Thị trường ô tô Việt Nam từng có thời điểm các hãng xe đua nhau tăng thêm option trên ô tô cả nhập khẩu lẫn lắp ráp, tuy nhiên, xu hướng gần đây là lại trở về cuộc chiến hạ giá. Vì thế, một số trang bị hay công nghệ an toàn trươc đây coi là “sang chảnh” thì nay được ưu tiên cắt bỏ để hạ giá thành và còn vì chẳng mấy khi dùng đến ở Việt Nam. Thậm chí, với nhiều người, một số tính năng gần như rất ít sử dụng.
Cửa sổ trời
Cửa sổ trời là cách nói ví von về khoảng trống trên trần xe có thể mở ra bằng điều khiển điện để người bên trong lấy gió từ bên ngoài hoặc quan sát bầu trời với góc nhìn thực. Trang bị này trở thành “mốt” được nhiều người Việt “ao ước” trong những năm gần đây, khi làn sóng xe Hàn “full option” ùa vào.
Thế nhưng cửa sổ trời sau nhiều năm tồn tại và “thực chiến” ở Việt Nam dần trở thành trang bị ít người quan tâm.
Lý do được đưa ra bởi thời tiết ở nước ta không hề đem lại cảm giác tận hưởng như nhiều người vẫn nghĩ về trang bị này. Mùa hè thì oi bức, mưa nhiều, riêng miền Bắc có thêm mùa đông lạnh khô hanh, mùa nồm ẩm ướt trong khi thực trang giao thông lộn xộn và bụi bặm ở các đô thị lớn gần như triệt tiêu mọi ham muốn mở cửa sổ trời.
Thậm chí, chưa kịp thưởng thức sự hữu dụng vốn thấy trong quảng cáo về cửa sổ trời, một số chủ xe đã gặp rắc rối như cảm thấy ồn hơn khi mưa, hoặc nước mưa thường gây đọng, tắc đường thoát do khe hở bám nhiều bụi bẩn. Thậm chí đã có trường hợp vỡ kính cửa sổ trời do vật cứng rơi vào hoặc tự nhiên nứt vỡ…
Dù ít người đánh giá cao tiện ích nhưng trang bị cửa sổ trời hiện vẫn nằm trong lựa chọn ở các phiên bản cao cấp trên ô tô như một cách để phân biệt với bản tiêu chuẩn.
Đàm thoại không dây
Đàm thoại không dây với phím bấm biểu tượng miệng người đang nói trang bị trên vô-lăng đã quá quen thuộc với người dùng ô tô bởi gần như các dòng xe số tự động hoặc một vài phiên bản xe số sàn đã có sẵn tính năng này. Khi được kết nối với điện thoại qua bluetooth, người dùng có thể vừa lái xe vẫn có thể gọi điện.
Tuy nhiên, khi dùng tính năng đàm thoại không dây thì âm thanh sẽ phát ra trên bộ loa ngoài trang bị trên xe. Điều này gần như mất đi sự riêng tư nếu trên xe còn nhiều người khác.
Với người Việt, ô tô gần như chưa phải là phương tiện cá nhân theo đúng nghĩa mà thường dùng đi chung cả gia đình hoặc tham gia kinh doanh vận chuyển hành khách, nên để kín đáo, gần như người lái vẫn có thói quen dùng tai nghe hoặc sử dụng điện thoại cá nhân (dù đã cấm) thay vì dùng nút bấm đàm thoại không dây.
Cruise Control
Đây là tính năng hay được nhắc đến với tên gọi là “điều khiển hành trình” hoặc “ga tự động”. Đúng như tên gọi khi dịch ra tiếng Việt, tính năng này dùng để tài xế tự áp đặt duy trì tốc độ cho xe mà không cần phải giữ chân ga, hoàn toàn rảnh chân. Đây cũng được coi là trang bị “xịn sò” bởi không phải xe phổ thông nào cũng có.
Tuy nhiên tại Việt Nam, số tài xế biết hoặc sử dụng thường xuyên tính năng này không nhiều. Theo anh Trịnh Đức Quân (Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội), bản thân anh đã biết đến tính năng Cruise Control cách đây 10 năm khi mua chiếc Renault Koleos, nhưng phải đến 1 năm sau thời điểm mua anh mới mày mò dùng vì cài đặt khá phức tạp.
