Tùy theo loại dung dịch trên xe máy lẫn ôtô thì nước làm mát có thu kì thay thế khoảng 20-30.000 km với xe máy và lên tới 50.000km với ô tô.
Nước làm mát là gì?
Nước làm mát là 1 loại dung dịch luân chuyển theo các đường nước trong động đóng vai trò là cầu nối trung chuyển nhiệt lượng từ thân động cơ ra két làm mát. Và thành phần chính gồm nước cất và dung dịch ethylene glycol cùng các chất phụ gia hỗ trợ như chống bay hơi, đóng cặn, ăn mòn.
Trên thị trường có rất nhiều loại nước làm mát từ các thương hiệu khác nhau nhưng được chia làm ba loại chính là:
Nước làm mát màu xanh: là loại nước làm mát thông dụng, không cần pha với nước cất mà chỉ cần đổ trực tiếp và được đề nghị thay mới sau mỗi 2 năm sử dụng hoặc sau 20.000km.
Nước làm mát màu đỏ (LLC): cần được pha trộn với nước cất tỉ lệ 50:50. Với loại nước này lần đầu sử dụng được tới 80.000km và các lần tiếp theo theo chu kì 40.000km.
Nước làm mát màu hồng (SLLC): thường có độ bền cao, không cần pha với nước cất, có thể duy trì hiệu quả đến 160.000km cho lần đầu và chu kì 80.000km cho các lần thay tiếp theo.
Có thể trộn nước máy vào két nước?
Nước lọc hay các loại nước sinh hoạt hằng ngày đều chứa các hợp chất như cặn đá vôi, kim loại,.. do đó khi đổ vào két nước và hoạt động ở nhiệt độ cao sẽ sinh ra các phản ứng hóa học tạo cặn ở két nước giảm hiệu năng làm mát của hệ thống.
Nếu trong trường hợp khẩn cấp mà không có dung dịch làm mát thì có thể sử dụng nước tinh khiếp đóng chai châm thêm vào nhưng sau đó cần phải vệ sinh và thay lại toàn bộ dung dịch làm mát.
Làm gì khi xe báo quá nhiệt?
Nếu xe đang chạy hiển thị đèn quá nhiệt cần dừng lại càng nhanh càng tốt và kiểm tra lại mức nước mát ở bình nước phụ. Nếu thiếu cần phải châm thêm. Tuyệt đối không mở nắp két nước khi xe đang hoạt động chỉ châm thêm và kiểm tra thông qua bình nước phụ.
Kiểm tra lại nhớt máy, thông thường máy nóng lên đột ngột do thiếu nhớt. Vào mùa hè, xe sẽ hao dầu hơn mức bình thường.
Xem lại điều kiện vận hành chở quá nặng, dừng xe liên tục, hay mở máy lạnh và các chức năng phụ tải khác làm xe hoạt động quá mức làm xe nóng hơn bình thường. Nhưng nếu xe vẫn báo quá nhiệt và cảm thấy nóng hơn thì nên gọi cứu hộ, sữa chữa kịp thời.
Bao lâu cần thay nước mát?
Theo các khuyến nghĩ của các hãng xe, trung bình khoảng 20-30.000km với xe máy và 40-50.000 km với ô tô, tài xế nên thay nước mát để đảm bảo hiệu quả khả năng tản nhiệt. Với các xe lần đầu thay có thể để lâu hơn mức 50.000km mới thay, nhưng những lần tiếp theo nên đều đặn theo tần suất này.
Luôn đảm bảo mực nước làm mát nằm giữa 2 vạch là Lower và Upper. Nếu mức nước nằm giữa hai vạch có nghĩa không cần phải xử lý thêm. Nhưng nếu nước dưới vạch Lower, đó là lúc cần bổ sung thêm nước làm mát.
Tuy nhiên, với khi hậu ở Việt Nam vào mùa hè, tài xế cần kỹ lưỡng, thường xuyên kiểm tra mực nước làm mát trong bình phụ cũng như dầu nhớt máy. Nếu thấy hao hụt thường xuyên cần kiểm tra lại đường ống và két nước để có các biện pháp xử lý kịp thời.
Những lưu ý khác
Không sử dụng các dung dịch làm mát khác nhau, trường hợp châm thêm các sử dụng lại loại nước mát đã dùng trước đó. Nếu muốn đổi loại dung dịch làm mát khác, cần xả sạch dung dịch cũ và vệ sinh lại hệ thống két nước trước khi sử dụng loại mới.
Tuyệt đối không dùng nước máy, nước lã, nước đóng chai... để thay thế thế nước làm mát. Nên kiểm tra dung dịch làm mát thường xuyên phòng ngừa trường hợp nước làm mát thấp hơn mức cho phép, tránh được những tổn thất cho động cơ.
Tùy theo điều kiện vận hành, kinh tế mà bạn cần lựa loại nước mát phù hợp cho xe mình. Ví dụ sử dụng ở nội đô ít khi đi xa thì nước màu xanh sẽ là lựa chọn lý tưởng. Còn nếu thường xuyên di chuyển hành trình dài hay thường đi đèo dốc thì nên sử dụng nước mát màu đỏ cho hiệu quả tốt nhất. Trên thị trường có rất nhiều thương hiệu thông dụng như Liqui Moly, Motul, …
Trên đây là các lưu ý trong quá trình sử dụng nước làm mát. Hy vọng rằng những thông tin trên sẽ giúp ích các bác Tài trong quá trình bảo dưỡng xe.
Theo Phong Vũ (Cafeauto.vn)