Việt Nam sau khi mở cửa thị trường vào thập niên 90 của thế kỷ trước đã ghi nhận nhiều lĩnh vực thay da, đổi thịt, trong đó có ngành ô tô. Năm 1995, nhiều doanh nghiệp ô tô đã đổ vốn đầu tư vào Việt Nam với nhiều tên tuổi lớn. Tuy nhiên, sức sống của thị trường ô tô Việt Nam thực sự bứt phá kể từ năm 2000 khi Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) ra đời.
Với ban đầu chỉ 11 thành viên và dung lượng thị trường dưới 15.000 xe, đến nay thành viên VAMA đã lên tới con số 19 và thị trường đạt trên 400.000 xe. Tuy nhiên, trong hơn hai thập kỷ phát triển, bên cạnh những hãng xe “ăn nên, làm ra” thì cũng có thương hiệu lận đận, sớm dừng bước vì ế ẩm.
Mekong Auto
Năm 1991 Mekong Auto ra đời, công ty với sự hợp tác liên doanh giữa 3 nước: Hàn Quốc (19%), Việt Nam (30%) và Nhật Bản (51%). Từ năm 1992 bắt đầu lắp ráp xe con mang nhãn hiệu Mekong tại nhà máy Cửu Long (thành phố Hồ Chí Minh), với phụ tùng phần lớn do Ssangyong (Hàn Quốc) cung cấp.
Tính đến năm 1997, sau 6 năm thì Mekong Auto đã bán ra khoảng hơn 30.000 chiếc xe ra thị trường. Các mẫu xe 2 cầu nổi tiếng thời kỳ đó như Passo, Pronto, Star khá có tiếng vì mẫu mã hiện đại, giá hợp lý.
Tuy nhiên, từ năm 1997 thương hiệu Mekong dừng sản xuất vì thiếu nguồn linh kiện sản xuất. Liên doanh này sau đó chuyển sang lắp các thương hiệu Musso và Fiat nhưng dần mờ nhạt theo năm tháng, doanh số giảm bởi sự cạnh tranh mới đến từ Toyota, Mazda, Ford.
Fiat
Thương hiệu Fiat đến từ Ý xuất hiện tại Việt Nam vào năm 1995, được lắp ráp bởi Mekong Auto. Mẫu xe Fiat đầu tiên ra mắt bởi liên doanh này là chiếc sedan cỡ B Siena, rồi tiếp đến xe 7 chỗ Doblo và Albea.
Đến năm 2009, Mekong Auto lần đầu giới thiệu Fiat 500 nhập khẩu với giá bán từ 750 triệu đồng đến 850 triệu đồng, nhưng cũng từ đây thương hiệu Fiat dần mờ nhạt.
Fiat có lượng tiêu thụ “tụt dốc không phanh” và không còn xuất hiện trên bảng thống kê doanh số VAMA kể từ năm 2012. Hiện tại, các mẫu xe trước đây của Fiat lắp tại Việt Nam vẫn còn trên thị trường xe cũ với giá rất rẻ, chỉ từ 30 đến 80 triệu đồng nhưng khó bán vì người dùng rất khó kiếm phụ tùng thay thế.
Daihatsu
Thương hiệu xe Nhật Bản Daihatsu xuất hiện tại Việt Nam sau sự ra đời của liên doanh Vindaco vào năm 1995 với 5 đối tác, trong đó Daihatsu Nhật Bản góp 26%.
Daihatsu nổi tiếng trong nước từ cuối thập niên 90 và đầu thế kỷ 21 với mẫu xe đa dụng Terios và hai mẫu xe thương mại Citivan, Hijet Jumbo. Nếu như Terios từng là mơ ước của bao cánh mày râu thì Citivan xuất hiện rất nhiều trong các trung tâm dạy lái, cũng như là xe vận chuyển đô thị của nhiều công ty.
Đến tháng 6/2007, Vindaco bất ngờ tuyên bố ngừng hoạt động khiến nhiều người ngỡ ngàng. Tuy nhiên, giới phân tích không ngạc nhiên bởi kể từ khi VAMA thành lập vào năm 2000, Vindaco là một trong những thành viên có doanh số bán đi xuống trông thấy, thị phần chiếm chưa tới 2%.
Daewoo
Daewoo là thương hiệu ô tô duy nhất tại Việt Nam lụi tàn không phải vì doanh số bán thấp, mà đơn giản bởi sự biến mất từ “hãng mẹ”. Hình thành từ tháng 12/1993, Vidamco - một liên doanh được thành lập giữa công ty Daewoo Motors (Hàn Quốc) với Xí nghiệp Liên hiệp Cơ khí 7893 thuộc Bộ Quốc Phòng. Đến năm 1995 liên doanh này xây nhà máy ở Hà Nội với công suất 10.000 xe/năm.
Sản phẩm đầu tiên của Vidamco là Daewoo Cielo ra đời vào tháng 4/1996, và 2 năm sau có thêm Leganza và Nubira.
