dụng cho đến khi hết thời hạn sử dụng ghi trên GPLX (GPLX hạng A1, A2, A3 không thời hạn).
Trường hợp hết hạn thì đổi sang GPLX theo hạng mới tương ứng (GPLX hạng A3 được đổi sang GPLX hạng B1, GPLX hạng B1 số tự động được đổi sang GPLX hạng B2, GPLX hạng B1, B2 số sàn được đổi sang GPLX hạng B …).
Còn đối với người được cấp GPLX mới hoặc cấp đổi GPLX sẽ được phân chia lại theo hạng GPLX mới. Ông Thống khẳng định: “Việc điều chỉnh phân hạng GPLX không ảnh hưởng và phát sinh thủ tục và chi phí cho người dân”.
Các chuyên gia giao thông cho rằng, nếu như bản dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi được chấp nhận sẽ tạo ra sự lẫn lộn rất lớn giữa các loại GPLX.
Đơn cử như hạng A1, lúc đó sẽ có 2 loại GPLX hạng A1 là loại cũ (không có thời hạn) và loại A1 mới nhưng giá trị sử dụng lại khác hẳn nhau.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Hữu Đức nhận định, cách phân hạng GPLX như trong bản dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi sẽ gây khó khăn cho cả người dân lẫn các đơn vị quản lý về sau.
“Ở nhiều nước trên thế giới cũng thực hiện việc phân hạng GPLX nhưng không chia nhỏ ra làm quá nhiều hạng như thế này", chuyên gia giao thông Nguyễn Hữu Đức nói.
Nêu ý kiến về vấn đề này, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng, trước nay GPLX có 12 hạng đã rất hợp lý, không cần phải chia nhỏ thành 17 hạng.
“Trước đây cùng một bằng lái tôi được điều khiển xe từ 50cc đến 175cc. Giờ bắt tôi thi thêm một bằng lái nữa thì giải quyết được vấn đề gì hay lại sinh ra tốn kém” – ông Thanh nói.
Chuyên gia Nguyễn Văn Thanh cho biết, cơ quan soạn thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi phải đưa ra lời giải thích thỏa đáng và thuyết phục để người dân hiểu, từ đó có sự đồng thuận, chấp nhận, nếu thực hiện luật theo kiểu cưỡng bức thì sẽ sinh ra nhiều phiền hà và tiêu cực.
Theo Hoàng Hiệp (VietNamNet)