Anh Bùi Văn Vĩnh (khu đô thị Xa La, Phúc La, Hà Đông) từng gặp sự cố nhớ đời với chiếc xe bốn chỗ đã sử dụng được gần chục năm kể: “Nửa tháng trước tôi chở gia đình từ Hà Nội vào Thanh Hóa. Đi được vài chục cây số đột nhiên phanh bị trượt, đạp sát sạt mới ăn, khiến xe tôi suýt húc vào xe phía trước. Giữa đường, lại ban đêm nên tôi không còn cách nào khác phải đến chỗ sửa xe, đi rà rà, dùng số và phanh tay để dừng xe. May mà không bị tai nạn”.
Anh Trần Đức Tín (lái xe cho một đại lý vật liệu xây dựng ở đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) kể, cách đây vài tháng xe bị hỏng giữa đường do “chết” ắc-quy chỉ vì thói quen không bảo dưỡng theo định kỳ.
Anh cũng cho biết, thói quen của anh em lái xe trong công ty cũng vậy, cứ nhận xe là đi, ít khi kiểm tra các chi tiết như: phanh, đèn, lốp… Chỉ khi nào có cảm giác xe bị hỏng anh em mới báo cho công ty sửa.
Đây cũng là thực tế chung, bởi theo một số thợ sửa xe tại các trạm bảo dưỡng, gara xe, trừ những xe mới mua mang đi kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên, còn các xe đã qua vài năm sử dụng, chủ yếu được mang đi sửa khi chủ xe phát hiện nghi vấn có hỏng hóc gì đó.
Thợ sửa xe tên Khánh của gara Đức Trung trên đường 70 ( quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, các xe cũ ít khi mang đi kiểm tra, bảo dưỡng theo khuyến cáo của nhà sản xuất về số kilomet đã đi, mà chỉ sửa khi đã xảy ra hỏng hóc, có chi tiết buộc phải thay thế. Có xe bị hỏng dọc đường cũng do chủ xe, lái xe không kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên.
Chưa có nghiên cứu, thống kê hay điều tra xã hội học nào liên quan đến vấn đề phương tiện không được chăm sóc, bão dưỡng định kỳ, nhưng thực tế đã xảy ra những vụ tai nạn do xe hỏng giữa đường. Một số diễn đàn mạng cũng chia sẻ nguy cơ tai nạn (nhất là mất phanh) đến từ việc xe không được bảo dưỡng thường xuyên, định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Ngoài ra, tra cứu trên mạng Internet có thể thấy thông tin về hàng chục vụ xe ôtô bị hỏng giữa đường phải dừng lại để sửa chữa và bị xe đi sau đâm vào gây thiệt mạng về người, gây ùn tắc giao thông…
Ông Lê Hồ Tuấn, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-04V cho biết, các nhà sản xuất, đại lý xe ôtô đều trang bị tài liệu hướng dẫn, khuyến cáo chủ, người sử dụng phương tiện về việc bảo dưỡng xe, từ những việc thông thường nhất như: Thay dầu định kỳ, lọc gió đến bảo dưỡng toàn bộ.
Theo ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc trung tâm đăng kiểm 29-02V, những trường hợp hỏng giữa đường có thể như lốp mòn, hệ thống nhiên liệu không đảm bảo, ắc-quy hết điện, phanh sử dụng thời gian lâu ngày xảy ra hiện tượng mòn đinh tán, đĩa chống ma sát hoặc dầu phanh rò rỉ… Việc xe hỏng hóc, gặp sự cố trên đường do những nguyên nhân không được bảo dưỡng định kỳ, bên cạnh gây phiền toái cho chủ xe, lái xe còn nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông.
Để bảo đảm an toàn trong quá trình vận hành phương tiện, pháp luật quy định đơn vị vận tải, chủ xe, lái xe có trách nhiệm kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên trước và sau chuyến đi hoặc sau mỗi ngày hoạt động để nắm chắc tình trạng kỹ thuật của xe cơ giới. Kịp thời phát hiện, khắc phục các hư hỏng, đảm bảo cho xe cơ giới hoạt động an toàn, ổn định.
Những hệ thống cần được bảo dưỡng thường xuyên
Ngoài những hạng mục kiểm tra định kỳ, còn có những những bộ phận, hệ thống trên xe cần kiểm tra thường xuyên hoặc kiểm tra mỗi khi sử dụng xe để đảm bảo chiếc xe luôn trong tình trạng tốt nhất gồm: Hệ thống phanh, hệ thống lái, hệ thống treo, hệ thống chiếu sáng, đèn cảnh báo táp lô, lốp xe, ắc quy,...
Kiểm tra hệ thống lái: kiểm tra tình trạng đánh lái nhẹ nhàng, ổn định khi lái xe.
Kiểm tra dầu trợ lực và độ nhạy, độ êm dịu của tay lái thường xuyên.
Kiểm tra hệ thống treo: Kiểm tra tình trạng giảm chấn (phuộc), lò xo, cao su… được lắp ráp chắc chắn, không rơi lỏng.
Kiểm tra phuộc, lò xo, cao su của hệ thống treo.
Kiểm tra hệ thống chiếu sáng: Kiểm tra bằng cách bật công tắc điều khiển đèn chiếu sáng và đèn tín hiệu trên xe của bạn và kiểm tra bằng mắt xem tất cả các đèn đều hoạt động bình thường hay không.
Kiểm tra các đèn cảnh báo trên đồng hồ táp lô: Khi bật công tắc máy, tất cả các đèn báo phải sáng hết sau đó 30-60 giây, các đèn sẽ tắt từ từ tùy theo đèn của hệ thống nào và khi nổ máy thì tất cả các đèn cảnh báo này phải tắt hết. Nếu còn đèn báo của hệ thống nào sáng, chứng tỏ hệ thống đó trên xe gặp trục trặc.
Theo An Dương (VietQ)