Sở hữu một chiếc ô tô là mơ ước của nhiều người tuy nhiên làm sao để lái ô tô an toàn nhất thì không phải tài xế nào cũng nắm vững ngay, nhất là những tài xế mới. Do đó, để tránh rủi ro tài xế nhất định phải nắm vững những nguyên tắc dưới đây:
Giữ tập trung khi lái ô tô
Trên 70% các vụ tai nạn xảy ra do nguyên nhân các tài xế không tập trung vào việc điều khiển xe. Các yếu tố chủ quan cũng như khách quan ảnh hưởng rất nhiều đến tài xế, quan trọng là bạn phải biết hạn chế chúng và tập trung tối đa vào việc lái xe. Đây là một trong những kinh nghiệm lái xe an toàn mà chúng ta được nghe hàng ngày nhưng việc thực hiện thì không dễ dàng chút nào. Hãy hạn chế thức uống có nồng độ cồn cao vì sức khỏe và sự an toàn của bản thân và gia đình chúng ta.
Điều khiển xe ô tô nhẹ nhàng
Đối với bàn đạp ga, người lái xe cần tập thói quen điều khiển thật nhẹ nhàng. Có nghĩa, khi tác động lên bàn đạp ga, nên tỳ nhẹ dần xuống và phải tập lắng nghe, cảm nhận được tiếng động cơ lớn dần lên, không nên đạp với lực mạnh.
Hiểu rõ các tín hiệu khi tham gia giao thông
Những người đang học lái xe, thậm chí nhiều tài xế "đã qua rất nhiều xe" một thời gian nhưng không chú ý đến một điều nhỏ nhặt, đó là ra tín hiệu và đáp trả tín hiệu thế nào là hợp lý khi đang tham gia giao thông. Thực tế khi đang vận hành xe trên đường, cho người khác biết ý định lái xe như thế nào là rất quan trọng.
Đặt gót chân vào bàn đạp phanh ô tô
Trong khi lái ô tô tài xế luôn phải đặt gót giày chân phải đặt thẳng với bàn đạp phanh. Khi cần nhịp ga nên cố định gót chân và chếch xéo mũi giày về bên phải là sẽ gặp bàn đạp ga (không nên dịch chuyển gót chân khi điều khiển ga và phanh).
Mỗi sáng lên xe sau khi đã khởi động động cơ, không nên di chuyển ngay. Nên dành 5 phút ngồi trên ghế lái tập chân phải chuyển qua chuyển lại giữa hai bàn đạp ga và phanh, đồng thời nghĩ thầm trong đầu "cái này là ga", "cái này là phanh".
Tập thói quen để chân ga và chân phanh ô tô
Trong quá trình lái xe những tình huống cần phải giảm tốc độ, nên đặt mũi giày qua bàn đạp phanh đồng thời nên nghĩ trong đầu "đặt chân qua phanh" và ngược lại khi muốn đặt chân qua bàn đạp ga cũng thực hiện tương tự, nghĩ thầm trong đầu "đặt chân qua ga".
Tạo thói quen khi lên xe ô tô
Đầu tiên nhấc mũi giày chân phải lên nhưng chân vẫn đặt trên bàn đạp phanh, ngưng lại từ 3 đến 5 giây rồi sau đó mới quyết định có đặt mũi giày qua bàn đạp ga để nhịp ga hay không.
Khi vào số tiến (D) hoặc lùi (R) nên nhìn xuống cần số để không vào nhầm số, sau đó kiểm tra lại đèn hiển thị số trên bảng táp-lô một lần nữa rồi mới từ từ nhả chân phanh cho xe lăn bánh.
Lái xe trong điều kiện mưa gió
Khi có mưa thì nên bật đèn, giảm tốc độ, lái xe cẩn thận khi có giông bụi, tránh xa xe máy và xe đạp, kiểm tra kỹ cửa xe... Đường mưa mới ướt sẽ rất trơn, do đó kinh nghiệm lái xe an toàn trong điều kiện đường sá này là bạn phải xử lý phanh, đánh lái, xi-nhan sớm hơn, giữ khoảng cách xe hơn với xe cùng chiều, dùng gạt mưa và sấy kính với chế độ phù hợp để có tầm nhìn tốt nhất.
Hãy luôn "nhường nhịn" khi lái ô tô
Khi chạy đường trường nếu chủ động chạy lấn đường các xe chạy ngược chiều, đặc biệt là xe tải và xe khách thì họ sẽ lấn đường lại. Lý do là xe tải không muốn phải đạp phanh về số vì sợ "mất trớn", tốn nhiên liệu. Họ hay chạy lấn đường ép xe ngược chiều phải nhường đường để họ không phải giảm tốc độ.
Theo An Dương (Vietq.vn)