“Cách đây 10 năm, đường cao tốc ở Việt Nam còn ít nên tính năng ga tự động không có đất dụng võ, bây giờ nhiều hơn nên tôi cũng hay dùng. Nhưng phải nói thật là với cách di chuyển làn lộn xộn như ở Việt Nam thì dùng tính năng này cũng không thoải mái lắm, đầu óc có khi còn căng thẳng hơn lúc dùng chân ga”, anh Quân chia sẻ.
Sấy kính
Nếu khảo sát những phím bấm trên ô tô còn như mới sau nhiều năm sử dụng, thì chắc hẳn phải kể đến tổ hợp phím sấy kính. Đây là tính năng không thuộc hàng cao cấp, thậm chí phổ biến ngay cả trên dòng xe bình dân, giá rẻ.
Khi kích hoạt phím bấm này, trên bề mặt kính lái (hoặc kính sau) sẽ tăng dần nhiệt độ do lưới điện tạo ra trong khoảng thời gian từ 10 đến 15 phút, nhờ đó nếu bề mặt kính đọng hơi nước bị mờ sẽ dần được cải thiện.
Tuy nhiên, vì phải đợi khá lâu nên đa số tài xế vẫn áp dụng cách phổ biến và nhanh nhất là bật điều hòa, do đó tính năng sấy kính ít được để tâm. Thậm chí theo thời gian, lưới điện làm nóng mặt kính bị phá vỡ do trầy xước hay mất kết nối công tắc điện dẫn đến tính năng này biến mất nhưng vì ít sử dụng nên nhiều tài xế không biết để sửa.
Thanh giá nóc
Trên các dòng xe SUV hoặc Crossover, rất nhiều hãng xe áp dụng trang bị tranh giá nóc có sẵn như một tiện ích giúp người dùng có thể tận dụng để lắp thêm một số đồ chơi phục vụ việc đi chơi, dã ngoại như giá để đồ, bộ kẹp xe đạp, chở thuyền kayak…
Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam, trang bị thanh giá nóc thường được coi là vật…trang trí thay vì dùng đúng công năng của nó. Nhiều tài xế e ngại việc bị xử phạt theo Nghị định 71 sửa đổi, có quy định ở Khoản E, Điều 26 với hành vi chở hành lý, hàng hóa vượt quá tải trọng hoặc kích thước bao ngoài của xe.
Gần đây, phong trào dã ngoại bằng ô tô ở Việt Nam đang trở thành xu hướng, dẫn đến nhu cầu về giá nóc chở hộp đồ, lều tự động gắn trên nóc xe lên cao, nhưng tâm lý e dè vẫn tồn tại trong cộng đồng yêu thích dã ngoại bởi câu chuyện xử phạt hay không vẫn còn gây nhiều tranh cãi ở các địa phương khác nhau.
Chỉnh vô-lăng
Tư thế khi lái xe luôn là bài học được nhiều thày dạy lái cũng như các chương trình đào tạo lái xe an toàn nhắc đến, với mục đích giúp người lái xe có khả năng quan sát cũng như phản xạ tốt nhất.
Trong đó việc chỉnh độ cao thấp của đáy ghế, tựa lưng gần như là việc bắt buộc trước khi cầm lái.Tuy nhiên, rất nhiều người không biết hoặc ít quan tâm đến tính năng chỉnh độ cao thấp của vô-lăng, hoặc xa gần (với xe có thể điều chỉnh).
Chị Hoàng Thu Trang (Ba Đình, Hà Nội) đã lái xe hơn 10 năm nhưng gần đây khi tham dự một khóa đào tạo lái xe an toàn của một đại lý ô tô, chị mới biết vô-lăng có thể chỉnh được.
“Tôi thường chỉ chỉnh ghế sao cho chân đạp phanh và ga thoải mái, không ngờ vô-lăng chiếc xe chạy hàng ngày còn chỉnh được 4 hướng, giúp quan sát đồng hồ cũng như không bị mỏi tay như trước”, chị Trang chia sẻ.
Theo anh Ngô Thắng, giáo viên dạy lái của trường Âu Lạc (Bắc Ninh), do vị trí lẫy gạt nới lỏng để chỉnh vô-lăng thường ở phía dưới nên ít người để ý. Hơn nữa, người lái có thói quen thấy ngồi thoải mái ở phần chân là đủ nên không quan tâm tới vị trí để tay, do đó dần hình thành cách lái sai tư thế nếu không chỉnh cả vô-lăng.
Theo Đình Quý (VietNamNet)