Thương hiệu Daewoo thực sự phát triển tại Việt Nam khi tung chiếc citicar nhỏ bé là Matiz vào tháng 9/1998, với giá chỉ 8.000 USD (quy ra tiền Việt khi đó chưa đến 100 triệu đồng). Sau năm 2000, những cái tên như Daewoo Lanos, Magnus, Gentra và Lacetti tiếp tục “làm mưa, làm gió”.
Đến năm 2006, cái tên Chevrolet đã thay thế Daewoo tại Việt Nam như một kết quả được dự báo từ trước. Lý do đơn giản vì tập đoàn xe hơi lớn nhất của Mỹ là General Motors vào năm 2001 đã mua lại Daewoo Motors và được đổi tên thành GM Daewoo.
Lifan
Lifan là một trong những thương hiệu ô tô Trung Quốc sớm có mặt tại Việt Nam thông qua việc lắp ráp bởi liên doanh Ôtô Hòa Bình (VMC), phân phối bởi công ty Bảo Tân. Tháng 3/2007, mẫu xe Lifan 520 ra mắt với giá cho phiên bản động cơ 1.6 là 15.000 USD và bản động cơ 1.3 là 13.000 USD.
Một năm sau, Lifan đẩy nhanh tiến độ “phủ sóng” bằng việc ra mắt 3 mẫu xe gồm Lifan 620, 320 và 520i.
Sự tồn tại của Lifan không kéo dài quá lâu, đến năm 2012, doanh số xe Lifan biến mất khỏi báo cáo của VMC và sau đó gần như thương hiệu ô tô Trung Quốc ra đi “không kèn, không trống”. Nguyên nhân sự thất bại của Lifan nằm ở chất lượng xe không được đánh giá cao, độ bền kém.
Chery
Chery cũng là một sản phẩm “chung lò” với Lifan. Năm 2009, liên doanh Ôtô Hòa Bình (VMC) tung ra chiếc Chery QQ giá 179 triệu đồng nhằm cạnh tranh với Chevrolet Spark.
Sau đó, VMC còn tung ra tiếp chiếc Chery Riich M1 giá 288 triệu đồng, nhắm tới phân khúc người dùng trẻ ở đô thị. Thế nhưng doanh số của Chery không đạt được kỳ vọng, chỉ bằng một phần nhỏ bé so với đối thủ chính Chevrolet khi nhiều năm luôn tiêu thụ dưới 150 xe/năm.
Sau năm 2013, Chery lặng lẽ biến mất khỏi danh mục sản phẩm của VMC và dần rơi vào lãng quên. Cũng sau thời gian này, ô tô Trung Quốc vào Việt Nam có thêm nhiều thương hiệu khác nhưng chỉ ở dạng nhập khẩu nhỏ lẻ, không làm truyền thông và ít có sức ảnh hưởng.
Citroen
Thương hiệu xe Pháp Citroen từng nổi tiếng ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Citroen bất ngờ quay trở lại Việt Nam vào năm 2011 với chiếc hatchback cỡ nhỏ DS3 nhập khẩu nguyên chiếc, bán mức giá hơn 1 tỷ đồng.
Nhưng Citroen dần biến mất lúc nào không ai hay. Hiện tại, ngay cả việc tìm kiếm người bán chiếc Citroen DS3 cũng là một việc khó khăn.
Renault
Giống như Citroen, Renault cũng là một thương hiệu đến từ nước Pháp trở lại Việt Nam vào năm 2010 dưới dạng nhập nhẩu. Hãng xe có showroom đầu tiên đặt tại Hà Nội, cùng dải sản phẩm phong phú từ hatchback, sedan cho tới SUV.
Khá khẩm hơn Citroen ở chỗ Renault xây dựng được chuỗi marketing về sản phẩm cũng như đồng hành trong nhiều sự kiện tại Việt Nam. Thế nhưng cuối cùng Renault sớm rút khỏi thị trường Việt Nam vào cuối năm 2017. Hoạt động cuối cùng của hãng là ra mắt dòng xe Talisman.
Nguyên nhân sự thất bại của Renault có lẽ đến từ nhà nhập khẩu. Công ty Auto Motors Vietnam từ năm 2016 không nhận được sự đầu tư dồi dào như trước tập đoàn Jean Rouyer Automobile có trụ sở tại Cholet (Pháp), cùng với tình hình kinh doanh “ế ẩm” đã dẫn đến sự rút lui như được báo trước.
UAZ
Thương hiệu xe Nga UAZ gắn bó với miền Bắc Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ cho đến thời kỳ xây dựng đất nước sau giải phóng. UAZ trở lại Việt Nam vào đầu năm 2017, nhập khẩu bởi công ty tư nhân AutoK có trụ sở ở Hà Nội.
UAZ mang đến Việt Nam 3 mẫu xe chính là SUV Hunter, Patriot và bán tải, với giá bán từ 495 triệu đồng đến 686 triệu đồng. Tuy nhiên, so với các đối thủ thì giá bán của UAZ khá cao trong khi trang bị cùng chất lượng xe nghèo nàn.
Sau 2 năm, nhà phân phối AutoK đã ngừng kinh doanh UAZ. Lý do được đưa ra là khó khăn về nhập khẩu, ưu đãi thuế chưa được áp dụng ngay khiến doanh nghiệp chịu lỗ.
Theo Đình Quý (VietNamNet)