Mẫu xe điện mang hai xuất xứ Thụy Điển - Trung Quốc Polestar 4 vừa xuất hiện ở Triển lãm ô tô New York và gây được sự chú ý cũng như tò mò khi không hề có kính sau. Điều này được cho là sẽ tạo ra không gian lớn hơn và tạo sự riêng tư tối đa ở khoang hành khách.
Thay vì nhìn vào gương chiếu hậu bên trong xe, lái xe sẽ phải quan sát phía sau thông qua gương chiếu hậu kỹ thuật số kết nối với camera và một số công nghệ hỗ trợ người lái. Trong khi đó, hai gương chiếu hậu bên ngoài vẫn là dạng quang học truyền thống.
Thiết kế mới trên của Polestar 4 gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Đối với các nhà phê bình, điều này chẳng khác gì việc đeo một miếng che mắt vì họ cho rằng quan sát phía sau thông qua gương chiếu hậu bên trong và xuyên qua lớp kính vẫn đáng tin cậy hơn.
Trong điều kiện thời tiết hay có mưa tuyết như ở châu Âu và Bắc Mỹ, việc giữ cho camera không bị mờ hay đóng băng cũng là một vấn đề lớn. Chưa kể, trong trường hợp màn hình hiển thị hình ảnh bị trục trặc thì lái xe sẽ không thể quan sát phía sau.
Tuy nhiên, đại diện Polestar - thương hiệu con của Volvo Car Group (thuộc sở hữu của tập đoàn Geely Holding Group - Trung Quốc) cho rằng, đây là thiết kế táo bạo mang xu hướng của tương lai. Nhờ bỏ được mảng kính lớn phía sau, kiểu dáng của chiếc xe trở nên đẹp mắt hơn, không gian bên trong được mở rộng.
Đại diện Polestar cũng nhấn mạnh, việc lái xe quan sát phía sau còn dễ dàng hơn bởi chiếc xe được cung cấp gương chiếu hậu kỹ thuật số tầm nhìn rộng hiển thị hình ảnh được truyền trực tiếp từ cặp camera đôi gắn phía đuôi xe.
Hơn nữa, công nghệ hỗ trợ người lái trên Polestar 4 còn được giúp sức bởi 4 camera đỗ xe và 12 cảm biến siêu âm. Những trang bị như hệ thống cảnh báo va chạm, cảnh báo phương tiện cắt ngang hay hỗ trợ phanh khẩn cấp cũng có mặt trên mẫu xe điện này.
Về sức mạnh, chiếc SUV điện Polestar 4 cũng rất đáng gờm với công suất 544 mã lực, cho phép tăng tốc từ 0-62 dặm/giờ (100 km/giờ) trong 3,8 giây. Khối pin 102kWh tùy chọn có phạm vi hoạt động là 560km trong 1 lần sạc.
Theo Carscoops
Hoàng Hiệp (VietNamNet)