Đầu tháng 10, thị trường ô tô rúng động với thông tin hãng xe Nissan tuyên bố dừng sản xuất ô tô phục vụ thị trường Nhật Bản, đồng thời thu hồi khoảng 1,2 triệu xe được sản xuất và tiêu thụ tại đây trong giai đoạn 2014-2017 sau khi cơ quan chức năng phát hiện công đoạn kiểm tra được thực hiện bởi các kỹ thuật viên không đủ thẩm quyền.
Ngoài ra, khoảng 34.000 xe được sản xuất từ 20/9 tới 18/10 khác của hãng này cũng sẽ phải kiểm tra lại, trong đó 4.000 chiếc đã được bán cho khách hàng và có thể sẽ phải bị thu hồi.
Điều đáng nói, những sai sót trong quá trình kiểm tra an toàn trước khi xuất xưởng của hãng Nissan đã diễn ra từ rất lâu. Mới đây, hãng tin Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết, Nissan Motor đã dính lỗi kiểm tra kỹ thuật sai quy định ít nhất là từ năm 1979. Bộ phận sản xuất của Nissan sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về lỗi lầm này.
Gần đây, ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản dính nhiều bê bối dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về tài sản cũng như ảnh hưởng đến uy tín.
Tương tự với hãng Nissan Motor, hãng xe Subaru đang gặp rắc rối khi đã cho phép các công nhân chưa đủ tiêu chuẩn thực hiện công đoạn kiểm tra xe trước khi xuất xưởng. Hãng tin Bloomberg ngày 27/10 dẫn một nguồn tin cho biết, một cuộc điều tra nội bộ cho thấy các công nhân đang đào tạo để cấp chứng nhận tham gia vào các cuộc kiểm tra tại khu phức hợp nhà máy chính của Subaru ở tỉnh Gunma.
Trong khi đó, đầu tháng này, hãng thép lớn thứ ba của Nhật, Kobe Steel, thừa nhận đã làm giả dữ liệu về độ bền chắc của vật liệu nhôm và đồng do hãng sản xuất, khiến các nhà sản xuất không chỉ ô tô mà cả máy bay và tàu lửa cao tốc phải kiểm tra các vấn đề an toàn.
Trước đó, hãng sản xuất túi khí Takata phải nộp đơn xin phá sản sau khi rơi vào một trong những cuộc khủng hoảng triệu hồi sản phẩm tai tiếng nhất trên thế giới. Chất lượng túi khí không đảm bảo của Takata được cho là có liên quan đến cái chết của 17 người trong các vụ tai nạn xe hơi trên toàn cầu.
Theo Anh Tuấn (VietNamNet)